Văn hóa nghệ thuật

Duy trì các sự kiện nghệ thuật định kỳ, cần hỗ trợ của Nhà nước

Xuân Hướng 12/05/2024 - 11:18

Tổ chức thành công các sự kiện nghệ thuật mang thương hiệu địa phương không chỉ góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa, mà còn mang lại nhiều giá trị về quảng bá hình ảnh và thu hút khách du lịch, kinh tế cho địa phương, quốc gia.

TP.HCM vừa tổ chức thành công Liên hoan phim (LHP) quốc tế TP.HCM lần thứ nhất năm 2024. Tích hợp sự chuyên môn và lễ hội, LHP cho thấy hiệu quả về con số hơn 250.000 khán giả tham gia các hoạt động. Trước đó, UBND Thành phố đã ban hành đề án về chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030. Trong đó, điện ảnh là một lĩnh vực mũi nhọn được Thành phố quan tâm. Vì vậy, LHP này còn là một sự kiện thường niên nâng cao chất lượng và uy tín của điện ảnh Thành phố; góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa và du lịch của địa phương đến với bạn bè quốc tế.

thumbnail-673-tr24.jpg
Lễ hội Áo dài TP.HCM năm 2024

Từ lâu, phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng thương hiệu văn hóa cho địa phương thông qua các sự kiện nghệ thuật lớn đã hình thành.Tại các thành phố lớn trên thế giới, nhiều sự kiện nghệ thuật được tổ chức thường niên đã góp phần xây dựng thương hiệu cho địa phương. Chẳng hạn như: Lễ hội Âm nhạc Coachella (California, Mỹ), Lễ hội Âm nhạc Rock in Rio (Rio de Janeiro, Brazil), Lễ hội Âm nhạc Glastonbury (thị trấn Glastonbury, Anh), LHP Berlin (Berlin, Đức), LHP Busan (Busan, Hàn Quốc), LHP Cannes (Cannes, Pháp), Tuần lễ thời trang Milan (Milan, Ý)... gắn với các địa danh nổi tiếng, mang đậm dấu ấn văn hóa. Chúng không chỉ là “sân chơi” phát triển kỹ năng, phong cách biểu diễn, học hỏi, giao lưu, kết nối, quảng bá, tổ chức... cho những người làm nghề; tạo cơ hội thưởng thức nghệ thuật và giải trí cho người dân mà còn mang lại nhiều giá trị về du lịch, kinh tế cho địa phương.

Ở Việt Nam, những năm gần đây một số tỉnh, thành phố đã nhận ra lợi ích to lớn từ việc tổ chức các lễ hội hay liên hoan âm nhạc, điện ảnh, thời trang... để tạo thương hiệu cho địa phương, định vị cho các địa danh, quảng bá văn hóa nghệ thuật của địa phương và đất nước đến với thế giới, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa, giúp du lịch tăng trưởng. Theo đó, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa đã được xem là thương hiệu văn hóa để triển khai đề án phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Từ năm 2023, LHP quốc tế Đà Nẵng tổ chức hàng năm đã trở thành một sự kiện “đinh” của TP. Đà Nẵng trong kích cầu du lịch văn hóa. Lễ hội Âm nhạc Đà Lạt (Dalat music Festival) là sự kiện nghệ thuật thường niên của Đà Lạt - Thành phố Sáng tạo Âm nhạc của UNESCO....

Trên thực tế, tổ chức những sự kiện nghệ thuật mang thương hiệu địa phương và có tầm cỡ quốc tế phải có quy mô đủ lớn, diễn ra trong nhiều ngày,có nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước cũng như hàng ngàn khán giả tham gia. Như Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP.HCM - Hò Dô năm 2023 thu hút hơn 200.000 lượt khán giả tham gia trong ba ngày diễn ra các hoạt động biểu diễn và trải nghiệm “lễ hội trong lễ hội”.

Diễn ra trong 8 ngày, LHP quốc tế TP.HCM lần thứ nhất đã tổ chức 73 sự kiện, 14 phiên hội thảo tọa đàm và 10 lớp học chuyên môn ở nhiều địa điểm khác nhau, thu hút gần 200 khách mời quốc tế và 250.000 khán giả tham gia trực tiếp (chưa kể hàng triệu khán giả theo dõi qua các nền tảng trực tuyến và truyền hình). Cho nên, để duy trì tính định kỳ, sức hút của các sự kiện nghệ thuật mang tính thương hiệu này luôn là “bài toán” khó với bất cứ đơn vị tổ chức nào.

Được biết, từ khi bắt đầu xây dựng kế hoạch, TP.HCM đã có những quyết sách mang tính định hướng Hò Dô phải trở thành một liên hoan âm nhạc quốc tế đúng nghĩa; là mô hình tiêu biểu trong kết hợp đầu tư của Thành phố với các nguồn lực xã hội hóa, xứng với kỳ vọng phát triển văn hóa song song với kinh tế. Khi đã trở thành một thương hiệu văn hóa gắn với Thành phố, Hò Dô sẽ tạo ra một khối lượng lớn việc làm cho người dân, thúc đẩy văn hóa cộng đồng và phát triển kinh tế, du lịch. Kết quả là sau ba lần tổ chức, Hò Dô đã hình thành một thương hiệu văn hóa mới, là một thành công thể hiện chiến lược đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa và kích cầu du lịch của Thành phố. Điều này cho thấy tầm nhìn dài hạn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thành phố. Trong số những sự kiện âm nhạc quốc tế được tổ chức tại Việt Nam năm 2023, Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP.HCM - Hò Dô được chính quyền hỗ trợ nên hoàn toàn miễn phí cho người dân và du khách.

Kinh phí tổ chức LHP quốc tế TP.HCM lần thứ nhất từ giai đoạn đi nghiên cứu tìm hiểu và chuẩn bị cho đến khi diễn ra vào khoảng 3-4 hơn 80 tỷ đồng, bao gồm nguồn ngân sách Thành phố (khoảng 20 tỷ đồng) và vận động xã hội hóa theo quy định. Ngoài ra còn là hỗ trợ phi tài chính, trong đó các sở, ban, ngành... của Thành phố đã có rất nhiều hỗ trợ.

“Để tổ chức LHP, bắt buộc phải có sự hỗ trợ từ phía nhà nước mới làm được”, đại diện Ban tổ chức LHP Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất chia sẻ trong họp báo tổng kết. Như vậy, để tổ chức và duy trì thành công các sự kiện nghệ thuật lớn thường niên định vị thương hiệu văn hóa địa phương, gắn với phát triển công nghiệp văn hóa, tăng khả năng kích cầu du lịch thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Duy trì các sự kiện nghệ thuật định kỳ, cần hỗ trợ của Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO