Quán quân truyền hình thực tế cứ mãi loay hoay

NHƯ THỦY| 26/10/2016 06:20

Quán quân của các chương trình truyền hình thực tế thì nhiều nhưng người thực sự thành danh chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Quán quân truyền hình thực tế cứ mãi loay hoay

Một năm sau đăng quang ngôi vị quán quân Học viện Ngôi sao 2015, Thảo Nhi khi tiếp tục dự thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2016 đã giãi bày: "Tôi không mong đoạt được giải thưởng vì trở thành quán quân không có nghĩa mình sẽ được nổi tiếng".

Đọc E-paper

Có thể thấy, với trên dưới 40 cuộc thi (thực chất là các chương trình truyền hình thực tế thi thố tài năng ca hát, nhảy múa, diễn kịch) như Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc, Tìm kiếm tài năng Việt, Thử thách cùng bước nhảy, Gương mặt thân quen, Học viện Ngôi sao, Thần tượng bolero, Nhân tố bí ẩn, Hòa âm ánh sáng... nối nhau lên sóng truyền hình mỗi năm, thì cũng có ngần ấy quán quân mới đăng quang.

Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, khi các chương trình truyền hình thực tế "nở rộ", đã có biết bao quán quân - lực lượng hùng hậu bổ sung cho thị trường giải trí.

Tuy nhiên, nếu quan tâm đến các cuộc thi này, không khó nhận ra quán quân thì nhiều nhưng người thực sự thành danh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần đông người thắng cuộc một thời gian dài sau đó vẫn loay hoay ở bước khởi đầu trên con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Đó là Ya Suy - quán quân của Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2012, ngay từ khi đăng quang, anh chàng người dân tộc thiểu số này đã gây nhiều chú ý lẫn tranh cãi. Vì Ya Suy không có giọng hát quá nổi bật, ngoại hình không sáng láng, chỉ được mỗi tính thật thà, nhưng lại thắng cuộc do nhận được tin nhắn bình chọn nhiều hơn nhờ hoàn cảnh gia đình đặc biệt.

Mấy năm nay, anh chàng về quê lặng lẽ đi hát cho liên hoan văn nghệ ở các tỉnh Tây Nguyên, hát phòng trà hay đám cưới bạn bè, và đã thừa nhận hài lòng với cuộc sống hiện tại vì không còn phù hợp với sự hào nhoáng của showbiz.

Đức Phúc là quán quân cũng gây không ít tranh cãi của Giọng hát Việt 2015. Bởi Đức Phúc chỉ có mỗi giọng hát cũng không quá xuất sắc, không có ngoại hình và khả năng sáng tác, không giỏi vũ đạo, tính cách rụt rè..., thắng cuộc có lẽ nhờ là "học trò" của Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng - 2 ca sĩ sở hữu lượng fan đông nhất nhì showbiz Việt.

Sau cuộc thi, ngoài MV Chỉ một câu ra đời với sự hậu thuẫn của Mỹ Tâm, Đức Phúc cũng "lặn mất tăm", khiến dư luận cho rằng anh chàng này sẽ là Ya Suy thứ hai.

Hoài Lâm - quán quân của Gương mặt thân quen 2014, sau cuộc thi may mắn được chính công ty sản xuất chương trình nhận "đỡ đầu" cùng với sự hậu thuẫn của cha nuôi là danh hài Hoài Linh nên xuất hiện ở nhiều chương trình ca nhạc lớn, đầu tư MV trị giá nửa tỷ đồng, đóng phim truyền hình dài tập, thậm chí có cả một bộ phim điện ảnh đóng vai nam chính cùng Hoài Linh. Nhưng sau năm 2015 đình đám thì gần một năm nay Hoài Lâm không có chương trình âm nhạc hay vai diễn nào đáng kể.

Thực ra Hoài Lâm không có chất giọng quá đặc biệt, thắng giải Gương mặt thân quen nhờ tài hóa thân, và có lẽ một phần cũng nhờ cha nuôi là một danh hài nổi tiếng nên được fan ủng hộ.

Thảo Nhi đăng quang Học viện Ngôi sao 2015

Những quán quân ở các cuộc thi khác thì sao? Ngô Trung Quang của Thần tượng bolero 2015 sau khi đăng quang không xuất hiện nhiều trên sân khấu ca nhạc dù đã chuyển vào TP.HCM theo đuổi con đường ca hát, bản thân anh cũng thừa nhận rất khó giữ được sự nổi tiếng từ cuộc thi này.

Trần Hữu Kiên - quán quân của Tìm kiếm tài năng Việt 2013 đã quay lại với nghề chính là luật sư. Phạm Quốc Huy - quán quân của Ngôi nhà âm nhạc 2012 - sau khi ra được một single Rồi em cũng ra đi không tạo được hiệu ứng gì cũng thử sức ở một vài phim truyền hình và chỉ dừng lại ở vai phụ không mấy ấn tượng.

Hương Tràm - quán quân của Giọng hát Việt 2012 - hoạt động khá sôi nổi trong năm tiếp theo với một số MV ra mắt, rồi sau đó chỉ khiến khán giả nhớ tới bởi những "bê bối" ăn mặc phản cảm.

Thảo Nhi - quán quân của Học viện Ngôi sao 2015, dự thi Thần tượng âm nhạc 2016 để mong có "cú hích" mới cho con đường ca hát nhưng suýt bị loại ở ngay vòng đầu.

Ai cũng biết, để trở thành một ngôi sao thị trường như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm... dẫu không có điều kiện theo học ở các trường lớp đào tạo âm nhạc thì cũng phải trải qua một quá trình nhiều năm rèn luyện vô cùng vất vả kèm với chút may mắn.

Với các quán quân của chương trình truyền hình thực tế, họ có thuận lợi ban đầu là được hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu người xem truyền hình biết mặt biết tên. Nhưng chỉ ít lâu sau khi bước ra khỏi hào quang của cuộc thi, họ sẽ phải đối diện với thực tế khắc nghiệt của môi trường nghệ thuật, nếu không có tài năng xuất chúng, không đa tài, biến hóa như "tắc kè hoa" và nỗ lực rèn luyện thì giữ cho khỏi bị đào thải đã khó, nói gì tới thành công.

Ban tổ chức của các cuộc thi, thực chất chỉ là trò chơi truyền hình thực tế mang tính chất giải trí nhiều hơn là "lò" đào tạo, sau đêm trao giải lại bắt đầu tìm kiếm các tài năng khác để chuẩn bị cho mùa thi năm sau.

Tóm lại, dẫu có bước ra từ các cuộc thi truyền hình thực tế thì vẫn phải tự thân vận động, xác định phải đi từ đầu nếu muốn theo đuổi đam mê, vì khi "nhiệt" của cuộc thi nguội dần, khán giả sẽ quên nhanh và lại "hóng" những quán quân mới.

>Nỗi khổ "con nhà nòi"

>Quán quân đi về đâu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quán quân truyền hình thực tế cứ mãi loay hoay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO