Phát triển văn hóa đọc cho doanh nghiệp: Bước đầu hình thành hệ sinh thái tri thức của một tổ chức học tập

Nguyễn Cảnh Bình, Trần Thị Khuyên (*)| 04/12/2021 09:00

Hệ sinh thái tri thức cho doanh nghiệp là cốt lõi của việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp, nhờ đó có thể xây dựng được bản đồ và lộ trình phát triển của con người trong tổ chức, là kim chỉ nam soi đường cho doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế Việt Nam nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Phát triển văn hóa đọc cho doanh nghiệp: Bước đầu hình thành hệ sinh thái tri thức của một tổ chức học tập

Marcus Tullius Cicero - triết gia, chính khách, nhà hùng biện, nhà lý luận chính trị La Mã từng nói: “Căn phòng không có sách giống như thư viện không có linh hồn”. Tương tự thế, trong nền kinh tế tri thức và những thách thức về quản trị hiện nay, tôi cũng muốn ví von rằng: “Một doanh nghiệp không có tủ sách, không có văn hóa đọc là một doanh nghiệp không có tri thức, giống như cơ thể không có linh hồn. Đó không phải là một tổ chức học tập, đó không phải là một tổ chức phát triển, đó không phải là một doanh nghiệp có các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Tôi nhấn mạnh như vậy để chúng ta cùng thấy được vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc trong doanh nghiệp như thế nào. Đọc sách giúp nhân viên nâng cao kiến thức, phát triển tư duy, kích thức sự sáng tạo, cải thiện kỹ năng giao tiếp, điều khiển cảm xúc tốt hơn, tạo thói quen thư giãn lành mạnh cho nhân viên. Đối với người lãnh đạo doanh nghiệp, để trở thành một nhà lãnh đạo, quản trị giỏi ngoài những yếu tố như tài năng, ý chí, sự nhạy bén, bản lĩnh thì bồi đắp kiến thức thông qua đọc sách và nhiều hình thức khác là điều kiện góp phần quyết định sự thành công của một doanh nhân.

Thực tế cho thấy, những lãnh đạo doanh nghiệp có thói quen đọc sách sẽ dễ dàng truyền cảm hứng cho các nhân viên, là tấm gương thúc đẩy sự hình thành, phát triển văn hóa đọc và tinh thần học tập trong tổ chức họ dẫn dắt. Văn hóa đọc trong doanh nghiệp là một phần của văn hóa đọc nói chung đang được Chính phủ khuyến khích xây dựng, phát triển, trong đó văn hóa đọc trong doanh nghiệp trực tiếp sẽ tạo ra những nhà lãnh đạo xuất sắc, những doanh nghiệp vượt trội, những nhân viên tài năng và tạo ra một loại năng lực cạnh tranh mới: năng lực tri thức. Khi một trong những năng lực cốt lõi của doanh nghiệp là tri thức thì… sức bật của doanh nghiệp có thể tới “cung trăng” (moonshoot). 

Link bài viết

Việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp đòi hỏi một chiến lược và cách tiếp cận toàn diện, trong đó mục tiêu chính là biến doanh nghiệp trở thành một tổ chức học tập. Muốn biến doanh nghiệp trở thành một tổ chức học tập, theo tôi cần xây dựng hệ sinh thái bao gồm ba cột trụ chính, bao gồm sách và tri thức; không gian đọc và các hình thức khuyến đọc và trao đổi, thảo luận; các hoạt động khuyến đọc thông qua giải thưởng, vinh danh và con người.

Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là việc đưa tủ sách (vật chất) vào trong doanh nghiệp. Tủ sách doanh nghiệp chỉ là phần thể xác. Muốn văn hóa đọc thật sự hoạt động và hiệu quả thì cần thổi hồn vào doanh nghiệp bằng các hoạt động khuyến khích đọc sách, hướng dẫn, đào tạo các kiến thức có trong sách, talk, hội thảo, các cuộc thi, giao lưu đọc sách giữa các doanh nghiệp, chỉ số xếp hạng văn hóa đọc cho các doanh nghiệp…

Cần xây dựng và phát triển một hệ sinh thái tri thức doanh nghiệp. Tôi đưa ra khái niệm hệ sinh thái tri thức doanh nghiệp với mục đích xây dựng chương trình hoạt động, các cấu phần, các hoạt động khuyến khích hỗ trợ nhau, tạo thành một vòng tròn khép kín và mang lại lợi ích thực sự cho doanh nghiệp.

Sản phẩm sách và tri thức: Trụ cột đầu tiên

Công cụ để phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp là sách, tủ sách doanh nghiệp và tri thức nói chung. Tủ sách doanh nghiệp cần lựa chọn những cuốn sách hay và cốt lõi nhất về lãnh đạo, kinh doanh, kỹ năng làm việc, các cuốn sách tinh thần, bài học khởi nghiệp của những tác giả - là những nhà sáng lập nổi tiếng trên thế giới như Steve Jobs, Bill Gates, Elon Musk, Warren Buffett… nhằm giúp nâng cao và mở rộng kiến thức cho tất cả doanh nhân, nhà lãnh đạo, nhân viên và những đối tượng quan tâm.

Không chỉ dừng lại ở tủ sách cứng, cuốn sách cứng, chúng ta nên mở rộng khái niệm tủ sách doanh nghiệp ở hình thức tủ sách mềm, số hóa (ebook, audio), những bản tóm tắt sách, những review, trích dẫn sách hỗ trợ tối đa mọi định dạng và mong muốn tiếp cận sách của nhân viên trong doanh nghiệp. Chỉ khi được thoải mái lựa chọn kênh mình muốn tiếp cận, định dạng mình muốn đọc, và chủ đề mình quan tâm thì nhân viên mới thực sự cảm thấy hào hứng với việc đọc sách.

Việc lựa chọn những cuốn sách chất lượng để đưa vào tủ sách doanh nghiệp cũng cần được tính đến. Sách sẽ được lựa chọn thông qua các giải thưởng sách, các trang giới thiệu, review sách uy tín thế giới như Booklikes.com - blog cho những người yêu sách, Goodreads.com - nơi kết nối những người thích đọc, NPR.org - sự chuyên nghiệp đến từ những chuyên gia, hay gần gũi hơn là những trang review của Việt Nam như Trạm đọc, Reviewsach.net... Sách cần được phân loại theo chủ đề (quản trị lãnh đạo, kỹ năng, làm cha mẹ…), đối tượng độc giả (chủ doanh nghiệp, nhân viên).

1-4980-1638616040.jpg

Không gian đọc và môi trường đọc, học tập: Trụ cột thứ hai

Có tủ sách, có giải thưởng hỗ trợ việc chọn lọc những cuốn sách giá trị thôi chưa đủ. Để thúc đẩy văn hóa đọc trong doanh nghiệp, cần sự phối hợp của các đơn vị làm sách đồng hành cùng với doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động bổ trợ cho việc đọc và vận dụng kiến thức trong sách vào các hoạt động thực tế trong doanh nghiệp. Các hoạt động đó phải chuyên sâu cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhân viên trong doanh nghiệp như hội sách quản trị kinh doanh, hội thảo giới thiệu, truyền đạt các ý tưởng sách, các buổi trao đổi, trò chuyện hàng tuần về nội dung sách, chia sẻ các kiến thức học được và ứng dụng từ sách vở… 

Ta có thể đặt ra thách thức phát triển văn hóa đọc cho các doanh nghiệp, kêu gọi 100 doanh nghiệp tham gia chương trình đọc sách và học từ sách. Tổ chức cuộc thi đọc sách, khám phá sách, ứng dụng từ sách trong nội bộ một doanh nghiệp, thi giữa các doanh nghiệp với nhau… tương tự như các gameshow truyền hình hiện nay.

Các hoạt động khuyến đọc: Trụ cột cuối cùng, tạo thế kiềng ba chân

Những năm gần đây, nhiều giải thưởng sách ra đời đã góp phần khích lệ người làm sách cũng như định hướng cho độc giả trong việc tìm chọn và đọc những cuốn sách hay, có ý nghĩa. Lâu đời nhất phải kể đến Giải Sách hay, được trao lần đầu năm 2012, là một giải thưởng thường niên, được tổ chức, điều hành bởi Viện IRED. Giải thưởng do học giả và độc giả bình chọn. Danh giá nhất là Giải thưởng Sách Quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức, trao giải cho những cuốn sách và bộ sách có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ, được tổ chức lần đầu vào năm 2018. Tiếp đến là giải thưởng Top sách do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam tổ chức thường niên từ năm 2020 với chủ đề “Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp” và “Top 10 cuốn sách đáng đọc”.

Những giải thưởng sách này đều đạt đã được những mục đích lớn lao, lan tỏa tri thức từ những cuốn sách hay, sách quý; tôn vinh những tổ chức, cá nhân đã tạo ra những cuốn sách đó; gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách, làm sách tiến bộ. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn cần thêm các giải thưởng khác nữa. Nếu những giải thưởng kể trên là dành cho tác giả, dịch giả, nhà xuất bản nói chung, thì để phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp, chúng ta cần những giải thưởng cụ thể hơn cho các chủ thể trong doanh nghiệp. Đó là giải thưởng tổ chức học tập (doanh nghiệp học tập), giải thưởng cho cá nhân học tập (người đọc là nhân viên, chuyên viên), giải thưởng nhà doanh nhân truyền cảm hứng/trí tuệ (kiến thức).

Để tìm ra và trao được những giải thưởng chất lượng như trên thì cần có đơn vị đứng ra xây dựng và tổ chức các cuộc thi, chương trình, phong trào đọc trong doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, từ đó xây dựng nên chỉ số xếp hạng văn hóa đọc trong doanh nghiệp, và công bố hằng năm. Tôi tin chỉ số văn hóa đọc trong doanh nghiệp sẽ là thước đo đánh giá rất tốt năng lực cạnh tranh về mặt tri thức của doanh nghiệp và sẽ tạo nên trào lưu đọc sách mới trong doanh nghiệp.  

Tóm lại, cần hình thành và nuôi dưỡng hệ sinh thái học tập trong mỗi doanh nghiệp thì mới bền vững và hiệu quả. Tăng cường thiết kế và phát triển hệ thống thư viện và không gian sáng tạo, không gian học tập và liên kết các không gian này với nhau để hình thành mạng lưới. Thúc đẩy, vinh danh sách hay, công bố danh mục, trao giải cho các nhà lãnh đạo tổ chức học tập, chọn lựa/khen ngợi đại sứ đọc trong các doanh nghiệp.

(*) Alpha Books

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển văn hóa đọc cho doanh nghiệp: Bước đầu hình thành hệ sinh thái tri thức của một tổ chức học tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO