Trong đợt cao điểm dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc, truyền thông nước này liên tục đưa tin khuyến khích người dân sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền để hỗ trợ điều trị bệnh và tăng cường sức đề kháng cho người dân. Trước diễn biến của đại dịch dịch bệnh Covid-19 do virus SARS-Cov-2 gây ra, trong bối cảnh chưa có thuốc đặc trị, rõ ràng việc kết hợp Tây y và Đông y là cách làm hữu hiệu để tìm ra phác đồ điều trị tốt nhất.
Ngày 17/3/2020 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 1306/BYT-YDCT trong đó nêu rõ: Cần tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-Cov-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền. Hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế mở ra phương pháp kết hợp y học cổ truyền và Tây y hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp nói riêng và phòng các bệnh do virus nói chung.
Cam thảo và kim ngân hoa - Nguồn: Internet |
Nhìn nhận sự kết hợp hai phương pháp chữa bệnh Đông y và Tây y, PGS-TS. Hồ Bá Do - Phó chủ tịch Hội Y học cổ truyền Việt Nam cho rằng, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng có hai nền y học chăm sóc sức khỏe: y học hiện đại (Tây y) và y học cổ truyền (Đông y, Nam y, y học bản địa).
“Sự kết hợp giữa hai nền y học này trong chăm sóc sức khỏe luôn được áp dụng, đương nhiên mức độ kết hợp tùy từng quốc gia, chứ không thể nói y học cổ truyền chỉ hỗ trợ điều trị kết hợp Tây y, điều này hoàn toàn không đúng”, PGS-TS Hồ Bá Do nhấn mạnh.
PGS-TS. Nguyễn Xuân Ninh - Phó viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, hiện nay bên Tây y chưa có thuốc đặc hiệu để chữa bệnh do SARS-Cov-2. Một số thuốc có được khuyến nghị sử dụng theo từng nước và Bộ Y tế Việt Nam cũng vừa đưa ra một khuyến nghị sử dụng.
PGS-TS. Hồ Bá Do |
Ví dụ, có thể sử dụng các loại trị viêm gan do virus của viêm gan hoặc HIV, với cơ chế ức chế virus nhân lên hoặc phát triển trong cơ thể. Một số loại khác cũng để hỗ trợ gan, thận, tim phổi, miễn dịch nói chung. Khi bệnh nhân nặng, có những máy thở hỗ trợ tim, lọc máu… Đấy là những điểm mạnh mà Đông y không làm được.
Tuy nhiên, Đông y có những điểm mạnh riêng. Cụ thể, Đông y có những bài thuốc kìm hãm phát triển vi khuẩn tại chỗ. Ví dụ những bài thuốc sát trùng, kìm hãm sự phát triển tại họng, đường tiêu hóa, đường hô hấp. Một số bàn để tăng cường sức khỏe miễn dịch chung.
Tác dụng của những bài này thường chậm nhưng chắc trong việc nâng cao tình trạng sức khỏe chung, đặc biệt trong giai đoạn nhẹ hoặc giai đoạn phục hồi bệnh. Nếu giai đoạn nặng, có biến chứng về phổi, tim mạch, suy các tạng khác, lúc đó Đông y không can thiệp được, mà phải có sự can thiệp của Tây y.
PGS-TS. Nguyễn Xuân Ninh |
PGS-TS. Nguyễn Xuân Ninh cho biết, cách đây 3 năm, Viện Y học ứng dụng Việt Nam có nghiên cứu về 9 loại thảo mộc như: kim ngân hoa, cúc hoa, la hán quả, hạ khô thảo, cam thảo, đản hoa, hoa mộc miên, bung lai, tiên thảo.
Các thảo dược này được chứng minh có tiềm năng trong việc dự phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh có cơ chế liên quan đến quá trình viêm và quá trình oxy hóa, cũng như các bệnh nhiễm trùng, thanh nhiệt giải độc, chống nấm và một số tác dụng khác.
Theo PGS-TS. Nguyễn Xuân Ninh, các thảo dược trong y học cổ truyền có hai cơ chế tác dụng chính. Một là có tác dụng sát khuẩn tại chỗ, ví dụ tại họng, miệng, đường tiêu hóa… kìm hãm, hoặc diệt được vi khuẩn tại chỗ nếu dùng đúng liều lượng. Hai là tăng cường sức khỏe chung.