Nhận lời mời của người bạn đi thăm miệt vườn đón Xuân vào những ngày cuối năm, tôi nhảy xe đò làm một chuyến ngao du dài ngày thăm đất Phong Điền. Đây là một thị trấn nhỏ yên ả nằm cận kề Cần Thơ, một địa danh du lịch ghi dấu ấn với khu chợ nổi Cái Răng hiền hòa bình dị, đặc trưng của miền Tây Nam bộ.
Đọc E-paper
Chợ nổi Cái Răng |
Mất chừng 3 giờ xe chạy là đến Cần Thơ, thủ phủ được ghi nhận đình đám nhất khu vực miền Tây Nam bộ với tuổi đời chưa đầy 150 năm. Cần Thơ những ngày này đường phố rộng thênh thang, nhà nhà đều chưng vài chậu hoa vạn thọ nở bông vàng rực trước cửa chuẩn bị đón mừng năm mới.
Bon bon chở tôi về Phong Điền, cô bạn thân tên Nga giải thích: "Ở đây, khi Xuân về, nhà nào cũng chưng vài ba chậu vạn thọ trước cửa nhà đón mừng năm mới. Tập tục này không biết có từ bao giờ nhưng có lẽ hoa vạn thọ mang ý nghĩa may mắn, sống lâu nên rất được ưa chuộng. Cùng với hoa mai tượng trưng cho may mắn. Hai loại hoa cùng có sắc vàng rực rỡ này luôn được cư dân miệt vườn ưu ái trong việc thờ cúng, trang trí bàn thờ đi kèm mâm ngũ quả”.
Tới chân cầu Cái Răng, Nga quẹo xe vào đường rạch Cái Sơn để đi tiếp vào Phong Điền - Cầu Nhiếm. Ngồi sau lưng bạn ngắm cảnh vườn tược, tôi chợt nhớ lại vài trang sử cũ của những nhà văn hóa khi đến phương Nam nghiên cứu: "Trên các vùng miền của đất phương Nam, Cần Thơ là địa danh được thiên nhiên ưu đãi vì có nguồn đất màu mỡ, tới đây mọi người chỉ thấy ngút ngàn màu xanh của cây trái, còn đồng ruộng tươi tốt, các con sông cùng kinh rạch nước mãi lờ đờ xanh trong như ngọc bích, khi mùa nước nổi, chúng lại đỏ rực bởi chứa đựng nguồn phù sa từ dòng sông mẹ Mê Kông ưu ái đưa về”.
Vừa tới nhà bạn, tôi hơi lúng túng khi bị anh em, bà con của Nga kéo đến vây quanh nhiệt tình với bao lời hỏi thăm. Dắt tay tôi ra sau vườn, Nga bảo: "Cây trái ê hề, bà thích gì cứ bẻ ăn nha". Tôi như tỉnh hẳn khi đứng giữa khu vườn gió lộng ngắm vườn cây trĩu trái.
Đầu Xuân, ngày Tết cũng là khởi đầu cho mùa trái cây nên tôi tha hồ mơn man những trái xoài cát căng tròn chín cây đang lơ lửng trên cành như mời gọi.
Từ xa xưa, Phong Điền - Cầu Nhiếm được ghi nhận là vùng trồng cam sành, quít hồng, bưởi năm roi ngon ngọt có tiếng, riêng mận hồng đào, vú sữa, dâu Hạ Châu, sầu riêng thì mới gia nhập vào vùng đất này mới chỉ vài chục năm nay.
Tuy nhiên, do chưa biết làm thương hiệu nên các cây trái miệt vườn này vẫn chỉ loanh quanh mua bán tại địa phương, chưa thể tạo nên cho đất Cần Thơ một địa danh du lịch sinh thái với các loại cây xanh trái ngọt.
Sau bữa cơm trưa, chụp lên đầu tôi chiếc nón lá, Nga rủ đi dạo chợ nổi Phong Điền bằng đường thủy. Nhanh nhẹn tháo dây cột xuồng, Nga khoan thai mái chèo men theo những hàng bần dọc theo con rạch ngầu phù sa quanh co, khúc khuỷu và bơi thuyền cặp theo sông Cái Răng.
Nhẹ nhàng hơn, Nga cho ghe luồn vào các nhánh sông chằng chịt ken đặc dừa nước, ô rô và tranh thủ hái thêm những trái bần chín đem về nhà nấu lẩu cá ăn rất ngon.
Hai bên bờ lác đác bóng dáng vài cô gái miệt mài vút những thúng nếp hoặc đãi vỏ đậu xanh chuẩn bị cho nồi bánh tét. Ngược hướng ghe chèo, vài chiếc xuồng nhẹ tênh thư thả quay trở về nhà lấy thêm rau củ, hàng bông và chen ghe ken đặc trên sông.
Thời tiết mát mẻ, tiếng réo gọi nhau ơi ới, làm tôi vui lây. Nga cho biết vào mùa Tết, nông dân Phong Điền đều trồng bông cúc, mồng gà, vạn thọ, ớt kiểng và các loại rau màu rồi bỏ sỉ tại chợ nổi Cái Răng.
Tận mắt ngắm những chiếc ghe chở đầy bông vàng rực ngược xuôi, khung cảnh yên bình mộc mạc, tôi say người và cảm thấy chuyến ngao du đón Xuân của mình không uổng phí.
Về nhà, tôi loay hoay giúp cô bạn buộc ghe vào bên cạnh chiếc cầu dừa trơn trợt đất phù sa. Dưới những tán cây râm mát, má của Nga ngoắc tay ra hiệu cho chúng tôi ngồi bệt trên một chiếc đệm trải ngay bên hiên.
Trước mắt tôi là một mâm cỗ "đặc sệt" chất Nam bộ, gồm bánh xèo, bánh khọt, cá lóc nướng trui, gà xé phay cùng món lẩu Thái do các chuyên gia miệt vườn nấu bằng nước dừa tươi và lá me đất, ăn nghe sướng cái bụng.
Ở Phong Điền, người dân hái nhiều loại rau có cái tên là lạ như đọt lục bình, lá cóc non, me đất, sâm đất, thân chuối non ăn kèm bánh xèo với món nước chấm rất khéo.
Lần đầu tiên về miệt vườn, tôi phải chào "ra mắt" bà con của Nga với ly rượu nếp thơm. Tôi bặm gan nuốt trọn một ly xay chừng để trải nghiệm cảm giác luồng hơi nóng lan khắp cơ thể.
Trong khu vườn xao xác tiếng chim, câu vọng cổ từ xa vang vọng nghe rất thú. Bên hàng hiên lộng gió, mấy cô em gái của Nga tiếp tục bày ra nếp, đậu, thịt cùng lá chuối, chuẩn bị gói bánh tét, bánh ít, cùng xên mứt dừa đặng cúng bái tổ tiên và đem lên chùa.
Mới trải một ngày tại miền quê an bình, mộc mạc, tôi ngộ ra hạnh phúc là những điều đơn giản và bình dị mà ta đang tận hưởng.
Hôm sau, tôi phụ bạn nhận nhiệm vụ quét mạng nhện giăng đầy trên mái nhà và cửa sổ, chùi bộ lư đồng cùng các chân nến phải sao cho thiệt sáng bóng. Sau khi duyệt công trình của tụi tui, mẹ Nga lấy tro bếp trộn chung với cát mà bà mua về rửa sạch để bỏ vào lư.
Rồi bà ra vườn bẻ những loại trái cây ngon nhất đề bày dĩa ngũ quả gồm đu đủ, mãng cầu, xoài, dừa và một chùm sung xanh. Với gương mặt trang nghiêm, bà lầm thầm khấn vái và chưng các dĩa ngũ quả này lên bàn thờ cùng dĩa đựng muối gạo và vài chung nước cho đủ bộ đồ cúng.
Trọn đêm 26 Tết, bên nồi bánh tét bập bùng ánh lửa, chúng tôi được mẹ Nga chiêu đãi món gà nướng đất sét cùng nồi cháo vịt xiêm đậu xanh ngon đến nhức răng. Sáng hôm sau, khi cả nhóm còn lăn ra ngủ mệt, mẹ Nga đã thức dậy vớt bánh và đem ra sông rửa cho bánh được ngon lành.
Ngoài sân, dì Út của Nga đang buộc từng đòn bánh tét lên một cây sào. Bữa cơm sáng được dọn ra.
Ôi chao! Nồi thịt kho tàu nước dừa thật khéo cùng món khô cá lóc trộn xoài xanh trông thật bắt mắt, đã vậy, tô canh bông bí chả cá thác lác nóng hổi thơm mùi tiêu nghe nhức mũi.
Sáng 30 Tết, được Nga nhắc phải chụp giúp vài tấm ảnh thực hiện nghi thức cúng rước vong linh ông bà về nhà vui Xuân cùng con cháu. Ba của Nga đóng bộ áo dài còn nguyên nếp gấp và trịnh trọng ra sân bái thiên bái địa, các em bé lăng xăng đòi mẹ cha thay quần áo mới, làm duyên. Rồi tất cả nhập cuộc hội hè, lê la đến các nhà bà con của Nga và vui chơi đón Xuân trong muôn tiếng cười rộn rã đầy thân thiện.
Trở lại Sài Gòn khi những ngày đầu Xuân đã đi qua thật nhanh. Vẫy tay tạm biệt gia đình người bạn thân, nghe xao xuyến khi dời bước xa đất Phong Điền - Cầu Nhiếm.
Dù miệng luôn hứa với mọi người nhưng lòng bâng khuâng tự hỏi chẳng biết khi nào mình có dịp trở lại? Nhưng hình ảnh Tết nơi đây sẽ là một dấu ấn mến thương rất khó quên.