Du lịch Hà Tĩnh: Không hay không về

Nguyễn Văn Mỹ (*)| 15/04/2023 01:00

Hà Tĩnh có đủ tài nguyên du lịch biển, núi, sông, hồ, thác, rừng, chợ, lịch sử, văn hóa, tâm linh, chỉ thiếu cách làm hiệu quả. Nhóm du khách chúng tôi cảm nhận, hình như người Hà Tĩnh chưa yêu quê mình đủ, hơi tự ti về tiềm năng du lịch văn hóa Hồng Lam.

Du lịch Hà Tĩnh: Không hay không về

Có mấy bạn mê xê dịch, từng đi nhiều nơi, hỏi xem chỗ nào mới và hay. Tôi nói: "Ra Hà Tĩnh". "Tụi em đi ngang nhiều lần. Có ăn kẹo cu đơ, lạ nhưng không ngon. Gần đây, nghe nói có chùa Hương Tích. Tụi em đi chùa Hương Hà Tây (Hà Nội) rồi, gần hơn". Thấy các bạn phân vân, tôi rủ: "Ra Hà Tĩnh, bốn ngày nha. Tôi đang tư vấn du lịch cộng đồng ở đây, sẽ cùng đi. Không hay, không về Sài Gòn".

Bay ra Vinh, chuyến 7 giờ 30, sớm nhất. Cả nhóm đến làng Tiên Điền (Nghi Xuân) viếng mộ đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820), tác giả kiệt tác Truyện Kiều. Chưa ai dám tự nhận hiểu hết Truyện Kiều dù có Hội Kiều học Việt Nam và nước ngoài. Học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) từng khẳng định: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn".

Mộ cụ khiêm cung giữa cánh đồng, cạnh nghĩa trang "Thập loại chúng sinh". Cách đó gần 2km là Khu di tích Nguyễn Du 3ha, như công viên văn hóa, được trùng tu và nâng cấp từ năm 2014 với nhiều hiện vật và tư liệu quý. Ở đây có Truyện Kiều bằng thư pháp nặng 75kg, dài 1,6m, rộng 1,2m, dày 0,3m, tượng Nguyễn Du sống động, tạc bằng gỗ gù hương (xá xị) nguyên khối cao 3,5m, nặng 4,8 tấn.

Nhận phòng khách sạn Đại Bàng (Eagle), 4 sao xịn xò, thân thiện. Chiều viếng chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh (Can Lộc), khởi dựng đầu thế kỷ XIII. Phi tần, mỹ nữ chúa Trịnh đa phần quê Hoan Châu (Nghệ An và Hà Tĩnh), thường trẩy hội chùa Hương Tích bằng đường thủy, qua cửa Hội Thống (Cửa Lò). Để thuận tiện đi lại, an toàn, cuối thế kỷ XVII, chúa Trịnh lệnh xây chùa Hương Tích mới ở Hà Tây (Hà Nội).

-4455-1681185707.jpg

Thác Tiên, Hương Khê, cao khoảng 200m, chụp từ khoảng cách 100m

Hương Tích cổ tự là Hoan Châu đệ nhất danh thắng, top 21 thắng cảnh nước Nam xưa. Chùa ở độ cao 650m, lưng chừng đỉnh Hương Tích, ngọn núi đẹp nhất dãy Hồng Lĩnh, được chạm khắc vào Anh Đỉnh trong Đại nội Huế từ năm 1936. Chùa giữ nguyên nhiều nét xưa. Nhiều pho tượng có niên đại hàng trăm năm. Có thể đi thuyền trên hồ nhà Đờng (Đường) có từ thời Bắc thuộc, đi xe điện rồi ngồi cáp treo hoặc trekking đường bộ lên chùa. Cảnh đẹp hơn tranh vẽ.

Thác Vũ Môn (thác Thần) và thác Tiên ở Hương Khê - Suối Thơm như hai chị em sơn nữ dậy thì mê hoặc, chưa ra khỏi làng nên ít ai biết. Khởi nguồn từ núi Giăng Màn, độ cao 1.400m, có ba tầng thác và hồ liên hoàn, cao khoảng 200m, tiếng thác vọng cả kilômét, nước mát rợn người. Nhìn từ xa, thác như mái tóc bạch kim, điệu đàng giữa bạt ngàn rừng nguyên sinh với nhiều gỗ quý như lim, tùng, bách, táu... và nhiều khối đá cổ, hình thù ngộ nghĩnh.

Thác Thần gắn liền sự tích "Cá chép hóa rồng - Mùng bảy (tháng tư) cá đi ăn thề/ Mùng tám cá về vượt thác Vũ Môn". Những ngày này phường chài không bủa lưới. Thác Vũ Môn mây mù dày đặc, không ai dám đến gần. Nếu ngày 8 tháng 4 trời mưa, nước về nhiều, cá vượt thác hóa rồng, mùa màng bội thu. Ngược lại, sẽ hạn hán. 

Cùng chung nguồn cội, thác Tiên cách thác Thần chừng 5km, đẹp ngỡ ngàng. "Vú đồng trinh sương ngậm/ Em tắm suối một mình/ Ta nằm trong bụi rậm/ Kiến cắn, vẫn làm thinh".

Tương truyền, vua Hùng thứ 13 ngao du qua vùng Thiên Cầm ngày nay, ngỡ ngàng vì thiên nhiên kỳ thú. Biển xanh, cát vàng tít tắp bình yên và quyến rũ. Trên bờ thông reo đuổi gió, thầm thì với cỏ cây tận ngọn núi nhỏ. Những đêm lênh láng vàng trăng, ngọn núi mờ ảo tựa cây đàn tỳ bà đang ngân vang giữa đất trời thơ mộng. Vì thế vua gọi vùng đất này là Thiên Cầm Sơn, nghĩa là núi Đàn Trời. 

Vào lúc trời yên biển lặng, đứng trên đỉnh Thiên Cầm, nghe giữa thinh không khuya vắng những hòa âm rất lạ của trời đất. Biển Thiên Cầm được xem là đẹp nhất Bắc Trung Bộ, hình cánh cung, bãi phẳng, ít sóng. Cát nõn nà trắng vàng mịn trải dài gần 5km với hai bãi tắm Nam, Bắc ngăn cách bởi núi Thiên Cầm.

Thiên Cầm cao 108m, sát biển, đường bờ kè tuyệt đẹp. Ngang dốc Cu Kỳ, có thể nghe tiếng cu gáy và gặp từng đôi chim cu, đuôi rất đẹp, giật mình tung cánh chào khách. Núi nghịch ngợm vãi đá ra đùa biển với những quần thể ngộ nghĩnh qua tên gọi tượng hình như đá "Nóc nhà", "Lò rượu", "Lợn mẹ lợn con", "Tiên đánh cờ", "Trống", "Chiêng"... Tạo hóa quả khéo tay khi gửi gắm thông điệp: số 1 - khởi đầu, số 8 - vô cực, số 0 - chính giữa. Từ vũ trụ đến từng cuộc đời đều có bắt đầu và có kết thức, nối bằng sắc sắc không không.

Ngoài Thiên Cầm, biển Hà Tĩnh còn có Xuân Thành, Thạch Hải, Kỳ Ninh, Kỳ Xuân, Hoành Sơn, Xuân Hải, bãi nào cũng quyến rũ. Nhiều hồ đẹp dù tên gọi chân quê, rặt Hà Tĩnh, như Kẻ Gỗ, Nghem, Nhà Đờng, Bến Đá, Đồng Ghè, Đập Lỗ, Cồn Cồ, Đập Bợt, Nhà Hát, Dâu, Thành (Sen)... Nhiều sông xinh như Lam, La, Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Rào Tre, Rào Cái, Rào Trổ, Nghèn, Khe Gát. Cửa khẩu Cầu Treo (quốc lộ 8) giáp tỉnh Bolikhamxay, cầu nối quan trọng của giao thương Việt - Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Vườn quốc gia Vũ Quang (từ gốc là Vụ Quang) 55.289ha, gắn liền khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896), chiến khu kháng Pháp của Phan Đình Phùng, Cao Thắng (1864-1893) với nhiều động thực vật quý hiếm, đặc hữu. Các di tích cách mạng có ngã ba Đồng Lộc, đền thờ Tổng bí thư Trần Phú (1904-1931), Hà Huy Tập (1906-1941), Lê Duẩn (1907-1986); đình Hoa Vân Hải, trường cấp 2 Hương Phúc...

-3671-1681185707.jpg

Nấm lạ ở rừng Vụ Quang

Dọc các tỉnh lộ, giữa những đồng lúa mượt mà xanh, loang lổ hố bom, dấu tích chiến tranh phá hoại của quân Mỹ. Người Hà Tĩnh lạc quan, biến hố bom thành ao cá. "Cánh đồng còn những hố bom/ Hỏi ra mới biết bà con để dành/ Nhởn nhơ cá lội tung tăng/ Hố bom xưa, giờ biến thành ao riêng". 

Hai đêm sau, nhóm chuyển sang Melia Vinpearl Cửa Sót Resort và Melia Vinpearl Hà Tĩnh. Xế chiều đi làng cá nướng Hộ Độ (Lộc Hà). Đủ loại cá, nướng bằng than, thơm điếc mũi, thấy là chảy nước miếng. Khách du lịch gọi là "chợ ngửi". Sáng tinh mơ đi chợ cá Cẩm Nhượng, nghe nhịp đời réo gọi bình minh. Chợ quê miền biển, hải sản không thể tươi hơn, nhìn ngon nhức mắt.

Hà Tĩnh có nhiều làng văn nghệ nổi tiếng như Cổ Đạm (ca trù), Xuân Liên (hát Kiều), Trường Lưu (hát ví), Đan Du, Phong Phú (hò ví dặm)... Hai làng Tiên Điền và "Bát Cảnh Trường Lưu" hợp thành Hồng Sơn văn phái với những tác phẩm tiêu biểu như Hoa Tiên (Nguyễn Huy Tự (1743-1790), Mai Đình mộng ký (Nguyễn Huy Hổ (1783-1841), Truyện Kiều (Nguyễn Du)... Nhiều làng nổi danh truyền thống học tập, khoa bảng, văn chương, góp phần tạo nên văn hóa Lam Hồng Nghệ Tĩnh. 

Ẩm thực Hà Tĩnh ngon "bẻ rổ” (bổ rẻ). Hương Khê có bưởi, gà gỗ trắc Phúc Trạch, cam Khe Mây, chè xanh Hương Trà, cá mát sông Tiêm, cá tràu (cá lóc) Lộc Yên... Hương Sơn có dê núi, nhút mít, trám đen, nhung hươu... Đặc sản hồng Yên Du, mật ong Vũ Quang, chè, hến sông La, nấm tràm Kỳ Anh, mực nhảy Vũng Áng, cá nướng Lộc Hà, bánh đa kê Nghi Xuân, bề bề, bánh vo Cẩm Xuyên, rượu nếp, củ nén (hành tăm) Can Lộc, bánh lá Phù Lưu, bánh đúc đỏ chợ Gôi, bánh gai Đức Thọ, gỏi cá đục, kẹo cu đơ Phong Nga.

Các đền thờ và nhà lưu niệm Lê Hữu Trác (1720-1791), Nguyễn Công Trứ (1778-1858), Nguyễn Xí (1397-1465), Nguyễn Biểu (?-1413), Phan Đình Phùng (1847-1896), Trương Quốc Dụng (1797-1864), Song Trạng (cha con Trạng nguyên Sử Hy Nhan (?-1421) và Sử Đức Huy (1360 -1430), Trạng Nguyên Bạch Liêu (1236-1315), Bùi Cẩm Hồ (1390-1483), Đào Hữu Ích (1839-1899), hai anh em Lê Quảng Chí (1451-1533) và Lê Quảng Ý (1453-1526), Thánh mẫu Nguyễn Thị Bích Châu (1356-1377), Lê Bôi (Phạm Bôi 1380-?), Hoàng giáp Biện Hoành (thời Lê Trung Tông), quan Hoàng Mười (đền Củi), nhà thờ chánh tòa Văn Hạnh đều là những điểm đến ấn tượng.

Hà Tĩnh có đủ tài nguyên du lịch biển, núi, sông, hồ, thác, rừng, chợ, lịch sử, văn hóa, tâm linh, chỉ thiếu cách làm hiệu quả. Nhóm du khách chúng tôi cảm nhận, hình như người Hà Tĩnh chưa yêu quê mình đủ, hơi tự ti về tiềm năng du lịch văn hóa Hồng Lam. Tiếc nhất là chưa có trạm dừng bán đặc sản.

Cả nhóm chúng tôi hẹn nhau, lần sau phải về Hà Tĩnh cả tuần, chơi cho đã. 

(*) Chủ tịch Lửa Việt Tours

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch Hà Tĩnh: Không hay không về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO