“Đòn bẩy” kích cầu tiêu dùng nội địa
Kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua “đòn bẩy” thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Kích cầu tiêu dùng trong nước, Bộ Công Thương đang tổ chức hai sự kiện TMĐT lớn nhất Việt Nam gồm Tuần lễ TMĐT quốc gia từ ngày 27/11 đến ngày 3/12/2023) và chương trình 60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023 (từ 0h ngày 1/12 đến 12h ngày 3/12/2023).
Năm nay, có hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia. Đặc biệt, chương trình 60 giờ mua sắm trực tuyến năm nay thu hút 500 nhãn hàng. Chương trình đặt mục tiêu tiếp cận khoảng 1 tỷ lượt xem trên các nền tảng tham gia, 10 triệu người tiếp cận và 3 triệu đơn hàng sẽ được thực hiện thành công…
Chia sẻ tại sự kiện hưởng ứng “Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday năm 2023”, ông Nguyễn Thế Quang - Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, chương trình Tuần lễ TMĐT quốc gia và ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2023 có mục tiêu kích cầu tiêu dùng trong nước bằng cách thu hút người dân tham gia vào các hoạt động trải nghiệm TMĐT và công nghệ số. Qua đó, thúc đẩy phát triển TMĐT vùng, tăng cường nhận thức của người dân với TMĐT và thúc đẩy việc đầu tư, phát triển hạ tầng, giải pháp công nghệ của DN Việt Nam.
Chương trình triển khai trên môi trường trực tuyến với nhiều ưu đãi và trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ từ các DN sản xuất, phân phối tạo lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng trên cả nước. Đặc biệt, chương trình cũng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng các giải pháp thanh toán điện tử, hướng đến phát triển giải pháp thanh toán đảm bảo trong TMĐT là nền tảng để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), hiện nay tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đang ở mức độ cao nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, Việt Nam tăng trưởng khoảng 18%, năm 2021-2022 tăng khoảng 15-16% và đây là mức tăng trưởng đáng kinh ngạc của khu vực. “Có thể nói TMĐT Việt Nam đang bùng nổ rất mạnh và cơ hội phát triển thị trường cho các DN trên các sàn TMĐT là rất lớn”, ông Minh khẳng định.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cho biết, chương trình mang đến những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm, đồng thời xây dựng một mối liên kết chặt chẽ, bền vững giữa cộng đồng DN từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến các đơn vị cung ứng dịch vụ hạ tầng cho TMĐT.
Đồng thời, góp phần kích cầu cho thị trường trong nước và mở rộng cho hoạt động TMĐT xuyên biên giới, tạo môi trường cho các tổ chức, DN giới thiệu những công nghệ mới nhất và các mô hình TMĐT tiên tiến để người tiêu dùng trải nghiệm, xây dựng thói quen, kỹ năng TMĐT mới.
Trong năm 2021, có gần 4 triệu đơn hàng mua sắm trong "60 giờ mua sắm trực tuyến Việt Nam", tăng khoảng 2,63 lần so với ngày bình thường.
Để tăng cường các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, bà Lê Hoàng Oanh cho biết, trong thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục hướng đến những hoạt động hỗ trợ thiết thực cho DN, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mại thực chất, các chương trình đồng hành nghiêm túc của các nhãn hàng, DN, sàn TMĐT lớn và các nền tảng hỗ trợ bán hàng.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2023 ước đạt 5.105,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước đạt 3.988,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,1% tổng mức và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.