"Cơn sốt" văn chương thần tượng

KHÁNH NGUYỄN| 17/12/2016 06:48

Giống như ở lĩnh vực phim ảnh và âm nhạc có diễn viên thần tượng, ca sĩ thần tượng, văn học cũng có những tác giả trẻ được độc giả "tung hô" như một ngôi sao showbiz.

Giống như ở lĩnh vực phim ảnh và âm nhạc có diễn viên thần tượng, ca sĩ thần tượng, văn học cũng có những tác giả trẻ được độc giả "tung hô” như một ngôi sao showbiz.

Đọc E-paper

Khái niệm "văn chương thần tượng" đã không còn xa lạ với giới trẻ hiện nay. Khởi nguồn từ văn học mạng thuộc về các cây viết trẻ, rồi là "văn học thần tượng" với những tác giả có số lượng sách in lên tới hàng vạn cuốn, thuộc mọi thể loại, từ thơ, văn xuôi, truyện ngắn đến tiểu thuyết, tản văn, dịch thuật,... thu hút số đông độc giả trẻ và chiếm nhiều "mặt bằng" trong các nhà sách.

Trong đó, Anh Khang làm nên hiện tượng sách in ra chưa kịp phát hành đã phải in bổ sung, với Buồn làm sao buông đứng đầu danh sách 10 tác phẩm bán chạy nhất tại Hội sách TP.HCM 2014, hay Thương mấy cũng là người dưng xếp thứ 2 trong 10 tác phẩm bán chạy nhất tại Hội sách TP.HCM 2016 với lượng phát hành lần đầu là 30 ngàn bản.

"Cơn sốt" văn chương thần tượng

Điều gì đã giúp "văn chương thần tượng" làm nên "cơn sốt" lớn đến vậy? Có lẽ do các tác giả đều là những người trẻ, họ đang có những trải nghiệm của người trẻ, đang mang những nỗi lo, nỗi đau của người trẻ.

Và điểm chung của dòng văn chương này là những tác phẩm viết về tình yêu, về những cung bậc tình cảm, về sự thất bại trong yêu đương, đau khổ, vui buồn, những xáo trộn của đời sống tình cảm xảy ra trong không gian sống gần gũi, quen thuộc khiến bạn đọc luôn thấy thấp thoáng bóng dáng mình trong đó.

Thế nhưng, cũng có khá nhiều ý kiến trái chiều về dòng văn chương này. Chẳng hạn, trong tham luận gửi tới Hội nghị Người viết văn trẻ 2016, nhà văn Văn Thành Lê viết:

"...Có một số người viết trẻ đang hồ hởi và lầm tưởng khi xem thứ văn - ăn - nhanh của mình là văn học. Đâu đó hình thành thứ công thức để thành tác giả của giới trẻ, tác giả "best-seller", đó là: ngôn tình Trung Quốc pha sướt mướt phim Hàn trộn với lê thê phim bộ Đài Loan, đi kèm các buổi giới thiệu sách bóng bẩy như showbiz... Dẫu nhìn ở góc độ phát triển, đấy là tự nhiên, là cần thiết, văn đàn sẽ đa dạng và phong phú hơn, nhưng rõ ràng, lấy điều này để đo "sức khỏe" của văn học trẻ là lệch lạc và thiếu thuyết phục".

Còn một độc giả gửi thư về diễn đàn The Book Talk 2,0 #4 viết:

"Người trẻ ở độ tuổi đang trưởng thành rất mong manh, họ hay buồn, có thể gặp khủng hoảng, và đôi khi cách để họ thoát ra là tìm người đồng cảm sẻ chia - là đọc. Nhưng cái đọc của họ bước đầu chỉ đơn giản là đọc để được thấu hiểu, còn đọc để giúp họ thoát ra, tôi thấy đa số tản văn của nhà văn trẻ hiện tại còn hời hợt để có thể làm điều đó. Vì vậy mà có thể người đọc hoài những văn chương sầu bi ấy sẽ ngày càng lún sâu vào nỗi buồn của mình, một nỗi buồn rất đỗi tiêu cực".

Thần tượng tác phẩm hay tác giả

Trong chương trình The Book Talk 2,0 #4 - Văn chương thần tượng do Nhà sách Nhã Nam tổ chức đầu tháng 12 vừa rồi, các diễn giả đã tạm thống nhất về hai chiều tồn tại của văn chương thần tượng: có thể từ yêu thích tác phẩm dẫn đến thần tượng tác giả; và từ chỗ thần tượng tác giả khiến cho mọi tác phẩm họ viết ra đều được yêu thích.

Văn chương thần tượng của các tên tuổi như Anh Khang, Iris Cao, Hamlet Trương, Jun Phạm... có vẻ nghiêng về trường hợp thứ hai.

Theo TS. Quách Thu Nguyệt - cựu Tổng biên tập kiêm Giám đốc NXB Trẻ, con đường trở thành thần tượng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ những năm 1980 khi khởi động tủ sách Áo Trắng tại TP.HCM đến lúc in 23 tác phẩm thì tên tuổi mới được xem là tác giả sách "best-seller". Khoảng thời gian để Nguyễn Nhật Ánh trở thành thần tượng của bạn đọc dài hơn, cũng bởi bối cảnh xã hội ở hai thời kỳ khác nhau.

"Các bạn viết trẻ bây giờ có cơ hội xuất hiện trước công chúng nhiều hơn, gặp gỡ bạn đọc nhiều hơn, nên con đường trở thành thần tượng cũng có thể nhanh hơn", TS. Quách Thu Nguyệt nhận định.

>>Người trẻ và những chấn thương tâm lý hiện đại

Với sự bùng nổ của internet và các trang mạng xã hội, các cây viết trẻ dễ dàng tiếp cận và đưa tác phẩm đến với công chúng. Việc chịu khó PR bản thân, sự đa năng và nhiều tài lẻ của một số cây bút cùng với các hoạt động giao lưu, ký tặng sách cũng góp phần thu hút độc giả trẻ.

Chẳng hạn, Hamlet Trương hoạt động ở nhiều lĩnh vực: ca sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, MC nên các tác phẩm Yêu đi rồi khóc, Thương nhau để đó, Thời gian để yêu... sở hữu lượng độc giả rất cao; Iris Cao học ngành truyền thông - quảng cáo ở Singapore; Anh Khang làm phóng viên, nhân viên truyền thông, marketing.

Tuy nhiên, nếu các cuộc giao lưu tác giả - tác phẩm thông thường là dịp để bạn đọc kết nối với nhà văn, được nghe chia sẻ về chiều sâu tác phẩm, những giá trị văn chương, thì những cuộc giao lưu của nhiều cây bút trẻ "ăn khách" bây giờ thường mang tính chất vui là chính. Bởi họ chủ yếu trao đổi về thói quen, quan điểm yêu đương xung quanh những cảm xúc trong các tác phẩm của họ, chứ thông điệp về văn chương để lại rất ít. 

Dành thiện cảm cho thế hệ người viết mới, nhưng TS. Quách Thu Nguyệt cho rằng, trong văn chương cần xem xét khả năng theo đuổi đường dài: "Viết về những nội dung được số đông chấp nhận là một chuyện. Vấn đề còn là các đề tài, tầm tư tưởng trong văn chương và khả năng khai thác vốn liếng của mình, của cộng đồng như thế nào để gắn bó với sự nghiệp văn chương lâu dài". 

>>Phim Việt: Lương duyên giữa văn học và điện ảnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Cơn sốt" văn chương thần tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO