Đồ cổ Sa Huỳnh: Vàng đã lộ thiên

KHẢI LY| 22/04/2010 04:15

Nền văn hóa Sa Huỳnh đã được các nhà khảo cổ trên thế giới nghiên cứu và ngày càng sáng tỏ nhiều điều về đời sống của các tộc người thời tiền sơ sử ở miền Trung Việt Nam.

Đồ cổ Sa Huỳnh: Vàng đã lộ thiên

Nền văn hóa Sa Huỳnh đã được các nhà khảo cổ trên thế giới nghiên cứu và ngày càng sáng tỏ nhiều điều về đời sống của các tộc người thời tiền sơ sử ở miền Trung Việt Nam.

Kết thúc vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên, văn hóa Sa Huỳnh có lẽ đã tồn tại hơn 5.000 năm, kéo dài từ thời hậu kỳ đồ đá mới đến đầu thời đại đồ sắt trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình đến các tỉnh nam Trung bộ và Tây Nguyên. Với một sức sáng tạo mạnh mẽ và phong phú, văn hóa Sa Huỳnh ngày càng được xác định có sự ảnh hưởng và giao lưu với nhiều vùng Đông Nam Á, Trung Hoa cổ xưa và Ấn Độ.

Qua những cuộc khai quật diễn ra suốt 100 năm ở miền Trung - Tây Nguyên, một trong những đặc điểm của nền văn hóa Sa Huỳnh để lại thông qua những mộ chum, vò, đồ trang sức đã tạo một cái nhìn về người thời tiền sử rất khéo tay và có mỹ cảm. Các đồ gốm gia dụng có dáng thanh nhã, cân đối, hoa văn phong phú, sinh động thể hiện một tâm hồn tinh tế và giàu cảm xúc. Đồ thủy tinh, trang sức của người Sa Huỳnh đã từng được sử sách Trung Quốc ca ngợi.

Thế nhưng trên thị trường cổ vật, đồ cổ Sa Huỳnh không có giá trị lớn về thương mại. Lý do làm người sưu tập không mặn mà với đồ cổ Sa Huỳnh có thể là vì đa phần những di vật còn lại hầu hết được tìm thấy từ những nghĩa địa tiền sử ở Quảng Bình, Hội An, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) và rải rác ở Tây Nguyên.

Cách đây 10 năm, những mộ chum bằng gốm của người Sa Huỳnh được thấy khá nhiều ở một số bộ sưu tập tư nhân, nhưng hầu hết không được bảo quản tốt, nhiều chiếc mộ chum còn nguyên vẹn đem về cũng chỉ nằm xó vườn vì không bán được cho ai và vì là đồ chôn cất người chết nên người ta ngần ngại. Đồ thủy tinh, gốm dẫu tinh xảo, nhưng là đồ tùy táng, ít được trao đổi.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhà sưu tập đồ cổ Đoàn Huy Giao ở Đà Nẵng, kể từ khi diễn ra các cuộc hội thảo lớn về văn hóa Sa Huỳnh cách đây tròn một năm (2009) với sự tham dự của giới nghiên cứu quốc tế tại Quảng Ngãi nhân kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu về nền văn hóa Sa Huỳnh, những giá trị nghiên cứu đã xới lên sự chú ý và “kích thích” giới sưu tập Việt Nam quan tâm đến dòng cổ vật này.

Trên các diễn đàn trao đổi thông tin, nghiên cứu xuất hiện khá nhiều mộ chum, đồ gốm gia dụng Sa Huỳnh được đưa ra thăm dò giá trị và nhận được nhiều phản hồi. Còn trên thị trường, những tay chơi đồ cổ đang săn lùng mộ chum, được coi là cổ vật tiêu biểu cho văn hóa Sa Huỳnh. Những mộ chum Sa Huỳnh nay không còn phải chịu cảnh nằm xó vườn, giá của một mộ chum có dáng đẹp, còn nguyên vẹn, xác định là đại diện cho giai đoạn người Sa Huỳnh bắt đầu biết làm gốm bằng bàn xoay, được các nhà sưu tập phía Bắc đặt giá đến 80 triệu đồng.

Một số loại đồ gốm, thủy tinh gia dụng được xác định tiêu biểu cho giai đoạn cuối của các tộc người Sa Huỳnh lúc đã di chuyển lên các rặng núi phía Tây Trường Sơn cũng được ưa chuộng và có giá trị thương mại cao gấp hàng chục lần so với cách đây 7 - 8 năm, từ vài chục nghìn đồng lên một vài triệu đồng. Những nhà sưu tập cổ vật Sa Huỳnh có tiếng ở Quảng Ngãi như Lâm Dũ Xênh, ở Huế như Hồ Tấn Phan đều ghi nhận có sự chuyển động mạnh của thị trường cổ vật đối với gốm Sa Huỳnh.

Như vậy, theo sau các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ, bước chân của giới săn lùng mua bán cổ vật lại tìm đến một dòng cổ vật lâu đời nhất có xuất xứ từ miền Trung Việt Nam. Đáng lo là những nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh chưa được dày dặn bao nhiêu, nhưng nay các cổ vật đã trở thành những vật có giá trị thương mại cao sẽ không tránh khỏi thất thoát, gây khó khăn cho những nghiên cứu sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đồ cổ Sa Huỳnh: Vàng đã lộ thiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO