EVFTA: “Bóng đã trong chân”

Song Anh| 16/04/2020 00:25

Cải cách cần nhanh và thực chất, chỉ khi đó doanh nghiệp mới được hưởng lợi khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Đó là nhận định của PGS-TS. Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).

EVFTA: “Bóng đã trong chân”

* Việc Hội đồng châu Âu (EC) thông qua EVFTA, theo ông, có ý nghĩa thế nào với Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm?

- Tôi nghĩ, EVFTA sẽ mang lại những lợi ích trong dài hạn. Theo thỏa thuận, EVFTA sẽ gỡ bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu giữa hai bên trong vòng 10 năm,  65% hàng xuất khẩu của EU vào Việt Nam sẽ ngay lập tức được miễn thuế, trong khi thuế với số hàng hóa còn lại sẽ dần về 0% trong vòng 10 năm. Ở chiều ngược lại, 71% hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ được miễn thuế ngay trong ngày đầu tiên. Số hàng hóa còn lại sẽ được miễn trong 7 năm. Thỏa thuận còn bao gồm các điều khoản về gỡ bỏ rào cản phi thuế quan, chỉ dẫn địa lý, về ngành dịch vụ, mua sắm công và phát triển bền vững.

Tất nhiên, những lợi ích từ việc thực thi các điều khoản trong EVFTA không đến ngay, nhưng mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam với một thị trường có sức mua lớn. Dù điều kiện không dễ dàng, nhưng đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và những thị trường truyền thống khác. 

Link bài viết

* Làm thế nào để tận dụng EVFTA dường như vẫn là vấn đề buộc phía Việt Nam phải quan tâm?

- Bây giờ, “bóng đã trong chân”, Việt Nam cần cải cách nhanh và thực chất, chỉ khi đó doanh nghiệp mới được hưởng lợi. Hiện nay, theo những gì chúng tôi thấy, doanh nghiệp vẫn đang chờ những cải cách của Chính phủ, nhất là những quy định có liên quan đến các điều khoản nêu trong EVFTA.

Một điều cần lưu ý, để tạo dựng được thị trường mới thì chất lượng hàng hóa là đặc biệt quan trọng. Do đó, phía doanh nghiệp phải cần chuyển đổi, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, chỉ như vậy mới có thể thích ứng được với thị trường và người tiêu dùng châu Âu.

* Nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 5 tới, theo ông, EVFTA sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay? 

- Năm nay, Việt Nam không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% như đề ra, do chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch Covid-19. Tăng trưởng quý I/2020 đã giảm mạnh, chỉ 3,82% - mức tăng trưởng thấp nhất một quý trong vòng 10 năm trở lại đây. Nếu được Quốc hội thông qua, EVFTA sẽ cùng CPTPP tạo ra những lợi ích trong dài hạn, góp phần nâng đỡ nền kinh tế Việt Nam những năm tiếp theo.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ được trình Quốc hội Khóa XIV vào những ngày đầu kỳ họp thứ 9. Hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ phê chuẩn EVFTA. Bộ hồ sơ này sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần thứ 44 dự kiến tổ chức giữa tháng 4 này. 

Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua EVFTA. Đây là bước pháp lý cuối cùng theo thủ tục phê chuẩn nội bộ của EU để EVFTA có hiệu lực. Trước đó, ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua hiệp định này. Như vậy, EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo là sẽ có hiệu lực.

EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. EVFTA sẽ là cú hích cho xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản, cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh. 

Việt Nam cũng sẽ phải mở cửa cho nhiều loại hàng hóa chưa có lợi thế, như thực phẩm từ gia súc. Cạnh tranh cũng sẽ khốc liệt hơn. Chẳng hạn với lĩnh vực chế tạo, cạnh tranh có thể khiến không ít doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe hơi phải chuyển sang các ngành khác có lợi thế hơn. 

EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt gần 56,4 tỷ USD. EVFTA cũng dành nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu nội khối để sản xuất hàng hóa. Điều đó có nghĩa, những doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu từ Trung Quốc sẽ không được hưởng lợi từ hiệp định này. Theo tôi biết, số doanh nghiệp loại này hiện không ít tại Việt Nam.

* Cảm ơn ông!  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EVFTA: “Bóng đã trong chân”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO