Long đong những kiệt tác của hội họa Việt Nam

HOÀNG YẾN| 18/09/2009 00:27

Thiếu nữ bên hoa huệ, Chơi ô ăn quan... đều có những phiên bản từng được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Long đong những kiệt tác của hội họa Việt Nam

Thiếu nữ bên hoa huệ, Chơi ô ăn quan... đều có những phiên bản từng được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong khi đó, bức tranh gốc lại có số phận chìm nổi, gắn với biết bao biến thiên, thăng trầm của thời cuộc. Thông tin về việc hai kiệt tác hội họa này đã trở về VN càng làm dư luận quan tâm hơn đến việc bảo vệ chúng.

Hành trình lưu lạc

Thiếu nữ bên hoa huệ của họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906 - 1954) được triển lãm lần đầu tại Hà Nội với nhóm Farta cùng Thiếu nữ với hoa sen, Hai thiếu nữ và em bé.

Chơi ô ăn quan (lụa, 1931)

Năm 1946, khi rời Hà Nội đi tản cư, họa sĩ Tô Ngọc Vân để bức tranh lại cùng nhiều tác phẩm vẽ trước Cách mạng Tháng Tám ở xưởng vẽ Yết Kiêu, Hà Nội. Ông hy sinh ở đèo Lũng Lô, trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).

Rất tiếc, cùng với Thiếu nữ bên hoa huệ, nhiều tác phẩm của danh họa để lại đã bị phân tán. Một người trong gia đình đã xin khá nhiều tranh của ông, nói là đem về nhà treo để "thắp hương tưởng nhớ" họa sĩ, nhưng sau đó lại bán cho nhà sưu tập Đức Minh. Sau này gia đình họa sĩ mới biết, bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ được bán với giá 40 vạn tiền Đông Dương.

Bốn năm sau ngày ông hy sinh, năm 1958, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mượn bức tranh từ bộ sưu tập của nhà sưu tập Đức Minh để cùng với một số tranh khác tham gia "Triển lãm mỹ thuật 12 nước XHCN" tổ chức tại Liên Xô, Hungary, Ba Lan, Rumani... Thiếu nữ bên hoa huệ lần đầu “xuất ngoại” cùng với ba bức tranh sáng tác trước cách mạng và nhiều ký họa sau này của ông. Sau khi triển lãm kết thúc, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có nhờ họa sĩ Nguyễn Văn Thiện chép lại bức tranh này và treo ở Bảo tàng, nhưng không ghi chú là tranh chép.

Chơi ô ăn quan của danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892 - 1984) cũng có số phận không kém phần long đong. Trong triển lãm Thuộc địa ở Paris năm 1931, lần đầu tiên xuất hiện những bức tranh lụa của VN: Chơi ô ăn quan, Lên đồng, Cô gái rửa rau, Em cho chim ăn. Bốn bức tranh này đã được in trang trọng trên báo L'Illustrations số Giáng sinh 1932. Năm 1938, bức tranh này cùng với 13 bức tranh lụa khác được mang sang Nhật triển lãm, vì loạn lạc nên tưởng không còn tung tích. Mãi đến năm 1953, ông Đức Minh sang Paris, trong một lần đi dạo, ông trông thấy một bức tranh đề xuất xứ VN, đã mua về và trở thành chủ nhân của tác phẩm nổi tiếng này một cách tình cờ như vậy.

Di sản đã trở về?

Gallery Đức Minh - Bùi Đình Thản nổi tiếng từ hồi Pháp thuộc. Ông Đức Minh (Bùi Đình Thản, 1920 - 1983) là một trong những nhà sưu tập hội họa lớn. Năm 1965, ông Đức Minh đề nghị nhượng toàn bộ số tranh, trong đó có cả Thiếu nữ bên hoa huệ và Chơi ô ăn quan cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ với một điều kiện: Lập một gian trưng bày riêng, nói rõ xuất xứ tranh của nhà sưu tập Đức Minh tặng Bảo tàng. Bảo tàng không nhận vì thời đó còn quan niệm, tranh là tài sản của nhà tư sản, mà chính quyền cách mạng thì không muốn dính líu đến “tư sản”.

Thiếu nữ bên hoa huệ (sơn dầu, 1943)

Sau đó, ông Đức Minh vào TP.HCM và mất năm 1983. Ngôi biệt thự bên hồ Thuyền Quang (Hà Nội) với phòng tranh nổi tiếng đã được bán. Bộ tranh quý trở thành tài sản thừa kế, được chia cho các con ông. Có người giữ được, nhưng cũng có người đem bán với giá dễ mua. Nhà sưu tập Hà Thúc Cần, Việt kiều ở Hồng Kông mua được khá nhiều tranh, trong đó hầu hết là tranh quý. Khi đó, ông Tô Ngọc Thành, con trai của họa sĩ Tô Ngọc Vân xác nhận, bức Thiếu nữ bên hoa huệ được bán với giá 16.000USD, còn Chơi ô ăn quan giá 18.000USD. Ông Thành cho biết, khi nhận được tin về việc bức tranh nổi tiếng của bố mình sẽ được bán theo hình thức đấu giá nội bộ, lo sợ bị đưa ra nước ngoài, ông đã báo cho các cấp quản lý có liên quan, nhưng không nhận được hồi âm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lúc đó, nếu mua cũng chỉ với giá cao nhất theo khung quy định là 2.000USD. Thế là cả hai tác phẩm lọt ra nước ngoài rất êm xuôi, trong khi có quy định nghiêm cấm việc này.

Năm 2003, ông Hà Thúc Cần mất, con trai ông đã bán lại bức Thiếu nữ bên hoa huệ cho một gallery ở đường Đông Du (TP.HCM) với giá 75.000USD. Còn họa sĩ Tô Ngọc Thành lại cho rằng, một chủ gallery ở phố Hàng Gai (Hà Nội), cũng là người buôn tranh nổi tiếng, có nhiều bạn hàng và quan hệ rộng với các gallery trên thế giới, đã mua được cả hai bức tranh quý này với giá mỗi bức 200.000USD. Chủ sở hữu bức tranh đã có lần muốn nhờ họa sĩ Tô Ngọc Thành đến thẩm định hộ nhưng anh từ chối vì có thể nhìn thấy bức tranh giả, khi đó điều đáng sợ nhất có thể xảy ra là sự sụp đổ của chủ nhân...

Có một điều lạ kỳ xuyên suốt cuộc “chu du” của hai bức tranh này là chủ sở hữu của chúng chưa bao giờ là người nước ngoài.Mong sao các bức tranh không chịu cảnh nằm im trong kho lưu trữ của ai đó mà sớm được bước ra ánh sáng để công chúng lại có dịp thưởng ngoạn những di sản văn hóa vô giá của quốc gia này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Long đong những kiệt tác của hội họa Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO