Du lịch vòng quanh thế giới với nhà báo Nguyễn Đức Liên

Phạm Dung| 20/06/2022 06:00

Với 34 bài viết, gói gọn trong 190 trang, tập sách “Trên những dặm đường” được nhà báo Nguyễn Đức Liên ghi lại hành trình qua 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trong cuộc đời làm báo của ông.

Du lịch vòng quanh thế giới với nhà báo Nguyễn Đức Liên

Bìa sách “Trên những dặm đường” của nhà báo Nguyễn Đức Liên

Nhà báo Nguyễn Đức Liên chia sẻ ông rất mãn nguyện khi sau ba năm ấp ủ, tập sách đã kịp phát hành nhân dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Đây là tác phẩm thứ ba của ông sau nhiều năm làm nghề.

Trên những dặm đường vẽ nên một bức tranh nhiều màu sắc, dẫn dắt người đọc trải nghiệm các mùa xuân, hạ, thu, đông trên các quốc gia từ châu Á đến châu Âu, châu Đại Dương: "Ngắm tuyết rơi ở Sapporo", "Thụy Sĩ trái tim quyến rũ ở châu Âu", "Say Tây Ban Nha như say nắng hè", "Ngôi nhà tình yêu ở Verona", "Nghe tiếng ngựa lóc cóc trên con đường đá cuội ở Cuba", "Nước Nga- Xứ sở thần tiên", "Đến Dubai cưỡi lạc đà, vượt sa mạc nóng bỏng", "Sắc màu nước Úc"....

Đi để tích lũy kiến thức và mở rộng tầm nhìn

Cong-vien-hoa-anh-dao-o-thu-do-4666-6028

Công viên hoa anh đào ở thủ đô Canberra - Úc

Tác giả cho hay: “Trên những dặm đường giúp bạn đọc trải nghiệm du lịch vòng quanh thế giới qua những trang sách. Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết đi du lịch ‘bụi’ cho những người thích dịch chuyển phiêu lưu và ít tốn kém. Đồng thời, tôi muốn truyền tải cảm hứng cho các nhà báo trẻ mới vào nghề cảm để yêu nghề hơn và đây cũng là sản phẩm tinh thần cho người làm báo”. 

Nhà báo cho biết, ông bắt đầu đi du lịch ‘bụi’ từ năm 2013. Với ông, đi du lịch không chỉ thỏa đam mê nghề, mà đi để được chạm, cảm và viết lại những tác phẩm báo chí chân thực, và cùng bạn bè trải nghiệm những phong cảnh thiên nhiên đẹp, lịch sử, văn hóa ẩm thực, giao thông, kiến trúc, đời sống... của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Đặc biệt, tôi đam mê tham quan bảo tàng các nước, để tìm hiểu về văn hóa lịch sử của nhân loại. Mỗi chuyến đi thực tế giúp tôi tích lũy kiến thức, mở rộng tầm nhìn, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, khát khao về cuộc sống bình an và hạnh phúc”, nhà báo chia sẻ.

du-lich2-5008-1655636970.png

Biển Mexico

Từ ấn tượng đến trăn trở 

"Khi tôi đến đảo Boracay (Philippines), nơi đây nổi tiếng ngắm hoàng hôn, thu hút hàng vạn du khách các nước đến, mặc dù không cảnh sát, không nhân viên vệ sinh, nhưng ý thức tự giác của du khách quốc tế rất cao, tuyệt đối tuân thủ các qui định tại đây, giữ môi trường luôn sạch sẽ suốt dọc bờ biển, không bao giờ thấy rác bừa bãi. Đây chính là điều chưa có ở các bờ biển Việt Nam. Thêm nữa, giá cả được niêm yết công khai, đồng nhất cho tất cả các điểm du lịch; không có hiện tượng chèo kéo, không phát tờ rơi hay "chặt chém" du khách", nhà báo kể.  

Ông cho biết đã đến Nhật Bản 5 lần, và nếu có cơ hội sẽ vẫn quay lại. Ở Nhật, khi khách du lịch vào khách sạn, cửa hàng, nhân viên chào đón rất niềm nở bằng câu nói “Hây” (xin chào) và cúi đầu một cách trọng thị. Tại sân bay Kansai, nhà báo đã rất ấn tượng khi chứng kiến cô nhân viên an ninh mặt đất đã đứng ngay băng chuyền, lấy từng chiếc va li sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn, sẵn sàng trao trả cho hành khách, không có cảnh chen lấn, tìm kiếm hành lý thất lạc như tại nhiều sân bay khác… 

Theo nhà báo Đức Liên, Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, không thua nước ngoài. Chúng ta có nhiều phong cảnh hùng vĩ như Tây Bắc, hồ Ba Bể, Vịnh Hạ Long…, nhưng điều khiến du lịch Việt Nam chưa bằng các nước chính là dịch vụ du lịch và công tác quản lý nhà nước tại các điểm tham quan. Tình trạng khai thác triệt để tận dụng nguồn thu, không quan tâm đến công tác bảo tồn khiến cho môi trường thiên nhiên tại các khu du lịch sinh thái nhanh chóng bị tàn phá, không còn sức hấp dẫn.

"Ở nước ngoài, công tác quản lý nhà nước về du lịch cực kỳ tốt, họ qui về một mối, thực hiện khai thác theo chính sách du lịch quốc gia rất rõ ràng, nghiêm ngặt và thống nhất từ trên xuống dưới", ông Liên cho biết.

Sau những gì đã chứng kiến, đã cảm và đã trải nghiệm trên những dặm đường du lịch, nhà báo Đức Liên nêu giải pháp phát triển du lịch cho nước nhà: "Việt Nam muốn thu hút khách du lịch cần cải tiến triệt để. Người làm công tác du lịch, tiếp xúc du khách cần có trình độ nhất định, việc tổ chức tour cần chuyên nghiệp hơn, nhân viên du lịch phải được đào tạo, huấn luyện bài bản, phải đặt khách hàng vào vị trí "thượng đế" đúng nghĩa. Điểm du lịch phải sạch sẽ, an ninh, ẩm thực đảm bảo an toàn vệ sinh… để du khách cảm thấy được tôn trọng, đồng tiền họ bỏ ra xứng đáng để sẽ quay lại lần sau”.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch vòng quanh thế giới với nhà báo Nguyễn Đức Liên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO