Những nhà sưu tập có bản lĩnh

BÍCH HỒNG (*)| 27/04/2011 03:52

Chính những nhà sưu tập đã giúp cho thị trường tranh trở nên sôi động. Và trong thị trường tranh thật giả lẫn lộn, họ trở thành những người “gác cổng” cho những tác phẩm nghệ thuật.

Những nhà sưu tập có bản lĩnh

Chính những nhà sưu tập đã giúp cho thị trường tranh trở nên sôi động. Và trong thị trường tranh thật giả lẫn lộn, họ trở thành những người “gác cổng” cho những tác phẩm nghệ thuật.

Nhà sưu tập bất đắc dĩ

Không ai mê hội họa mà không biết quán cà phê Lâm ở phố Nguyễn Hữu Huân, nơi người ta có thể thoải mái ngắm tận mắt tác phẩm của các họa sĩ danh tiếng trong tứ trụ “Sáng - Liên - Nghiêm - Phái”.

Tại sao những tác phẩm này có mặt ở đây và chúng đã tồn tại bao nhiêu năm thế nào cũng có người biết rõ, chúng là chứng nhân của một thời Việt Nam không có thị trường tranh và hoàn toàn đóng cửa với bên ngoài.

Lúc đó Hà Nội đã xuất hiện những nhà sưu tập (NST) kiểu như ông chủ quán cà phê Lâm. Ông cung cấp những bữa sáng đạm bạc và cà phê cho các văn nghệ sĩ vì yêu mến họ. Còn các họa sĩ thỉnh thoảng lại đưa đến cho ông những tác phẩm hội họa gọi là đáp lại lòng tốt của ông chủ quán.

Cứ thế, quán cà phê nhỏ, giản dị của Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều bức họa của các họa sĩ danh tiếng. Ông Lâm cà phê trở thành NST tranh của những người ông vô cùng yêu mến và kính trọng. Chiếm đa số là những bức vẽ của Bùi Xuân Phái.

Sau này khi thị trường mở cửa với hội họa và tên tuổi của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã được người nước ngoài biết đến, người ta coi cà phê Lâm là địa chỉ đáng tin cậy để tìm kiếm tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng.

Sau này khi ông Lâm không còn nữa, du khách cũng vẫn tìm đến quán xem tranh, nhưng tranh còn rất ít, người cũ cũng đi đâu hết cả, không khí quán nhàn nhạt trong sự cố gắng giữ gìn dĩ vãng.

Tuy nhiên, người ta nhớ đến ông nhiều bởi ông có phẩm chất của một người yêu nghệ thuật trong sáng và có cơ duyên gặp gỡ, giúp đỡ các danh nhân văn hóa Việt Nam trong thời kỳ gian khó nhất của họ. Ông đã chứng kiến họ vẫn mãnh liệt biết bao trong sáng tạo và để lại cho đời sau những tác phẩm vô giá.

Phong cách chuyên nghiệp của một nhà sưu tập

Nhà tư sản Đức Minh là NST danh tiếng ở Việt Nam với bộ sưu tập tranh đầy đủ, từ bức “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh đến “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân, rồi một số tác phẩm của Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí ông mua từ nước ngoài mang về.

Ông Đức Minh có hàng trăm tác phẩm của Bùi Xuân Phái và những bức ông sưu tầm từ thập niên 60 - 80 thế kỷ trước, lưu giữ ở bảo tàng tư nhân của ông chính là những tác phẩm xuất sắc nhất của họa sĩ.

Khi đã đam mê, ông tự trang bị kiến thức về hội họa và với bản tính thích mạo hiểm, ông đầu tư vào bộ sưu tập tranh với tác phẩm của các tác giả chưa nổi tiếng.

Lúc ông mua tranh của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, họ còn là những họa sĩ nghèo khổ, chưa được ai nhắc đến, không được phép triển lãm cá nhân, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ chối treo tranh của họ (trường hợp Bùi Xuân Phái), họ thậm chí thường xuyên không có tiền mua sơn dầu và vải.

Với óc phán đoán thiên phú và tình yêu nghệ thuật, ông Đức Minh đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua và giữ gìn những bức tranh chưa một lần được triển lãm, được thẩm định, được công nhận ấy với niềm tin tuyệt đối vào những họa sĩ tài năng của Việt Nam.

Những NST thế hệ sau hầu hết đều sưu tập tranh của các tác giả đã thành danh. Một người có phong cách sưu tập chuyên nghiệp điển hình là Trần Hậu Tuấn, kể:

“Tôi sưu tập lúc đầu chỉ vì yêu thích tranh Bùi Xuân Phái. Nhưng khi đã có một số tác phẩm thì chính nhu cầu về tính hệ thống đã kéo tôi đi. Ban đầu là tập hợp các tác phẩm tiêu biểu của Bùi Xuân Phái qua từng thời kỳ. Tiếp theo là tập hợp các tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ tiêu biểu cùng thời với Bùi Xuân Phái. Kế đến là tranh của các họa sĩ tiêu biểu thời trước và sau ông...

Nhu cầu này hết sức tự nhiên, nhưng càng ngày tôi càng hiểu ra tính chuyên nghiệp của một NST trước hết và chủ yếu thể hiện ở ý thức về tính hệ thống. Công việc của tôi hiện tại là tiếp tục hoàn thiện hệ thống sưu tập của mình, bổ sung và sàng lọc theo hướng đi đã hình thành. Tôi nhắm đến một giá trị tinh lọc”.

Trần Hậu Tuấn có cái may mắn là khi anh bắt đầu sưu tập thì Việt Nam chưa có thị trường tranh, nên hoàn toàn không có tranh giả. Các tác phẩm quan trọng đều có hồ sơ kèm theo và có sự chứng nhận của gia đình các họa sĩ. Đó là cách mà các nhà sưu tập châu Âu từng làm với tác phẩm của Van Gogh hay Picasso.

Tiến thêm một bước trên con đường sưu tập chuyên nghiệp, NST Trần Hậu Tuấn bỏ tiền xuất bản 16 đầu sách về các họa sĩ lừng danh và tác phẩm của họ, nâng tầm hiểu biết nghệ thuật cho người xem, chống nạn làm tranh giả, giới thiệu họa sĩ Việt Nam ra thế giới.

Rất nhiều NST đã chiến đấu với thị trường, với nạn làm tranh giả bằng kinh nghiệm rồi tiến tới phong cách chuyên nghiệp như nói trên. Hiện tại ở Việt Nam đã có các bộ sưu tập tác phẩm của các họa sĩ: Thái Tuấn, Đinh Cường, Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em. Những NST có tiếng hiện nay là: Đỗ Huy Bắc, Bùi Quốc Chí, Trần Mạnh Đạt, Dũng Vĩnh Lợi, Trần Lê Nguyễn, Mai Nghĩa, Huỳnh Nga, Lê Thái Sơn...

Họ không chỉ là những NST có tên tuổi, mà còn là những nhà tư vấn đáng tin cậy, được thị trường đánh giá cao. Người yêu hội họa ở TP.HCM có thể tìm đến Bảo tàng Mỹ thuật Trần Hậu Tuấn (357/2 Nguyễn Trọng Tuyển, Q. Tân Bình), hoặc bảo tàng của Bùi Quốc Chí ở 31C Lê Quý Đôn để chiêm ngưỡng tác phẩm của hai bộ tứ “Trí - Vân - Lân - Cẩn” và “Sáng - Liên - Nghiêm - Phái”.

Có nhiều tin đồn rằng các NST tung tranh giả bán cho khách trong và ngoài nước với giá cao. Tuy nhiên, cũng giống như doanh nhân, một NST danh tiếng phải biết giữ gìn “thương hiệu” mình dày công vun đắp, chứ không thể chỉ vì lòng tham nhất thời mà đem đổ sông đổ biển kho tàng tranh quý giá họ đang nắm giữ trong tay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những nhà sưu tập có bản lĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO