Không có gì và không một ai

KHÁNH HÀ| 01/08/2012 09:36

Suốt hành trình đồng hành cùng con chữ, tập sách vừa đủ dày này có thể đưa độc giả đến một không gian đã từng rất đặc trưng của Sài Gòn.

Không có gì và không một ai

Văn cũ, chuyện xưa là ấn tượng khi khép lại trang cuối cùng của tiểu thuyết Không có gì và không một ai. Tuy nhiên, suốt hành trình đồng hành cùng con chữ, tập sách vừa đủ dày này lại có thể đưa độc giả đến một không gian đã từng rất đặc trưng của Sài Gòn.

Đọc E-paper

Tựa như một tam giác gắn kết bởi ba cánh tay, hình minh họa trên bìa sau và kết cấu của Không có gì và không một ai chuyển dịch từ câu chuyện của thành viên này đến thành viên khác trong nhóm bạn Phong - Thương - Tiềm.

Đó là những ngày Sài Gòn chuyển mình giữa hai chế độ cũ - mới. Trong cuộc chuyển giao, những đổi thay luôn tác động lớn đến những người trẻ. Bộ ba Phong - Thương - Tiềm là đại diện cho thế hệ thanh niên được giáo dục trong một chế độ nhưng trưởng thành trong một chế độ khác.

Người kịp thích nghi, kẻ phó mặc phận mình cho thời cuộc... Sợi dây gắn kết giữa họ với nhau chính là tình bạn và tình yêu. Họ thân thiết với nhau đến mức chọn câu “thần chú”: Không có gì và không một ai có thể chia cắt tình cảm giữa họ.

Đáng tiếc, lẫn trong hai thứ tình cảm, họ phải nghĩ nhiều cho nhau nên chẳng dám nghĩ cho cá nhân. Cứ thế, hai thứ tình vừa đưa vừa kéo..., cộng thêm sự đưa đẩy của thời cuộc, họ trôi về phía không nhau trong nuối tiếc của cả ba người.

Người đọc bị kéo theo chuyện tình của bộ ba nhưng đó mới chỉ là đích đến. Một Sài Gòn biến động, một tòa soạn báo ngổn ngang với những đấu tranh, một nông trường chạy theo thành tích, một ngôi trường miền xa với thế lực của kẻ sở hữu quyền lực... chính là những điểm dừng của tập sách này.

Cùng với nhà văn, người đọc có dịp ngược dòng quá khứ, nhìn lại chuyện của ngày xưa với tất cả những ưu, khuyết của một giai đoạn lịch sử.

Không có gì và không một ai là món quà nhà văn Nguyễn Đông Thức tự mừng sinh nhật tuổi 60 của mình. Tưởng như không có gì lạ khi Nguyễn Đông Thức viết về nghề báo, về thanh niên xung phong...

Và, việc tái hiện lại một Sài Gòn trong ký ức cũng chỉ là cách mà nhà văn này kể chuyện. Bởi, đó là tất cả những gì thuộc về thế giới quen thuộc của nhà văn.

Thế nhưng, chia sẻ với bạn đọc, nhà văn cho biết, truyện tưởng dễ hóa ra lại khó viết đến mức ông không thể kịp hoàn thành đúng thời hạn đề ra. Và, nhân vật khó viết nhất, với ông, cũng là nhân vật Phong - nhà báo, nghề ông đang gắn bó.

Khó, nên ông phải viết đi, viết lại nhiều lần. Nhờ vậy, tác phẩm đến với độc giả mới đạt độ chín đáng có của nó.

Thế mới biết, cầm bút, viết về những gì quen thuộc hóa ra lại chẳng dễ dàng. Nhưng có lẽ, cũng chỉ khó với những người khắt khe với ngòi bút và không muốn sống trong hào quang của chính mình. Nguyễn Đông Thức là một trong số đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không có gì và không một ai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO