Truyền hình thực tế: "Thật" quá hóa "diễn"

NHƯ THỦY| 29/09/2016 06:30

Nước mắt cũng là "đạo cụ" mà nhiều chương trình truyền hình thực tế đang sử dụng triệt để. Dường như việc khóc như thế nào đều đã được lên kịch bản sẵn.

Truyền hình thực tế:

Theo đuổi tiêu chí "thực tế" nhưng truyền hình thực tế ở Việt Nam có thật sự "thực tế” như tên gọi hay không?

Đọc E-paper

Hiện nay, có khoảng hơn 50 chương trình truyền hình thực tế lớn nhỏ đã và đang phát sóng trên rất nhiều kênh từ quốc gia đến địa phương, với đủ thể loại từ thi diễn hài, ca hát, nhảy múa, tài năng lạ, nấu ăn, thiết kế, người mẫu... dành cho nhiều đối tượng từ nghệ sĩ, người bình thường, cao tuổi đến trẻ em.

Như tên gọi "Reality TV show", truyền hình thực tế là thể loại chương trình truyền hình mang tính tư liệu, ghi lại các tình huống có thật không theo kịch bản có sẵn, và tập trung nhiều về khía cạnh tính cách, các mâu thuẫn, sự kịch tính xảy ra trong tương tác giữa các nhân vật. Do vậy, chúng thu hút khán giả bởi các thí sinh, giám khảo, khách mời thể hiện tất cả những cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố trước máy quay. Vậy truyền hình thực tế ở Việt Nam có "thực tế” như định nghĩa của thể loại?

"Chương trình nào cũng có thể lệ và quy định về cách thức chơi dành cho thí sinh và ban giám khảo, thậm chí phải tuân thủ theo định dạng mua từ nước ngoài dẫu không có kịch bản, nhưng để mọi chuyện diễn ra như thực tế trên trường quay, trên màn hình là không đúng hoàn toàn. Và nếu có dịp thâm nhập hậu trường (hoặc làm khán giả ở hiện trường) của bất cứ chương trình truyền hình thực tế nào, bạn sẽ nhận ra như thế”, một nhà sản xuất truyền hình thực tế tiết lộ.

Thông thường, để có được tư liệu về một sô phát sóng của truyền hình thực tế, cần đến 5 -10 máy quay ghi lại đầy đủ những khoảnh khắc của thí sinh diễn ra trong vài ngày hoặc cả tuần. Vì thời lượng phát sóng chỉ khoảng 120 - 180 phút nên ekip sản xuất sẽ biên tập lại để tạo nên những câu chuyện hấp dẫn.

Đối với những chương trình không phát sóng trực tiếp, họ hoàn toàn có thể cắt ghép, biên tập lại các cảnh tách rời để tạo thành một đoạn liền mạch.

Câu chuyện liên quan đến "búi tóc bí ẩn" lúc bình thường, lúc được tết bím cầu kỳ của huấn luyện viên Lan Khuê trong phân đoạn sau khi khóc nức nở và tức tối bỏ đi vì bị Phạm Hương thẳng tay loại thí sinh của mình trong tập 6 The Face Việt Nam 2016 (Gương mặt thương hiệu) là ví dụ rõ ràng.

Sau đó ít lâu, xuất hiện một clip hậu trường được phát tán trên YouTube cho thấy Phạm Hương khá bức xúc với cách biên tập, dàn dựng của nhà sản xuất khiến cô trở thành "vai ác" trong mắt công chúng.

>>Thi người mẫu: Hết chiêu sẽ đến trò?

Chuyện "dàn cảnh" hoặc sắp đặt nhằm đẩy các xung đột giữa giám khảo, huấn luyện viên lên cao trào là "chiêu trò" mà nhiều chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam đã và đang áp dụng để "câu" khán giả và tạo được "sóng" truyền thông nhằm thu hút quảng cáo đổ vào.

Kết quả thấy được tức thì khi trên trang web trực tuyến YouTube nếu như tập 1 của The Face Việt Nam 2016 chỉ có chừng 11.000 lượt xem, thì sau tập 6 đã lên đến 200.610 lượt. Sự tăng vọt này sẽ khó đạt được nếu không nhờ vào chiêu thức dàn dựng gây "sốc" kể trên của ekip sản xuất.

Việc "bùng nổ" quá nhiều chương trình truyền hình thực tế nhưng nhàm chán trong hình thức thể hiện và "cạn kiệt" nhân vật tham gia khiến cho các nhà sản xuất phải tìm đủ cách để gây chú ý bằng những yếu tố bên lề và nhiều khi chúng còn hấp dẫn hơn cả nội dung chính.

Đã vào "cuộc chơi" thì phải chấp nhận "luật chơi" nếu muốn tiếp tục, và nhiều khi sự "nhập vai" vượt quá kịch bản đã khiến nhiều thí sinh, giám khảo không kiểm soát được lời nói và hành động của mình.

Chẳng hạn, lấy sự đấu đá của thí sinh làm điểm nhấn, chương trìnhTìm kiếm người mẫu Việt Nam 2016 (Vietnam Next Top Model) khai thác một cách triệt để yếu tố mâu thuẫn ở mỗi tập. Có nhiều tập, thí sinh lên truyền hình nói xấu nhau, để rồi sau khi rời khỏi cuộc chơi họ đã nhìn nhận rằng mình từng bị biến thành "mồi" ngon cho nhà sản xuất "ngư ông đắc lợi".

Trong live show 6X Factor - Nhân tố bí ẩn được truyền hình trực tiếp, cuộc tranh luận gay gắt giữa giám khảo Tùng Dương và Hồ Quỳnh Hương đã nhận được nhiều lời hoài nghi của khán giả về tính "thực tế" ngoài kịch bản, như: "Đêm qua ban giám khảo "diễn" sâu quá thì phải. Những chương trình như thế này chắc là có tổng duyệt, khớp nhạc... Các huấn luyện viên phải biết thí sinh hát gì chớ. Sao lên truyền hình rồi mới bức xúc là sao?".

Nếu có những chương trình lấy mâu thuẫn làm điểm nhấn như kể trên, thì cũng có chương trình tập trung khai thác những hoàn cảnh đặc biệt, những câu chuyện thương cảm của thí sinh để được chú ý và thu hút khán giả bình chọn.

Thực tế cho thấy, khai thác đời tư quá mức đã và đang xuất hiện nhan nhản trên nhiều chương trình như:Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Tìm kiếm tài năng Việt, Thần tượng âm nhạc nhí, Thần tượng âm nhạc Việt Nam...

Kết quả là những câu chuyện thương tâm được kể ra với người thật, việc thật khiến nhiều khán giả mủi lòng, tình cảm át lý trí nên không ngần ngại cầm điện thoại lên để nhắn tin bình chọn.

Bởi thế, sau khi Hồ Văn Cường đăng quang Quán quân Thần tượng âm nhạc nhí 2016 đã dấy lên hoài nghi về việc em lấy được cảm tình khán giả không phải bằng tài năng nổi trội, mà bằng "đời tư đặc biệt" hơn các thí sinh khác.

Nhà sản xuất thường lý giải tin nhắn của khán giả là thể hiện sự tương tác và tính thực tế của chương trình, song đã có hiện tượng ekip "thêm mắm dặm muối" cho cảnh ngộ của thí sinh, để rồi bị "bóc trần" là không đúng sự thật.

Nước mắt cũng là "đạo cụ” mà nhiều chương trình truyền hình thực tế đang sử dụng triệt để, từ thí sinh đến giám khảo, huấn luyện viên... đều khóc, vui cũng khóc, buồn cũng khóc, thậm chí giám khảo còn khóc vì thí sinh diễn quá hay trong chương trình thi thố về hài. Dường như việc khóc như thế nào đều đã được lên kịch bản sẵn. Bởi vậy, thực tế mà "thật" quá thì hóa ra lại là... "diễn".

>>Sản xuất chương trình truyền hình: Cuộc đua kỳ thú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Truyền hình thực tế: "Thật" quá hóa "diễn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO