Sitcom: Xu hướng hay "bước đệm" cho phim truyền hình truyền thống?

ĐINH NGUYỄN| 30/03/2018 02:46

Trong bối cảnh phim truyền hình truyền thống vẫn chưa hết khó khăn thì phim sitcom tiếp tục là sự lựa chọn của các nhà đài hiện nay và được coi như là bước đệm trong lúc giao thời.

Sitcom: Xu hướng hay

Cảnh trong phim sitcom Thiên thần 1001

Có thể nói, năm 2017 đã chứng kiến sự nở rộ của hàng loạt phim sitcom như Biệt đội siêu hài, Vợ tui tui sợ, Cười lên vợ ơi, Tiệm tóc tình yêu, Vợ chúa chồng tôi, Con hơn cha, Lắm người nhiều ma, Oan gia bùm chéo, Xin chào ông chủ, Gia đình vui nhộn, Glee...

Trong đó, Gia đình là số 1 (208 tập) được đánh giá là thành công nổi bật nhờ có kịch bản Việt hóa về đề tài gia đình chặt chẽ với những tiếng cười bật ra từ các tình huống hợp lý, cộng với việc hội tụ một dàn diễn viên diễn xuất đều tay, quy mô đầu tư lớn với kinh phí sản xuất gần 250 triệu đồng/tập (30 phút) nên đã đạt rating trung bình trên 4.0, có tập trên 8.0 ở khu vực TP.HCM.

Đây là mức rating lý tưởng trong thời điểm phim truyền hình đang phải cạnh tranh khốc liệt với các loại hình giải trí khác, đặc biệt là các chương trình trò chơi truyền hình. Nhưng nhìn chung, phim sitcom 2017 vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn khi chủ yếu chọn khai thác các vấn đề về gia đình, hoặc bắt chước, mô phỏng theo những phim nổi tiếng, đưa ra những tình huống tạo tiếng cười dễ dãi...

Link bài viết

Năm nay, thời điểm này, có hàng loạt phim sitcom đang chiếm sóng trên các kênh truyền hình lớn như Bố là tất cả, Biệt đội tất tần tật, Xin chào hạnh phúc, Những đứa con từ trên trời rơi xuống, La La school, Khi ba mẹ biết yêu, Hội lắm chiêu, Thiên thần 1001, Tám công sở, Có giời mới biết, Chung cư rắc rối, Thần tượng tuổi 300... 

Bên cạnh đó, sitcom Gia đình Sô-bít của Điền Quân Media & Entertainment vừa xong khâu tuyển diễn viên và chuẩn bị khởi quay; bộ truyện tranh thể loại học đường Bad luck cũng đang được Hãng sản xuất phim VG Entertainment phối hợp Comicola và Yeah1CMG chuẩn bị chuyển thể thành serie sitcom; VFC (thuộc Đài Truyền hình Việt Nam) chuẩn bị khởi quay phim sitcom 40 tập được mua bản quyền từ 20th Century Fox của Mỹ...

Không chỉ vậy, số lượng vệt giờ phát sóng dành cho phim sitcom cũng tăng đáng kể trên kênh chính HTV7, Today TV, FPT, VTV9, VTV3... Ngoài ra, sitcom còn có nhiều kênh khác để phổ biến như Zing TV, YouTube và Facebook.

So với năm ngoái, bên cạnh những câu chuyện về gia đình, nhiều phim sitcom đang phát sóng đã mở rộng sang khai thác những vấn đề liên quan đến học đường, giới văn phòng, tuổi trẻ khởi nghiệp, tình yêu đôi lứa thời hiện đại... Đặc biệt, Chung cư rắc rối là phim sitcom được sản xuất trên sự tương tác của khán giả. Theo đó, khán giả có thể lựa chọn tình huống giải quyết cùng nhân vật, hoặc đề xuất những ý kiến đóng góp về kịch bản, về nhân vật khách mời...

Đây là hình thức tương tác đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhưng còn tương đối mới lạ và hiếm hoi với phim truyền hình dài tập nói chung ở Việt Nam. Cũng với mục tiêu tăng sự thu hút và hấp dẫn khán giả, nhất là giới trẻ, trong nhiều bộ phim sitcom ngoài một số vai chính và thứ với sự góp mặt của những nghệ sĩ tên tuổi sẽ là những gương mặt diễn viên mới và triển vọng có lượng người hâm mộ đông đảo trên mạng xã hội Facebook, hay ở các lĩnh vực khác như ca sĩ, người mẫu, quán quân của các cuộc thi tài năng trên truyền hình... đảm nhiệm vai diễn mang tính tạo dựng hình ảnh thần tượng.

Cảnh trong phim sitcom Tám công sở

Cảnh trong phim sitcom Tám công sở

Phim truyền hình truyền thống 45 phút/tập từng có những năm tháng "hoàng kim" với số lượng phim được sản xuất tăng nhanh mỗi năm, lên tới hàng ngàn tập. Ở thời ấy, phim sitcom luôn đứng ở vị trí "lấp sóng" hoặc giống như "gia vị” thêm vào thực đơn phim truyền hình. Sitcom cũng từng trở thành xu hướng, song đã nhanh chóng thoái trào bởi sự lấn lướt mạnh mẽ của phim 45 phút/tập. 

Ba năm nay, phim 45 phút/tập rơi vào tình trạng èo uột do kinh phí không tăng mà chi phí sản xuất lại quá cao, trong khi rating thấp, quảng cáo ít (thậm chí là không có) nên không tạo được nguồn bù đắp và khó thu hồi vốn, khiến phim sitcom có cơ hội "lên hương".

Nhưng như chia sẻ của một số nhà sản xuất phim 45 phút/tập đang chuyển qua làm phim sitcom thì tuy chi phí thấp hơn, giúp phần nào giải quyết được bài toán lợi nhuận, song tìm được nguồn kịch bản hay cho phim sitcom không dễ dàng. Việc đua nhau sản xuất phim sitcom cũng góp phần làm tăng thêm tình trạng thiếu kịch bản.

Đại diện của M&T Pictures - đơn vị sản xuất phim sitcom cung cấp cho chương trình chiếu phim lúc 12g30 trên HTV7, từng nhận định phim sitcom muốn hay thì kịch bản phải sắc sảo, câu chuyện mỗi tập phải có nội dung hấp dẫn để níu giữ khán giả theo dõi đến cùng. Hiện tại khâu biên kịch không tạo ra được nguồn kịch bản sitcom hấp dẫn, vì thế không ít phim sitcom ra mắt không được đông đảo khán giả chú ý.

Bởi vậy, để phần nào giải quyết vấn đề thiếu kịch bản hay, nhiều nhà sản xuất phim sitcom đang tìm đến nguồn kịch bản ngoại từ Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ... để mua bản quyền về Việt hóa. Điều này từng xảy ra với phim 45 phút/tập ở thời "hoàng kim", trước khi bị trò chơi truyền hình soán ngôi, và vốn dĩ phim sitcom chưa từng được đánh giá cao như phim 45 phút/tập. Vì thế, theo đánh giá của giới chuyên môn, phim sitcom cũng sẽ không tồn tại lâu dài.

Theo chia sẻ của bà Bích Liên - Công ty Mega GS, nhiều nhà sản xuất vẫn tha thiết với phim 45 phút/tập nên rẽ ngang sang sitcom chỉ là một bước đệm trong lúc giao thời. Dù sao thì sự có mặt của phim sitcom hiện nay vẫn là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xem phim trên màn ảnh nhỏ của đông đảo khán giả trong lúc chờ phim 45 phút/tập phục hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sitcom: Xu hướng hay "bước đệm" cho phim truyền hình truyền thống?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO