Phim Việt: Lương duyên giữa văn học và điện ảnh

NHƯ THỦY| 09/11/2016 06:36

Hầu hết các bộ phim điện ảnh và truyền hình Việt Nam có kịch bản chuyển thể hoặc dựa theo tác phẩm văn học đều ít nhiều tạo được ấn tượng tốt và chạm được tới cảm xúc của người xem.

Phim Việt: Lương duyên giữa văn học và điện ảnh

Có thể nói, hầu hết các bộ phim điện ảnh và truyền hình có kịch bản chuyển thể hoặc dựa theo tác phẩm văn học đều ít nhiều tạo được ấn tượng tốt và chạm được tới cảm xúc của người xem, góp phần nâng cao chất lượng của phim Việt Nam.

Đọc E-paper

Trên thực tế, những tác phẩm văn học như Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu hoặc Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã từng "gây sốt" hoặc nhận được sự quan tâm đáng kể của công chúng khi được chuyển thể thành phim. Bởi văn học thông qua chữ nghĩa diễn tả tốt nhất những gì thuộc về giằng xé nội tâm, thay đổi ý thức, còn những gì thuộc về âm thanh, hình ảnh, ánh sáng... đánh động người xem thì điện ảnh phản ánh tốt hơn.

Chuyển thể không dễ

Tuy nhiên, với đặc thù "ngôn ngữ" thể hiện khác hẳn nhau, tất nhiên công việc chuyển thể có thể gặp nhiều khó khăn.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - người đang làm bộ phim Cô gái đến từ hôm qua chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cho biết: "Tác phẩm văn học này rất khó để chuyển thể thành ngôn ngữ hình ảnh, nếu làm phim mà trung thành với tác phẩm thì những người không đọc truyện sẽ thấy phim hoàn toàn không có kịch tính, nên tôi chọn cách lọc bớt các nhịp văn học bị lặp lại để diễn tiến câu chuyện phù hợp hơn với nhịp của điện ảnh, cho dù các chi tiết đó rất hay nhưng lại không phục vụ cho việc đẩy câu chuyện đến cao trào".

Thời gian qua đã có những đạo diễn xem văn học chỉ là chất xúc tác để làm tác phẩm điện ảnh, vì thế nhiều khi lên phim, độc giả sẽ không còn nhận ra tác phẩm văn học nữa.

Ví như khi phim Quyên được công chiếu, nhà văn Nguyễn Văn Thọ (tác giả tiểu thuyết Quyên) đã nói: "Phim Quyên là một sự kết duyên giữa văn học và điện ảnh. Đạo diễn đã làm rõ và sinh động hơn vẻ đẹp toàn vẹn, trong trắng, tinh khôi từ trong ra ngoài của người phụ nữ Việt Nam, để nàng Quyên của tôi cùng các mối tình của cô được sống thêm cuộc đời mới và khác, với đôi hài và xiêm y có cánh của nghệ thuật thứ bảy".

Tuy nhiên, vẫn có tác giả văn học không hài lòng về việc đạo diễn không chuyển thể đúng với tác phẩm văn học của họ...

Đạo diễn phải được "rộng tay"

Tại Hội thảo Từ truyện đến phim, TS. Đào Lê Na đề nghị: "Đạo diễn hoàn toàn có quyền bám sát tác phẩm gốc hoặc thay đổi. Nhưng kể cả khi tôn trọng nguyên tác, tôi cho rằng các đạo diễn sau khi lấy được ý tưởng gì từ tác phẩm văn học thì nên cấu trúc lại và tái sáng tạo".

Theo bà, tác giả văn học có thể viết cả mấy trăm trang giấy nhưng kịch bản phim điện ảnh thì chỉ khoảng hơn 100 trang, nên đạo diễn phải lựa chọn, tiết kiệm thời lượng và nhấn vào đúng ngôn ngữ hình ảnh để gây ấn tượng với người xem.

Tuy Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được chuyển thể khá sát diễn biến cốt truyện của Nguyễn Nhật Ánh, nhưng đạo diễn Victor Vũ đã tiết chế hơn ở nhiều chi tiết. Chuyện lụt lội, đói nghèo... được đạo diễn kể lại qua nhiều lớp lang, uyển chuyển khiến người xem không bị ám ảnh bởi những hình ảnh tan hoang, thê lương...

Về việc đạo diễn và nhà biên kịch được "rộng tay" khi chuyển thể kịch bản từ tác phẩm văn học, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết, anh đã đổi khung thời gian trong phim Cô gái đến từ hôm qua lệch đi 10 năm so với truyện, và chọn diễn viên đúng với độ tuổi của nhân vật chính. Anh muốn làm một tác phẩm điện ảnh độc lập, không chỉ có người đã đọc truyện xem mới thấy thích, hoặc ngược lại.

Một cái khó của những nhà làm phim chuyển thể từ tác phẩm văn học là làm thế nào chuyển tải nội tâm của nhân vật. Ví dụ trong Cô gái đến từ hôm qua có đoạn khi Tiểu Li chuyển đi mà không kịp đợi cây phượng trước sân trường trổ hoa, Thư ở lại cảm nhận nỗi buồn trống vắng, mênh mông không có gì bù đắp được.

"Chuyển tải được "cảm giác buồn mênh mông không gì bù đắp được ấy" thành ngôn ngữ hình ảnh để khán giả xem phim có thể đồng cảm được không dễ dàng gì", Phan Gia Nhật Linh chia sẻ.

Cảnh trong phim Cô gái đến từ hôm qua

"Mỏ vàng" cho điện ảnh

Từ nhiều năm nay, chuyển thể từ tác phẩm văn học được yêu thích thành phim không phải quá mới lạ, khi đã có không ít phim điện ảnh và truyền hình được làm theo cách này.

Có thể kể đến những bộ phim điện ảnh như Chuyện của Pao chuyển thể từ Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy, Cánh đồng bất tận từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Mê Thảo - Thời vang bóng từ tác phẩm Chùa đàn của nhà văn Nguyễn Tuân, Thời xa vắngBến không chồng từ tác phẩm cùng tên của hai nhà văn Lê Lựu và Dương Hướng, Mùa len trâu từ Hương rừng Cà MauMùa len trâu của nhà văn Sơn Nam, Hương Ga từ tiểu thuyết Phiên bản của nhà văn Nguyễn Đình Tú, Người trở về từ Người về bến sông Châu của Sương Nguyệt Minh, Nước 2030 từ truyện Nước như nước mắt, Khói của Nguyễn Ngọc Tư...

Và một số bộ phim truyền hình như Đất phương Nam chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, Đất và người dựa theo tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Đò dọc từ chùm truyện ngắn của nhà văn Bình Nguyên Lộc, Không có gì và không một ai được chính nhà văn Nguyễn Đông Thức chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của mình, Tơ hồng vương vấn, Hai khối tình, Lòng dạ đàn bà, Con nhà nghèo... chuyển thể từ các tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Trò đời từ tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng...

Về cơ bản, văn học là văn học, điện ảnh là điện ảnh, song trong bối cảnh phim Việt đang thiếu hụt kịch bản thì việc văn học "kết duyên" với điện ảnh sẽ tạo được nguồn đề tài phong phú. Văn học chính là "mỏ vàng" để phim ảnh khai thác, nếu biết tận dụng một cách uyển chuyển và đúng nghĩa sẽ có được những tác phẩm điện ảnh độc lập và có giá trị khác biệt. 

>Đầu tư điện ảnh nhìn từ góc độ phổ biến phim Việt

>Phim Việt: "Cảnh nóng" có còn đủ nóng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim Việt: Lương duyên giữa văn học và điện ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO