Phim thương hiệu "ăn mòn" Hollywood?

Chiêu Anh| 15/07/2019 06:00

Lợi nhuận phòng vé khiến Hollywood không ngừng "vắt sữa" những thương hiệu điện ảnh (franchise) đình đám mà bỏ quên nội dung. Nhiều "bom tấn" thành "bom xịt", sự đuối sức và cạn kiệt ý tưởng dần lộ rõ. Giới chuyên môn lo ngại, những phần phim thương hiệu đã và đang "ăn mòn" sức sáng tạo của người làm phim.

Phim thương hiệu

Franchise - “Gà đẻ trứng vàng” của Hollywood

Năm 1916, The Fall of a Nation được sản xuất để tiếp nối Birth of a Nation (1915), đánh dấu lần đầu xuất hiện của phim nhiều phần trong lịch sử điện ảnh. Đây từng là phương thức phổ biến được áp dụng cho các phim hạng B để tận dụng trang phục và đạo cụ. Vào giữa những năm 1990, phần tiếp theo đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều và đến năm 2005, hầu hết các bộ phim có doanh thu cao nhất trong năm đều là một phần của phim thương hiệu (hay còn gọi là nhượng quyền thương mại), bao gồm phần tiếp theo, phần tiền truyện, khởi động lại, làm lại, ngoại truyện…

Theo Box Office Mojo, Titanic (1997) là phim lẻ duy nhất có mặt trong Top 10 phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại (chưa điều chỉnh theo lạm phát), số còn lại là phim nhượng quyền. Có thể kể đến Star Wars (doanh thu toàn cầu là 9,307 tỷ USD), các phim thuộc vũ trụ điện ảnh Marvel (The Avengers, Iron Man, Captain AmericaGuardians of the Galaxy có tổng doanh thu 18,263 tỷ USD), Harry Potter ( 9,185 tỷ USD); Jame Bond (7,077 tỷ USD); X- Men (5,804 tỷ USD); Fast and Furious (5,136 tỷ USD)… Bên cạnh đó, các phim Mad Max, Toy Story, Indiana Jones, Rocky,Planet of the Apes cùng nhiều thương hiệu khác đều mang về nguồn lợi khổng lồ.

Doanh thu dĩ nhiên là động cơ lớn nhất chi phối xu hướng phát triển các phần phim thương hiệu. Điều này dẫn đến việc bùng nổ phim thương hiệu trên màn ảnh rộng. Chỉ riêng trong năm 2019, khán giả chứng kiến sự trở lại của rất nhiều thương hiệu ăn khách, như Avengers, X-Men, John Wick, Toy Story, Star wars. Các phim có doanh thu cao nhất năm 2019 trong nửa đầu năm 2019 gồm Avengers: Endgame , Captain Marvel và Aladdin, How to Train Your Dragon: The Hidden World và John Wick 3 - đều thuộc về các thương hiệu điện ảnh. Ở nửa cuối 2019, những cái tên như The Lion King, Star Wars: The Rise of Skywalker đang được đặt nhiều kỳ vọng.

Sa lầy

Thực tế cho thấy, liên tiếp trong những năm trở lại đây, không phải phim thương hiệu nào cũng thắng lớn. Sự thất bại doanh thu phòng vé qua các năm của hàng loạt thương hiệu điện ảnh như: Alice Through the looking GlassGhostbusterHuntsman: Winter's War , Teenage Mutant Ninja Turtles 2 và The Divergent Series: Allegiant (2016); AlienCovenant, Pirates of the Caribbean: Salazar's Revenge, Transformers: The Last Knight, The Mummy (2017), The Predator, The Girl in the Spider's Web, Robin Hood, Solo: A Star Wars Story (2018) khiến các nhà sản xuất bắt đầu lo ngại. Điều này chứng tỏ bài toán thương hiệu đang dần vơi sức hút. Danh sách này trong năm 2019 tiếp tục được nối dài với: Godzilla:King of Monsters, Dark Phoenix, Men in Black: International, Hellboy,Shaft, Dumbo.

Đi tìm nguyên nhân của sự thất bại, tờ The Guardian cho rằng: “Trong quá khứ, mỗi lần ghé thăm rạp chiếu, người xem lại khám phá một thế giới mới về nhân vật, tình huống, địa điểm hay cách nhìn. Một vài tác phẩm chỉ nên là phim lẻ thay vì kéo dài tới hai, ba hay bốn phần. Chưa kể, những người kế nhiệm cũng gặp nhiều khó khăn khi sản xuất. Điều này dẫn tới sự kiệt sức trong sáng tạo”. Thành công của các phim thuộc Star Wars và Marvel được đặt trong cùng một khung câu chuyện với dàn nhân vật xoay vòng. Điều này giữ cho cốt truyện của phim luôn mới mẻ, không gây nhàm chán với khán giả.

“Khi mỗi phim mới được sản xuất chỉ đơn giản là để thiết lập phần tiếp theo thì thương hiệu điện ảnh đó có nguy cơ sụp đổ trước khi câu chuyện thực sự hoàn thành”- trang Gamespot đánh giá. Hiện tại, rất khó để có thể dự đoán phần tiếp theo sẽ làm tốt hơn phần phim trước. Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng xã hội cùng những phản hồi đi kèm gần như tức thời, các hãng phim có thể cân nhắc lợi ích lâu dài trong phần tiếp theo. Nên nhớ, phòng vé Bắc Mỹ luôn sinh lợi cho Hollywood. Ngay cả khi một bộ phim kiếm được nhiều tiền ở nước ngoài vẫn có thể thua lỗ nếu không kiếm đủ tiền tại Bắc Mỹ. Doanh thu phòng vé ở Bắc Mỹ đã giảm 6% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái - theo Business Insider.

Với tình hình “ăn theo” hiện tại thay vì tập trung tạo ra những sản phẩm mới, Hollywood đang ngày một đánh mất vị thế của nó. Trong bối cảnh khán giả có rất nhiều lựa chọn xem phim tại gia từ Amazon, Netflix, sắp tới là Disney, công nghệ chiếu phim tại nhà cũng đang được đầu tư hết mức thì việc Hollywood tiếp tục sa lầy trong các phần phim thương hiệu sẽ dễ dàng đẩy khán giả quay lưng với rạp chiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim thương hiệu "ăn mòn" Hollywood?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO