Gian truân đường ra rạp

HOÀNG LINH LAN| 13/02/2014 08:20

Sau bao lần gắng sức, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã có thể mỉm cười khi bộ phim chiến tranh "Những người viết huyền thoại" được công chiếu rộng rãi.

Gian truân đường ra rạp

Sau bao lần gắng sức, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã có thể mỉm cười khi bộ phim chiến tranh Những người viết huyền thoại được công chiếu rộng rãi. Nhưng liệu nụ cười ấy có thực sự viên mãn hay chỉ là cái cười gượng trước thực trạng phát hành èo uột đối với các phim của Nhà nước? Bởi vì, ngoài phim của Dũng, còn bao bộ phim đáng xem khác vẫn nằm chờ thời bên ô cửa thời gian mù bụi...

Đọc E_paper

Trung úy Nghĩa - vai diễn xuất sắc của Trương Minh Quốc Thái trong Những người viết huyền thoại

Ra rạp sau hành trình gian nan

Những người viết huyền thoại kể về những người lính lắp đặt đường ống dẫn dầu dài 5.000km xuyên Trường Sơn trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1968 - 1969). Không khó để nhận thấy, đây là một bộ phim "tuyên truyền". Tuy nhiên, là cách tuyên truyền khiến người xem rưng rưng cảm xúc.

Đáng tiếc, không có đối tác lo "đầu ra", như nhiều phim nhà nước khác, Những người viết huyền thoại đã từng "đắp chiếu trong kho" dẫu phim được đánh giá khá cao và nhận được 6 giải thưởng quan trọng (Bông sen vàng cho phim, giải Nam nữ diễn viên xuất sắc nhất, Kịch bản, Bối cảnh xuất sắc nhất và giải Khán giả bình chọn) tại Liên hoan Phim lần thứ 18.

Suốt mấy tháng từ khi phim được duyệt cho đến khi nhận giải, Hãng Phim truyện Việt Nam vẫn chưa có động thái phát hành. "Té ngửa" hơn khi biết kinh phí dành cho khâu quảng bá, phát hành phim (gồm trailer, poster và công tác nhiếp ảnh trường quay) chỉ vỏn vẹn... 10 triệu đồng (trên tổng kinh phí sản xuất thực tế là 80% của 11,5 tỷ đồng được duyệt, cộng thêm 2,5 tỷ đồng tài trợ).

Chưa tới một phần nghìn kinh phí làm phim cho quảng bá và phát hành cho một bộ phim tuyên truyền là thách thức không nhỏ, nếu không muốn nói cầm chắc cảnh "đắp chiếu". Đem con số này so sánh với kinh phí phát hành ở các hãng phim tư nhân là từ 20 - 30% tổng kinh phí sản xuất, có phim thậm chí lên đến 50%, thì thấy độ vênh cực lớn!

Xót của, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đành bấm bụng chịu tiếng vô duyên, tham gia phát hành. Nhận được câu trả lời tự tìm chi phí, Dũng chấp nhận nhọc công... đi xin. Chính bản lĩnh, cũng như sự xông xáo của Bùi Tuấn Dũng đã giúp anh có được cái gật đầu của nhà phát hành BHD và một số nhà phát hành khác để phim ra mắt khán giả cả nước tại các phòng chiếu hiện đại nhất.

Chuyện cũ nhưng mới

Cách đây 2 năm, Tâm hồn mẹ, bộ phim của nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang với kinh phí đầu tư hơn 4 tỷ đồng, cũng loay hoay tìm đường ra rạp. Trước đó, bộ phim này đã gây tiếng vang lớn tại Liên hoan Phim quốc tế Dubai cũng như được trình chiếu tại nhiều trường đại học của Mỹ.

Trong nước, dù được một đại diện nhà sản xuất khẳng định "không xem phim này, khán giả thiệt thòi rất lớn", phim vẫn rơi vào cảnh "dở khóc dở cười": khán giả sốt ruột để xem còn đạo diễn chỉ biết thở dài ngao ngán: "Chắc chắn sẽ chiếu nhưng... chưa biết lúc nào".

Không chấp nhận "bán" sản phẩm tâm huyết hơn 20 năm với cái giá 100 đến 150 triệu đồng, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang chỉ còn biết ngậm ngùi nhìn đứa con tinh thần lèo tèo ra mắt ở một vài điểm, đa phần là nhờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức văn hóa phi chính phủ.

Rõ ràng, phim "dán tem" Nhà nước mỏi cổ chờ ngày công chiếu là vấn đề... "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Song cần nhấn mạnh, tốn tiền sản xuất để rồi không phát hành được là thực trạng vô cùng bi đát của các phim do Nhà nước đặt hàng.

Đành rằng cũng có những phim làm chưa tới, gây mất lòng tin nhưng không thể phủ nhận vẫn còn rất nhiều phim tốt (hai bộ phim được đề cập đến trong bài viết là điển hình) với những đạo diễn có nghề.

Việc chậm phát hành hoặc phát hành kém chẳng khác nào dội một thau nước lạnh vào công sức, làm chùng bước sáng tạo của đội ngũ những người làm phim.

Ở góc độ kinh tế, đã không phát hành thì không thể thu hồi vốn nhằm tái đầu tư cho những bộ phim mới. Điều này, đồng nghĩa với việc gây lãng phí ngân sách và thiệt hại tài chính rất lớn cho Nhà nước. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân đẩy phim Việt rơi vào tình cảnh ngày càng trì trệ.

Có lẽ đã đến lúc các cơ quan ban ngành liên quan ngay khi giao phim cho các hãng, phải xác định dành ra khoảng kinh phí hợp lý cho khâu quảng bá cũng như tính đến hiệu quả phát hành để thu hồi vốn. Phát hành không được thì truy cứu những cá nhân thờ ơ, vô trách nhiệm hoặc cố tình yêu sách.

ề lâu dài, cần đầu tư sửa sang các điểm chiếu phim nhà nước đang xuống cấp trầm trọng. Đem một bộ phim, dù chất lượng tốt đến mấy mà chiếu ở những địa điểm tồi tàn, cũng rất khó lòng để khán giả bỏ tiền mua vé.

Bấy lâu, có không ít kêu ca khán giả quay lưng với phim Việt. Câu hỏi được đặt ra ở đây là nhà sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng đã quan tâm đúng mức đến nhu cầu thưởng thức của khán giả hay chưa?

Hơn bao giờ hết, phim nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo và chủ động trong việc định hướng, tiếp cận khán giả thay vì làm phim đem đi tranh giải rồi cất kho, trong khi khán giả khát phim lại không có phim để xem.

Vậy, thay vì ngồi than vãn, mỗi người có liên quan, bằng chính khả năng và trách nhiệm, hãy xắn tay hành động cụ thể nhất. Thiết nghĩ, khán giả không bao giờ quay lưng với những bộ phim tử tế, chỉ có nhà sản xuất bỏ rơi nhu cầu của khán giả mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gian truân đường ra rạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO