Đưa mô hình sàn giao dịch vốn vào trường đại học khởi nghiệp
Vốn vẫn luôn là một điểm “nghẽn” lớn. Với một mô hình đột phá như đại học khởi nghiệp, cần xem xét đưa mô hình sàn giao dịch vốn vào trong trường…
Không có vốn, nhiều dự án “chết yểu”
Không chỉ riêng các dự án khởi nghiệp của sinh viên trong các trường đại học đang “nghẽn” khi tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, mà cả các dự án của startup bên ngoài trường đại học.
Mặc dù các sinh viên có rất nhiều ý tưởng hay và sáng tạo, tuy nhiên, nhìn chung, chất lượng các dự án còn khá “non yếu”. Quá trình tổ chức vận hành dự án bao gồm việc sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực trong cái hệ sinh thái được như mong đợi. Các nhà đầu tư thì luôn quan tâm đến các con số về doanh thu, lợi nhuận, tuy nhiên, các sinh viên vẫn còn yếu trong việc lên kế hoạch tài chính, sử dụng nguồn vốn để tạo ra một “bức tranh” tươi sáng, đưa các nhà đầu tư đến một điểm thoái vốn hợp lý với kỳ vọng của họ.
Theo thống kê gần nhất, các startup Việt chỉ gọi được 47 triệu USD vốn cổ phần trong quý I/2024, “bốc hơi” đến 80% so với cùng kỳ năm ngoái, chênh lệch rất lớn với con số 1 tỷ USD của năm 2021.
Đặc biệt, còn một khoảng cách rất lớn giữa khả năng hấp thụ vốn của các dự án và “khẩu vị” đầu tư của các quỹ mạo hiểm quốc tế. Hầu hết, các quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ “hứng thú” với các dự án trên 3 triệu USD, cho đến mức vài chục triệu USD. Nhưng trên thực tế thì các dự án của sinh viên không cần đến mức đó. Nhiều dự án “manh nha” chỉ cần khoảng vài chục triệu đồng để thử nghiệm và triển khai ban đầu. Từ đó, đặt ra bài toán hình thành và phát triển một mô hình trung gian nhằm điều tiết nguồn vốn phù hợp vào các dự án đủ tiêu chuẩn từ các trường đại học…
Mô hình sàn giao dịch vốn nằm ngay trong trường đại học khởi nghiệp
Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, tạo chính sách cho phát triển mô hình quỹ đầu tư, mà được các chuyên gia đánh giá là tiên tiến nhất cho tới thời điểm hiện nay để đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST. Mô hình các sàn giao dịch vốn cũng đang hoạt động dựa trên chính sách đó.
Các sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp, ĐMST đã hình thành từ lâu đời ở trên thế giới, nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Các sàn giao dịch sẽ tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực cụ thể, nhằm điều phối nguồn vốn phù hợp cho từng dự án vào giai đoạn sớm. Sàn sẽ giúp đa dạng các kênh gọi vốn, đa dạng các nhà đầu tư, tiếp cận với các quỹ phù hợp trước khi chạm đến các quỹ mạo hiểm lớn và chuyên nghiệp hơn. Thông qua sàn, quá trình phát triển vốn của các dự án sẽ tuần tự, tránh việc các dự án của sinh viên trong trường đại học chỉ gọi được một vòng duy nhất, sau khi sử dụng hết thì không gọi tiếp được nữa. Ngoài ra, sàn sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý, tài chính, marketing và kết nối các bên liên quan, tạo môi trường liên kết và hỗ trợ tối đa cho các startup và nhà đầu tư.
Để làm được điều đó, các trường đại học hướng tới mô hình đại học khởi nghiệp, cần tận dụng lợi thế sẵn có từ các nguồn lực của đội ngũ cựu sinh viên, các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để tham gia vào sàn giao dịch vốn. Cơ chế hoạt động, vận hành của sàn gọi vốn cũng cần áp dụng các công nghệ mới như blockchain hay NFT, hợp đồng điện tử thông minh (smart contract)… để đảm bảo quyền lợi và bảo mật cho các nhà đầu tư, đảm bảo khả năng mở rộng và xử lý lượng giao dịch lớn một cách chính xác và hiệu quả. Ngoài ra, trường đại học khởi nghiệp phải phát huy lợi thế từ hệ thống các vườn ươm, hay trung tâm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp. Vì khi mỗi một dự án hình thành lên cũng là lúc cần nâng đỡ nhiều nhất, hỗ trợ đào tạo xây dựng và phát triển hơn nữa mô hình kinh doanh để có thể “trụ” vững trên thị trường. Vườm ươm sẽ thực hiện việc đó, là một bệ đỡ vững chắc để khi các quỹ rót vốn vào sẽ có cơ sở để thúc đẩy các dự án phát triển nhanh hơn.
“Tại Việt Nam, nguồn vốn ban đầu từ Chính phủ còn khá hạn chế, nguồn vốn tự thân các trường dành cho hoạt động này cũng khiêm tốn, cộng với sự phối hợp giữa khu vực công và tư chưa được như kỳ vọng, dẫn đến các dự án rơi vào thế “bí”.
Ngoài mô hình sàn gọi vốn cộng đồng, các trường đại học khởi nghiệp có thể xây dựng mô hình sàn phái sinh, nơi bán các giá trị tương lai của các dự án, nghĩa là nhà đầu tư sẽ mua bán các hợp đồng dựa trên những kỳ vọng về giá trị mà dự án sẽ tạo ra sau này. Điều này giúp các dự án khởi nghiệp của sinh viên trong trường đại học khởi nghiệp có thể huy động vốn mà không cần phải bán đi cổ phần ngay từ đầu, đồng thời tạo ra một kênh giao dịch linh hoạt và hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Từ góc độ chính sách, thời gian tới, cần sớm có hướng dẫn việc định giá các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp, ĐMST, giảm bớt tình trạng “ướm chừng” khi các nhà đầu tư xem xét rót vốn. Ngoài ra, Nghị định 38/2018/NĐ-CP tập trung vào đối tượng doanh nghiệp ĐMST, nhưng trên thực tế, khi triển khai thành lập doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp “truyền thống” thay vì doanh nghiệp ĐMST. Từ đó, dẫn đến nhiều điểm bất cập có thể kể đến như việc định giá và ghi nhận các tài sản và giá trị vô hình của một doanh nghiệp, dẫn đến việc các doanh nghiệp ĐMST mất đi một phần lớn giá trị và “lợi thế”, làm kém hấp dẫn với các nhà đầu tư, nên cũng cần xem xét để bổ sung cơ chế phù hợp. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp để tạo cơ chế chuẩn, làm định hướng cho các doanh nghiệp cũng như các trường đại học cân nhắc đưa vào vận hành mô hình này trong tương lai.
Khánh Hưng (ghi)
“Hàn Quốc là một trong những quốc gia hàng đầu trong việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) từ trường đại học, điển hình như Đại học Quốc gia An Đông. Các dự án tiềm năng của sinh viên nhận được nguồn vốn đầu tư “chủ động” từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm ngân sách “tương đối” từ phía Chính phủ, làm nguồn vốn mồi để thu hút thêm các dòng vốn từ quỹ tư nhân”.