Đạp thanh hội cũ hào hoa...

BÙI VĂN NAM SƠN| 06/06/2009 01:13

Nhất phiến phi hoa giảm khước xuân/Một cánh hoa bay giảm chút xuân… Khi ngày xuân đang nhạt dần theo từng cánh hoa rơi thì mùa lễ hội lại nô nức đến gần...

Đạp thanh hội cũ hào hoa...

Nhất phiến phi hoa giảm khước xuân/Một cánh hoa bay giảm chút xuân… Khi ngày xuân đang nhạt dần theo từng cánh hoa rơi thì mùa lễ hội lại nô nức đến gần: Hội Chùa Hương, Hội Đền Hùng... và còn nhiều nữa những lễ hội dân gian, và, tại sao không, những lễ hội “hiện đại”: đèn lồng, pháo hoa, thơ, sách... Á - Âu có vô vàn chỗ khác biệt trong phong tục tập quán, rõ nhất trong lễ hội, nhưng có lẽ đều cùng chia sẻ với nhau một tâm trạng nô nức, một tâm tình “quê chung”.

 Demokritus, ông tổ của nguyên tử luận, bí hiểm khi bảo: “Chân lý ẩn ở đáy vực sâu” (có lẽ vì thế cần có ông để vớt nó lên!) nhưng cũng rất “trải đời” khi nói: “Đời sống không có hội hè đình đám thì chẳng khác gì một đường dài hun hút không có quán nước nghỉ chân”. Chẳng khác gì một phố không cây: “Phố không cây, ôi buồn biết bao chừng!” (Xuân Diệu).

Một góc lễ hội chùa Hương

Lễ hội không thiết thân như cơm áo, nhưng cần thiết - và quan trọng nữa - như trăng, như hoa. Và ngày nay ta có cả một loạt các môn khoa học về nó! Nào xã hội học về lễ hội, hiện tượng học về lễ hội, lý thuyết về lễ hội... với nhiều cách tiếp cận khác nhau: văn hóa học, phân tâm học, tôn giáo học...

Và tất cả đều đồng thanh xem trọng lễ hội như một trong các “bước ngoặt” của văn minh nhân loại. Người ta dùng một thuật ngữ chuyên môn để đặt tên cho bước ngoặt ấy: “performative turn” (bước ngoặt ngôn hành). Đó là lời tuyên bố khai mạc lễ hội, là câu hô xướng trong nghi lễ lập tức biến thành hành động, sáng tạo nên thực tại, âm vang hình ảnh về sức mạnh phi thường của Ngôi Lời trong Kinh Thánh: “Hãy có ánh sáng! Bèn có ánh sáng...”.

Trong tinh thần ấy, Hegel thậm chí còn so sánh lễ hội với... chân lý bằng một hình ảnh tuyệt đẹp: “Chân lý là lễ hội cuồng nhiệt rước Thần Rượu Bacchus, nơi đó không thành viên nào là không say khướt; và, bởi vì mỗi thành viên tách riêng ra, sẽ tự ngã gục lập tức, nên đám rước cũng đồng thời là sự yên nghỉ trong suốt và đơn giản”. Sự cuồng nhiệt của mỗi thành viên - hiểu như sự phân hóa và tiêu vong tất yếu của từng cá thể riêng lẻ - được hợp nhất và “vượt bỏ” trong sự thanh tịnh đơn giản và trong suốt của lễ hội, của chân lý!

Vậy, lễ hội là gì? Thử đi tìm “định nghĩa” thứ nhất cho cái khó định nghĩa: Trong lễ hội, một cộng đồng thể hiện lòng yêu đời của mình bằng những hình thức hiện tiền. Chán đời thì không thể có lễ hội! Trừ khi trốn chạy đến một hòn đảo thần tiên nào đó như lời kêu gọi của Horaz: “Arwa beata petamus, arva divites et insulas”, hãy đến một đảo thần tiên nơi thời hoàng kim chưa mất, nơi có món bồ câu quay ngon lành tự rơi vào miệng!

Trong lịch sử tư tưởng, không thiếu gì những thử nghiệm như thế. Ít ra là có bốn lần: “Nhà nước cộng hòa lý tưởng” của Platon (427-347 tr. CN); “Utopia” của Thomas Morus (1585); “Nhà nước mặt trời” của Tomaso Campanella (1602); “Nova Atlantis” của Francis Bacon (1624). Cả bốn thử nghiệm đều giống nhau ở một điểm căn bản: tất cả đều được “Nhà nước lý tưởng” điều tiết chặt chẽ đâu vào đấy! Không còn có chỗ cho sự ngẫu nhiên, bất ngờ, tự phát nào hết!

Thi sĩ bị trục xuất, âm nhạc và lễ hội bị hạn chế... Ralf Dahrendorf, nhà xã hội học nổi tiếng, ví các “Nhà nước lý tưởng” ấy với một “cổ máy vĩnh cửu” (Perpetuum immobile). Ở đó, ta có thể có tất cả, ngoại trừ những gì không đơn sắc, đơn điệu, những gì có “hương bay ít nhiều” trong cảnh “ngổn ngang gò đống”. Người ta chắc phải “chán đời” lắm mới nghĩ ra được những điều ghê gớm như thế! Nhưng cũng còn một hòn đảo khác, vui vẻ hơn, xin mời bạn ghé chơi: đó là hòn đảo Scheria mà Odysseus của Homer, trên đường lưu lạc, đã ghé vào.

Một xứ sở tưng bừng lễ hội! Và, từ đây, ta có một định nghĩa thứ hai về lễ hội: để có được sự liên tục trường cửu của văn hóa, ta cần phải gắn thêm vào đó yếu tố bất liên tục của sự “thái quá”. Thái quá, xuất thần là vượt khỏi ranh giới thông thường. Chính việc vượt khỏi ranh giới mới làm lộ rõ ranh giới và xác lập trật tự.

Tuy nhiên, sự thái quá chỉ có được chức năng tác tạo ấy một khi nó được chính đáng hóa nhờ vào một yếu tố “siêu việt” nào đó, để không trở nên hỗn loạn và phá hoại mê muội. Vậy, lễ hội là sự kết hợp cả hai yếu tố: thái quá (excess) và gợi tưởng (memoria). Lễ hội văn hóa đúng nghĩa, qua đó, luôn đòi hỏi và thể hiện một văn hóa về lễ hội.

Nói đến văn hóa lễ hội, ta nhớ đến câu chuyện do Cicero kể về Pythagoras. Khi nhà toán học và triết học lừng danh thời cổ đại này được hỏi về nghề nghiệp, ông đáp: “Chẳng có nghề ngỗng gì hết, vì tôi là... triết gia!” Lại hỏi tiếp: Thế “triết gia” là gì? Ông đáp: “Đời người giống như lễ hội Olympia.

Có người đến đấy để tìm kiếm danh vọng, để được tung hô, có người đến đấy để mua bán kiếm lời, còn tôi đến đấy chẳng muốn chiếm gì riêng cho mình, ngoài việc “chiêm ngưỡng và thức nhận” (contemplatio rerum et cognito). “Chiêm ngưỡng”, “nhìn ngắm” (contemplatio) trong tiếng Latinh đồng nghĩa với theoria (“lý thuyết”) trong tiếng Hy Lạp. Và theoria lại bắt nguồn từ chữ theoros là người đại diện của Thành quốc Hy Lạp cổ đại đến dự lễ hội, hoặc để hỏi ý thần linh qua các sấm ngôn hoặc đơn giản, chỉ để có mặt và cùng tiến hành nghi lễ.

Như thế, theoria không chỉ có nghĩa là hoạt động thuần túy tinh thần, mà là một phương thức hiện hữu thấm đẫm giá trị tinh thần: không bị ràng buộc với một lợi ích nhất định nào cả mà chỉ đơn thuần hòa mình vào lễ hội, vì đối tượng của nó là một cái gì thiêng liêng, thần thánh, hoan hỉ. Chúa Jêsu chẳng đã từng ví “Nước Trời” với một lễ hội, với một đại tiệc mà ai ai cũng có phần bình đẳng: “con-mensa”- cùng ngồi chung một bàn?

Một góc lễ hội Đền Hùng

Như thế, lễ hội không chỉ là ngày... nghỉ lễ. Đối lập với lao động vất vả thường ngày, lễ hội là “lao động tự do”, là một việc làm không quan tâm đến điều gì khác ngoài chính bản thân nó; vì tự nó đã đầy đủ ý nghĩa. Theo nghĩa chặt chẽ, lễ hội không vụ lợi, chẳng “phục vụ” cho cái gì (theo kiểu tổ chức lễ hội cho khách du lịch!), cũng không đòi cái gì “phục vụ” cho nó.

Vui lễ hội là niềm vui chiêm ngưỡng, và, chỉ trong trạng thái sống thực ấy, mọi người (người bản xứ và... khách phương xa) mới có thể trực tiếp gặp gỡ nhau và gặp gỡ một thực tại cao hơn đời sống thường ngày. Lễ hội là một hiện tượng giàu có, phong phú, không phải sự giàu có của tiền bạc mà của cuộc hiện sinh.

Lễ hội đón nhận sức sống từ lòng yêu đời và hướng thiện của người tham dự: con người tạm thời vượt ra khỏi ngục tù thời gian của kiếp nhân sinh hữu hạn, để:... “cho một lần vĩnh viễn gặp hư không”. Chỉ “tạm thời” thôi, vì lễ hội là ngoại lệ, vì sẽ không có lễ hội nếu không có đời sống hiện thực với tám giờ lao động mỗi ngày!

Nếu cuộc sống nhọc nhằn, trần tục là mảnh đất để phát sinh và nuôi dưỡng lễ hội thì làm sao có thể xem nhẹ điều kiện vật chất, thậm chí khả năng mang lại lợi ích vật chất rất lớn, như là giá đỡ cho lễ hội? Chỉ xin đừng quên: giá đỡ chứ không phải... sân khấu! Nó cần được tiến hành tế nhị, khéo léo, giống như ta không thể vô ý để lộ... hóa đơn đi chợ khi mời khách đến nhà.

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh. “Tảo mộ” là siêu linh, “đạp thanh” là yến oanh nô nức, chứ không phải... giẫm đạp lên tất cả. Xin giữ cho lễ hội mãi mãi là lễ hội và chỉ là lễ hội. Để ngày mai, ngày kia, khi lớn lên, khi già đi, vẫn còn đó những “đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ”. Hoặc phải luyến tiếc:
Đạp thanh hội cũ hào hoa
Giấc vàng buổi Tảo mộ đà cáo chung
Buồn thế sao? Dại thế sao?

Nguyên tiêu Kỷ Sửu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đạp thanh hội cũ hào hoa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO