Điện ảnh hỗ trợ phát triển du lịch: Có thể hy vọng?

PHÚC NHƯ THỦY| 09/07/2017 06:59

Hiện có thể hy vọng thông qua hợp tác quốc tế giới thiệu khả năng cung ứng dịch vụ làm phim, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, góp phần phát triển du lịch?

Điện ảnh hỗ trợ phát triển du lịch: Có thể hy vọng?

Từ hiệu ứng của phim Kong: Đảo đầu lâu quay ngoại cảnh ở Việt Nam, hiện có thể hy vọng thông qua hợp tác quốc tế giới thiệu khả năng cung ứng dịch vụ làm phim, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, góp phần phát triển du lịch?

Đọc E-paper

Trước Kong: Đảo đầu lâu, Việt Nam từng là điểm đến của nhiều dự án phim nước ngoài từ những năm 1990 - 2000, như Người tình, Đông Dương, Điện Biên Phủ, Người Mỹ trầm lặng, Mùa len trâu, Nước...

Trong tọa đàm "Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong sản xuất phim, tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam và phát triển du lịch" do Viện Phim Việt Nam tổ chức vào hạ tuần tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Dư - Phó viện trưởng Viện Phim cho biết: "Hoạt động hợp tác điện ảnh đa quốc gia đang là xu thế sản xuất phim hiện nay. Nhà nước cũng đã có chủ trương quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa, điện ảnh và du lịch. Tuy nhiên, chủ trương này chưa được các ban, ngành liên quan triển khai toàn diện và hiệu quả, nên chưa tận dụng được tiếng vang từ các bộ phim để quảng bá hình ảnh Việt Nam".

Trên thực tế, từ xưa đến nay, điện ảnh Việt Nam mới chỉ cung cấp dịch vụ cho đoàn phim nước ngoài chứ không phải là hợp tác, nghĩa là chỉ 1% chứ không phải 50%, ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Phim Giải Phóng nhận định.

Để có thể hợp tác hay cung ứng dịch vụ cho các đoàn làm phim nước ngoài, Việt Nam phải đáp ứng được những điều kiện gì?

Đạo diễn Charlie Nguyễn (phim Dòng máu anh hùng, Em chưa 18) kể rằng, năm ngoái, đoàn phim Ngọa hổ tàng long 2 (kinh phí 60 triệu USD) đã bỏ ý định sang Việt Nam quay hình bởi giá cả tuy thấp nhưng không đáp ứng được các dịch vụ đi kèm, đơn giản như người nấu ăn, xe riêng cho diễn viên...

Cuối cùng họ chọn New Zealand là đất nước dân số ít, nhà nước hỗ trợ làm vài phim/năm với kinh phí từ 0 - 150 ngàn USD/phim, nhưng họ đáp ứng được yêu cầu làm phim trăm triệu USD của nước ngoài. Đoàn phim Ngọa hổ tàng long 2 có 300 người nhưng chỉ có 10 người đến từ Hong Kong, còn lại thuê mướn nhân lực và trang thiết bị tại địa phương.

>>Quảng bá du lịch bằng điện ảnh: Dễ người, khó ta

Muốn thu hút được đoàn làm phim quốc tế với mong muốn thông qua đó quảng bá hình ảnh đất nước và phát triển du lịch, ở các nước có ngành điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, nhà nước đã đứng ra xây dựng phim trường riêng.

Theo đó, khi đến phim trường, các đoàn phim chỉ cần có diễn viên, đạo diễn..., không phải lo về trang phục, đạo cụ. Việc này không chỉ giúp các đoàn làm phim giảm được nhiều chi phí mà sau khi quay xong, hiện trường này còn được sử dụng để quay các bộ phim khác, đồng thời phục vụ cho phát triển du lịch.

"Trong khi đó tại Việt Nam, mỗi đoàn làm phim đều có dự toán riêng. Mỗi khi làm một bộ phim, đoàn làm phim đều phải dựng phim trường mới, sau khi quay xong thì bỏ, đoàn làm phim khác muốn sử dụng phim trường này thì phải đầu tư kinh phí để dựng lại, vừa mất thời gian lại rất tốn kém...", đạo diễn Bùi Đình Thứ cho biết.

Một cái khó nữa cho việc thu hút các đoàn làm phim nước ngoài, theo đạo diễn Việt Linh, là khâu duyệt kịch bản và cấp giấy phép vào Việt Nam quay vẫn còn rất mất thời gian. Từng có không ít dự án phim nước ngoài đã bị "chìm xuồng" vì chờ duyệt quá lâu.

Mấy năm nay, các hãng phim lớn trên thế giới đã thống nhất quan điểm đầu tư mới: các nước muốn được chọn làm bối cảnh quay phim sẽ phải đưa ra những ưu đãi và cam kết đặc biệt của chính phủ về chính sách thuế (Film Production Incentive). Hiện nhiều nước và ngay cả các bang ở Mỹ đều đưa ra chính sách khác nhau để lôi kéo các đoàn phim quốc tế.

Rõ ràng, khi hàng chục triệu USD đổ vào mỗi dự án phim sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đội ngũ làm phim sở tại được học hỏi, rèn luyện và đào tạo miễn phí. Còn khi phim chiếu là cơ hội quảng bá đất nước và phát triển du lịch với hàng triệu du khách đến những nơi dùng làm bối cảnh quay phim.

"Muốn làm việc với các nhà làm phim quốc tế, không chỉ đòi hỏi sự chuyên nghiệp và chuyên môn giỏi nhất của từng con người, ở từng lĩnh vực, mà còn cần phải có cơ chế như hoàn thuế để hấp dẫn họ, hoặc phải tạo điều kiện tốt nhất cho họ. Như New Zealand hoàn thuế cho đoàn phim nước ngoài tới 30%, Malaysia là 40%", Charlie Nguyễn cho biết thêm.

Gần đây chúng ta vẫn nghe nói đến một vài dự án hợp tác làm phim của tư nhân với nước ngoài, hay phim của Việt kiều đầu tư làm ở Việt Nam, nhưng vẫn chủ yếu chiếu lấy doanh thu trong nước, hoặc tham gia một số liên hoan phim quốc tế. Còn dùng phim Việt để quảng bá hình ảnh đất nước và phát triển du lịch thì hiện có từ 40 - 50 bộ phim được công chiếu mỗi năm, nhưng chưa có phim nào được xuất khẩu.

Phim Việt xuất hiện ở các liên hoan phim, hội chợ, tuần lễ phim ở nước ngoài, hay được nhà phát hành nào đó mua thì cũng chiếu co cụm ở một số nước, chứ không phủ đều khắp thế giới.

Thiết nghĩ, muốn hợp tác sản xuất phim quốc tế, phát triển điện ảnh nội địa để quảng bá đất nước và phát triển du lịch thì rất cần có vai trò "đầu tàu" của các đơn vị nhà nước từ tài chính, ngân hàng, điện ảnh, du lịch... trong các chính sách, chiến lược, quy định đối với công tác quản lý.

>>Hollywood giảm sức hút với các nhà làm phim?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điện ảnh hỗ trợ phát triển du lịch: Có thể hy vọng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO