Cơ hội nào cho điện ảnh Việt vươn ra thế giới?

HOÀNG LINH LAN| 22/01/2016 07:00

Làm gì để viết tiếp ước mơ đưa phim Việt ra thế giới?

Cơ hội nào cho điện ảnh Việt vươn ra thế giới?

Sự gia tăng về số lượng và cả chất lượng của điện ảnh Việt trong thời gian gần đây đã làm trỗi dậy hy vọng của nhiều nhà sản xuất, họ muốn đưa phim Việt tiếp cận thị trường thế giới bằng con đường thương mại. Vấn đề được nhiều người quan tâm là tiếp cận và quảng bá như thế nào để phim được xuất ngoại?

Đọc E-paper

Điện ảnh Việt, kể từ lúc các nhà sản xuất tư nhân nhảy vào thị trường, không phải là không có những bộ phim được trình chiếu thương mại tại thị trường nước ngoài, có thể kể đến: Dòng máu anh hùng, Lửa Phật, Hot boy nổi loạn, Cánh đồng bất tận... Doanh thu ít hay nhiều tùy mỗi phim, nhưng giấc mơ xuất ngoại chưa bao giờ lụi tàn.

Một điều không thể phủ nhận, trong giai đoạn khởi đầu ấy, có không ít nhà sản xuất mang tâm lý bỏ tiền ra sản xuất phim để đi trình chiếu ở nước ngoài, tại các liên hoan phim (LHP) nhằm tạo tiếng vang rồi mới quay về quảng bá ở thị trường trong nước. Giờ đây, thành công về mặt doanh thu của hàng loạt cái tên ở dòng phim giải trí như: Trúng số, Chàng trai năm ấy, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh... tại thị trường nội địa có giá trị củng cố niềm tin từ cả hai phía: Khán giả tin vào chất lượng, nhà làm phim an tâm về sức mạnh của thị trường trong nước. Giấc mơ chinh phục thị trường nước ngoài lại trỗi dậy.

>>Phim Việt nhiều phần: Mừng hay lo?

Có rất nhiều vấn đề, từ vĩ mô đến vi mô, trong việc đưa một bộ phim ra thị trường nước ngoài bằng con đường thương mại, như cơ chế, kiểm duyệt... cho đến cách sản xuất đúng theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, huân tước, đạo diễn Lord Puttnam trong buổi hội thảo "Cơ hội nào cho điện ảnh Việt ra thế giới?" khẳng định, nhà làm phim trước nhất phải chú trọng đến câu chuyện của anh ta.

"Hãy kể cho khán giả nghe một câu chuyện của chính bạn và làm bạn xúc động, muốn chia sẻ. Hãy tự hỏi câu chuyện bạn định kể, liệu xã hội có chấp nhận? Đừng vì kiểm duyệt mà hủy hoại tài năng. Cũng đừng vì cái đích ra thế giới bằng được mà phóng đại hay bóp méo câu chuyện". Nghĩa là câu chuyện ấy phải có bản sắc riêng và trước khi chinh phục khán giả quốc tế, nhà làm phim phải chinh phục được khán giả trong nước. Khán giả phải yêu câu chuyện, yêu bộ phim của họ, họ phải tìm tòi cách biểu đạt để người xem chấp nhận, sẻ chia và đồng cảm.

Đây cũng chính là điểm yếu của đa phần phim Việt chiếu rạp hiện nay. Không ít nhà làm phim mải mê chiều chuộng thị hiếu của khán giả mà bỏ quên câu chuyện của họ. Hoặc quá tô hồng hiện thực mà xa rời những vấn đề đại chúng, xa rời hơi thở của cuộc sống. Cú áp đảo doanh thu phòng vé của Em là bà nội của anh so với "bom tấn" Star War, dù bộ phim đã phá vỡ mọi kỷ lục được thiết lập bởi hàng loạt siêu phẩm trước đó, đã minh chứng rất rõ một bộ phim Việt phải gần gũi với người Việt, mang đậm không gian, đời sống đặc trưng của người Việt.

>>Em là bà nội của anh - Hòa quyện và thuần Việt 

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ 19, hướng cái nhìn sang thị trường điện ảnh Hàn Quốc và chỉ rõ ưu điểm: "Sở dĩ phim Hàn thành công là vì họ đã vay mượn công thức từ Hollywood nhưng họ biết cách chế biến nó thành những món Hàn. Vị thế của phim Hàn không nằm ở kỹ thuật mà ở chính câu chuyện của dân tộc họ, điều này Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi".

Ông Michael Werner, Chủ tịch Hãng Fortissimo Films (Hồng Kông - Trung Quốc), công ty phát hành Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tại thị trường quốc tế, tin tưởng điện ảnh Việt có nhiều ý tưởng để sản xuất các bộ phim chất lượng nếu làm trong khả năng cho phép và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. "Khi các bạn đã có những bộ phim tốt, cơ hội bán được ra thị trường quốc tế hoàn toàn rộng mở", ông nhấn mạnh.

Một con đường khác tiếp thị phim ảnh hiệu quả, được nhiều người làm công tác điện ảnh chỉ rõ, đó là tham gia LHP. Đạo diễn Lord Puttnam nhấn mạnh, khi nhà làm phim đã có sản phẩm cảm thấy đủ tự tin, hãy mạnh dạn mang đến các LHP để giới thiệu, quảng bá. Ông cũng chỉ rõ, trên thế giới nói chung và tại châu Á nói riêng, hằng năm có rất nhiều LHP được tổ chức, với những tiêu chí khác nhau, song nói chung đều là nơi để các nhà làm phim tề tựu, giao lưu và có cả mục đích thương mại.

Như nhiều nền điện ảnh trên thế giới, điện ảnh Việt hiện cũng đứng trước sự phân hóa giữa dòng phim nghệ thuật và phim thị trường. Trong giai đoạn sôi động của điện ảnh Việt hiện nay, vấn đề này càng đáng lưu tâm. Đạo diễn Puttnam khẳng định: "Cốt lõi nằm ở sự tự tin vào tác phẩm, vào nền điện ảnh của chính các bạn. Chỉ cần các bạn làm thật tốt trong 3 năm đầu khi tham gia các LHP, cái nhìn của ban tổ chức sẽ thay đổi. Rất nhiều LHP mong muốn có những bộ phim sáng tạo, mới mẻ, đầy bản sắc. Và đến lúc ấy, tôi nghĩ, con đường sẽ ở ngay trước mặt, không chỉ với cá nhân bạn mà còn với nhiều nhà làm phim đi sau nữa".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội nào cho điện ảnh Việt vươn ra thế giới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO