Phim hình sự Việt Nam: Làm cho tới sẽ có khán giả

XUÂN HƯƠNG| 23/10/2018 06:26

Tuy không "nở rộ” nhưng phim hình sự vẫn đang giữ được dòng chảy riêng với sự thu hút khán giả mà không phải dòng phim nào cũng có được.

Phim hình sự Việt Nam: Làm cho tới sẽ có khán giả

Cảnh trong phim Mạch ngầm vùng biên ải

Tiềm năng thu hút khán giả

Mới đây, dù phải cạnh tranh với nhiều gameshow ca nhạc, giải trí trên kênh THVL1 nhưng Mật mã hoa hồng vàng vẫn chứng minh được sức hút khi liên tục đứng trong top rating (chỉ số khán giả), với mức cao tới 6,5%. Ở thời điểm phim truyền hình truyền thống (45 phút/tập) ở phía Nam đang gặp khó về rating (chỉ từ 1 - 2%), thì kết quả Mật mã hoa hồng vàng đạt được là rất đáng kể. Mật mã hoa hồng vàng có kịch bản lôi cuốn, được thể hiện bởi dàn diễn viên có thực lực, cùng với sự chỉn chu trong từng cảnh quay, những phân cảnh hành động kịch tính.

Pha trộn giữa hình sự và tâm lý xã hội, Quỳnh Búp bê đang có sức hút ấn tượng, ước tính thu 3,2 tỷ đồng/10 phút quảng cáo trong mỗi tập phim. Dự đoán Quỳnh Búp bê có thể chạm tới kỷ lục 220 triệu đồng/30 giây quảng cáo của Người phán xử trong năm 2017.

Trước khi chạm đến đỉnh cao với Người phán xử (47 tập phim, VTV thu hơn 188 tỷ đồng), phim hình sự Việt từng có khoảng thời gian dài sôi động, mở đầu là loạt phim Cảnh sát hình sự do VFC thuộc Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất từ năm 1997.

Link bài viết

Cảnh sát hình sự có gần 40 bộ phim, trong đó để lại dấu ấn là Cảnh sát đặc nhiệm, Chạy án, Đột kích... Sau đó có khá nhiều nhà sản xuất ở phía Nam cũng đầu tư làm phim hình sự, như Vật chứng mong manh, Những đứa con biệt động Sài Gòn 2, Bí mật Tam giác vàng, Vệt dầu loang... đều có rating cao.

Tuy nhiên, có một khoảng thời gian phim hình sự rơi vào "khủng hoảng" khi kịch bản rập khuôn, cách triển khai câu chuyện không có gì mới mẻ, thiếu gương mặt diễn viên mới, phim đầu tư không tới dẫn đến thiếu kịch tính, sự chân thật, gai góc và những yếu tố chuyên môn.

Vài năm trở lại đây, trước sự xuống dốc của phim truyền hình truyền thống nói chung, sự bão hòa của dòng phim tâm lý xã hội nói riêng, các nhà sản xuất đã có sự thay đổi đối với dòng phim hình sự. Theo đó, họ không chọn kịch bản khai thác một chiều tập trung vào xây dựng hình tượng công an phá án, mà chuyển sang khắc họa số phận giới giang hồ.

Thành công của Người phán xử, Mạch ngầm vùng biên ải, Mật mã hoa hồng vàng... là minh chứng cho sự thay đổi này. Dù là "làm lại" nhưng Người phán xử gây "sốt" vì kịch bản không theo lối mòn mô tả cuộc đối đầu thiện - ác giữa công an và tội phạm.

Chuyện phim xoay quanh gia đình ông trùm Phan Quân - một nhân vật "gian hùng" đúng chất. Tuy có nhiều cảnh bị xem là quá bạo lực, nhưng nói như biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương - tác giả của Mật mã hoa hồng vàng thì phim hình sự phải lăn xả vào xã hội đen, cho nhân vật dùng từ ngữ của giới giang hồ, chứ không thể là từ ngữ của giới văn phòng, trí thức.

Người phán xử cũng đào sâu các mối quan hệ cùng xung đột tâm lý: mối quan hệ của Phan Quân với những đứa con, tình nghĩa vợ chồng của Phan Hải, căn bệnh trầm cảm mà cô con dâu mắc phải khi sống trong gia đình là trụ cột của thế giới đen...

Cảnh trong phim Con gái bố già

Cảnh trong phim Con gái bố già

"Hiện tại chúng tôi viết kịch bản phim hình sự theo hướng mới, khai thác góc khuất trong nội tâm của những người lầm đường lạc lối, sa chân vào xã hội đen", biên kịch Thanh Hương cho biết thêm. Sau Mật mã hoa hồng vàng, bộ phim Con gái bố già đang phát trên sóng THVL1 cũng có kịch bản được xây dựng theo lối tư duy mới này.

Khởi đầu từ vụ án liên quan đến viên kim cương xanh huyền thoại, kịch bản xâu chuỗi thành câu chuyện gia đình, chuyển tải thông điệp về tình cha con của "bố già" - một ông trùm khét tiếng lạnh lùng nhưng vô cùng thương con, sẵn sàng đổi mạng sống cho con...

Kinh phí đầu tư không nhỏ

Hơn 10 năm qua, phim truyền hình thể loại hình sự được sản xuất khá nhiều. Song có một thực tế là chỉ có một số ít bộ phim thu hút được số đông khán giả, lý do là dòng phim này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Bao nhiêu năm nay, chi phí sản xuất phim truyền hình truyền thống nói chung thường ở mức trên dưới 200 triệu đồng/tập.

Dù làm phim theo kiểu cũ hay mới thì hình sự vẫn là dòng phim có chi phí cao so với thể loại khác vì cần diễn viên đóng thế (cascadeur), các pha mạo hiểm cho các cảnh hành động phải kịch tính... Nếu đầu tư không tới, dù kịch bản có hay, phim làm ra cũng không có nhiều khán giả.

Những phim tạo chú ý như Bí mật Tam giác vàng có kinh phí đầu tư lên đến 20 tỷ đồng, Thề không gục ngã trên 7 tỷ đồng, đặc biệt series Hồ sơ lửa từng dự kiến kinh phí 300 tỷ đồng cho 1.100 tập phim kéo dài từ năm 2017 - 2020. Chỉ mới làm được hơn 100 tập, dù gây được tiếng vang nhưng sự hụt hơi về kinh phí lẫn mâu thuẫn phát sinh trong ekip thực hiện khiến dự án Hồ sơ lửa phải "gãy gánh giữa đường".

"Phim hình sự đang có chỗ đứng trên màn ảnh nhỏ nhưng kịch bản phải hay, kinh phí đầu tư lớn mới cho ra sản phẩm tốt được. Những kiểu phim hình sự cóp nhặt một ít từ phim Mỹ, Hong Kong rồi nhào nặn thành kịch bản với vốn đầu tư thấp không còn phù hợp, khó chinh phục khán giả.

Các cảnh hành động trong phim hình sự phải quay nhiều đúp, khi dựng phải lồng ghép âm thanh, âm nhạc sao cho ép tim nữa", đạo diễn Phương Điền của phim Con gái bố già cho biết thêm.

Còn ở lĩnh vực phim điện ảnh, phim hình sự chỉ đếm trên đầu ngón tay với Ống kính sát nhân, Hương ga, Truy sát, Găng tay đỏ, Hai Phượng, Lật mặt 2: Bí mật phim trường..., do kinh phí rất cao, thường từ gấp 3 lần thể loại tâm lý tình cảm hay hài, lại đòi hỏi rất cao về kỹ thuật quay, kỹ xảo hậu kỳ, diễn xuất của diễn viên.

Dù vậy, trước tiềm năng có thể thu hút được khán giả, hiện có nhà sản xuất dám "làm đến nơi đến chốn" với thể loại hình sự, như Ruby máu (45 tập) và Tiêu điểm chết (điện ảnh) đang quay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim hình sự Việt Nam: Làm cho tới sẽ có khán giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO