Salon nghệ thuật: "Ta với ta"

KHẢI LY| 28/09/2013 00:02

Buổi sáng nhận được hai tấm giấy mời đến các điểm hoạt động nghệ thuật, có mua bán, có cà phê và rượu, tạm gọi những nơi ấy là "salon nghệ thuật" cho thêm phần hấp dẫn.

Salon nghệ thuật:

Buổi sáng nhận được hai tấm giấy mời đến các điểm hoạt động nghệ thuật, có mua bán, có cà phê và rượu, tạm gọi những nơi ấy là "salon nghệ thuật" cho thêm phần hấp dẫn. Tạm mừng cho sự lan rộng một hoạt động văn hóa tuy "ngoài quốc doanh" nhưng đảm bảo sự lành mạnh và có phần cao cấp.

Đọc E-paper

Salon nghệ thuật thứ nhất là Sign Art khai trương tại 221D Nguyễn Trọng Tuyển, Q. Phú Nhuận, TP.HCM, và với một cuộc triển lãm của các cây cọ thiên về mỹ cảm như họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, Mạc Hoàng Thượng, Nguyễn Thế Hùng và Tào Linh (sơn dầu), Bùi Tiến Tuấn (giấy dó và màu nước, lụa).

Sự kiện thứ hai là dự án nghệ thuật "Góc nhìn" tại Huế (từ 12 - 17/9), với 8 ngày làm phim và hội thảo về loại hình nghệ thuật này dưới sự dẫn dắt, trò chuyện của các tay video art nổi tiếng như: Nguyễn Như Huy đến từ nhóm Ga số không (Zero Station), Lê Hào, Lê Võ Tuân, Nguyễn Trinh Thi, Trần Dân, Le Brothers Thanh - Hải...

Một số giám tuyển quen thuộc với giới nghệ thuật thị giác như: Curator Trần Lương, nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh, tiến sĩ nghệ thuật Phan Thanh Bình... cũng có mặt.

Những hoạt động khá hấp dẫn đối với các bạn trẻ ưa thích loại hình nghệ thuật mới này tại Huế. Tại Đà Nẵng cũng có một salon điện ảnh "Xinê Tập sự" đã hoạt động được hai năm, với sinh hoạt thường niên gồm chiếu những bộ phim nghệ thuật, những bộ phim gây tranh cãi, các dự án làm phim ngắn, các lớp huấn luyện nghề của đạo diễn Phan Đăng Di, Trần Anh Hùng, Nguyễn Hoàng Điệp.

Salon nghệ thuật nở rộ ở TP.HCM và Hà Nội, với các sáng kiến của Trung Nguyên Group, đã làm được hai điểm khá nổi tiếng là Cà phê Thứ Bảy tại số 19B Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM và Cà phê Sách Trung Nguyên tại 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Có thể đến hai hội quán văn hóa này tham dự buổi trình diễn của một ban nhạc thính phòng, nghe một nhà triết học nói chuyện, một nhà văn nổi tiếng giới thiệu sách mới ra.

Phải nói các hoạt động văn hóa ấy khá sang trọng và cũng thu hút những người rất riêng: những trí thức già muốn gặp bạn bè cũ, những trí thức trẻ thất nghiệp có nhiều thời gian rảnh, những cựu du học sinh muốn níu giữ chút văn hóa phương Tây trong đời sống hằng ngày, và cả những người muốn chứng tỏ phông văn hóa chuẩn.

Dù có cố gắng thu hút thì những salon nghệ thuật ấy cũng chưa được đông đảo như nhà tổ chức mong muốn khi dựng lên một địa điểm văn hóa theo những hình mẫu rất phổ biến ở Paris, Bonn hay Melbourne. Thỉnh thoảng có dịp đến Cà phê Thứ Bảy, vẫn dễ gặp những gương mặt cũ đó.

Căn phòng chỉ chừng 20 người thì đã có đến 19 người nổi tiếng đang lắng nghe người thứ 20 cũng rất nổi tiếng bàn về một đề tài uyên bác. Họ nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực, rất xứng làm trụ cột cho một salon nghệ thuật tồn tại và phát triển.

Nhưng có cảm giác họ chỉ cùng một cuộc chơi "riêng ta với ta" của những tinh hoa bậc nhất Sài Gòn, đến để giao lưu và lắng nghe, gạn lọc tinh hoa văn hóa.

Những salon nghệ thuật mới khai trương rồi cũng sẽ trở thành sân chơi của các họa sĩ ngồi khen chê bên bàn trà, rồi thời gian trôi qua sẽ tự động giải tán như gần chục cái salon hội họa khác ở Sài Gòn, khó thành nơi tụ họp cà phê để giao lưu, nghe nói chuyện hội họa của người yêu tranh và có khả năng mua tranh, đích nhắm ban đầu của ban tổ chức!

Trước giờ vẫn thế, sau này vẫn thế, bởi văn hóa nước mình nó thế(!). Lên mạng xã hội thì "bình loạn, chém gió”, nhưng ít có sự thôi thúc bắt tay vào làm một điều gì thúc đẩy đời sống văn hóa phát triển.

Có người bình luận bi quan như vậy. Nhưng nhìn vào mấy sân chơi nghệ thuật tại Huế và Đà Nẵng thì thấy có hy vọng.

Các dự án nghệ thuật ấy, với sự tài trợ của một số quỹ văn hóa quốc tế, đã có mục đích nhắm vào giới sinh viên, trang bị phông văn hóa cho tầng lớp trí thức tương lai bằng một vài loại hình nghệ thuật chuyên biệt. Hà Nội cũng có nhiều điểm đáng chú ý như Nhà sàn Đức, Ga số không.

Những salon nghệ thuật phải thoát ra khỏi sự "sang chảnh" kiểu đầu thế kỷ XX ảnh hưởng văn hóa Pháp, hãy xông vào các hội trường của đại học, lôi những trí thức tương lai ấy ra khỏi cơn mê của mạng ảo, thay vì lờ đờ làm duyên trên cái nền "văn hóa cà phê” và "cà phê có văn hóa" cho riêng giới mình!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Salon nghệ thuật: "Ta với ta"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO