Cannes 69: Người cười nụ, kẻ khóc thầm

MINH ĐỨC| 19/04/2016 01:19

Đôi khi Cannes chỉ là cuộc dạo chơi của những nhà làm phim lớn, uy tín và kỳ cựu.

Cannes 69: Người cười nụ, kẻ khóc thầm

Từ lâu, Liên hoan phim (LHP) Cannes đã trở thành tâm điểm của giới mộ điệu, từ người hâm mộ ở khắp nơi trên thế giới đổ về đến cả bà chủ nhà hàng - khách sạn ven biển ngóng chờ khách du lịch tá túc suốt 10 ngày diễn ra LHP. Thế nhưng, đôi khi Cannes chỉ là cuộc dạo chơi của những nhà làm phim lớn, uy tín và kỳ cựu.

Đọc E-paper

Cuộc chơi tài chính

Giữa Thierry Frémaux, Giám đốc LHP, và các nhà phê bình ở Cannes luôn xảy ra xung đột trên các phương tiện truyền thông. Kẻ muốn biến Cannes (thật ra là đã biến) thành một lễ hội điện ảnh hào nhoáng, mang tiền về cho miền Nam nước Pháp, người muốn Cannes giữ mãi tâm hồn trong trắng với phim ảnh - là đất thánh của các bộ phim nghệ thuật thực sự. Gần một thập niên qua, Thierry ưu ái các ngôi sao hàng đầu Hollywood mặc cho chất lượng nội dung phim của họ (dù có tranh giải hay không) đều rất kém.

Đơn cử như Grace of Monaco có Nicole Kidman thủ vai chính, hay Cosmopolis, Only God forgives có các tài tử tóc vàng điển trai như Robert Pattison, Ryan Gosling đóng... doanh thu đều không vượt quá 100 triệu USD. Tuy nhiên, chẳng quan tâm tới điều đó, ông chỉ biết khi cuốn cẩm nang giới thiệu mỗi kỳ LHP phát hành, những cái tên kể trên sẽ thu hút không ít người hâm mộ, cánh phóng viên báo chí và cả các nhãn hàng đắt đỏ mà những cái tên đó đang làm đại sứ thương hiệu... Chỉ cần có thế, Cannes mới rực rỡ không kém đêm hội Oscar!

Điểm lại hầu hết các phim mà những chuyên gia uy tín nhất chê "dở nhất lịch sử Cannes", thấy đa số đều là phim của Mỹ! Từ The Brown Bunny năm 2003 đến The Paperboy, The Sea of Trees năm 2012... Tất nhiên, Ban Giám tuyển của Cannes (trong đó Thierry Frémaux nắm vai trò quyết định) không đủ thời gian để xem hết các phim tranh giải.

Quan trọng hơn là khi công bố danh sách đề cử (thông thường vào trung tuần tháng 4, trước một tháng khai mạc LHP), các vị này còn chưa kịp xem hoặc cùng lắm chỉ xem bản dựng thô, do có một số trường hợp phim đang trong giai đoạn hậu kỳ nhưng vẫn phải gửi đi để kịp đến Cannes.

Thế nên, danh sách đề cử Cành cọ vàng hằng năm không nằm ở chất lượng phim mà lệ thuộc vào... các mối quan hệ, tên tuổi ngôi sao trong phim, hoặc hiệu ứng đám đông trước ngày phim ra mắt. Năm nay, mọi thứ chẳng có gì thay đổi!

Thất bại là... bạn của thất bại!

Nếu bạn từng tranh giải ở Cannes mà trượt hoặc phim của bạn bất ngờ bị làm ngơ, thì cơ hội để bạn trở lại trường đua lần sau dường như vô cùng hiếm. Các đạo diễn châu Á là đối tượng bị Cannes "ruồng rẫy" rõ nhất, mặc cho với báo chí phương Tây thì Cannes luôn là nơi ưu ái các dòng phim nhỏ bé không thuộc phạm vi nước Mỹ hoặc châu Âu.

Đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Koreeda từng là "chàng thơ” ở Cannes sau một vài phim có cấu tứ thiền rất được ưa thích (và đoạt giải) Nobody knows hay Like father like son... năm nay bất ngờ bị xếp vào mục "Un Certain Regard", vốn là hạng mục khá đặc biệt dành cho các nhà làm phim trẻ, có tiếng nói riêng, với After the storm. Nguyên nhân đến từ tác phẩm từng rất được trông chờ Our little sister của ông cũng tham gia tranh giải vào năm ngoái nhưng lại nhận phản ứng khá hững hờ của người hâm mộ.

Câu chuyện của nhà làm phim người Thái Apichatpong Weerasethakul còn bi hài hơn! Năm 2010, Uncle Boonmee who can recall his past lives của anh bất ngờ đoạt giải Cành cọ vàng - một cú hích kỳ lạ khiến truyền thông dậy sóng, vì năm đó người ta đoán phim khác đoạt giải và các nhà phê bình thì một nửa ủng hộ Tim Burton (Chủ tịch Ban giám khảo năm đó), một nửa bảo rằng Cannes năm đó... buồn ngủ!

Thế là 5 năm sau, Apichatpong Weerasethakul mang đến phim mới Cemetery of Splendour và bị xếp vào mục "Un Certain Regard". Nói thế không có nghĩa Cannes xử ép điện ảnh châu Á, vì năm nay chúng ta vẫn hy vọng vào The Handmaid của Park Chan-wook (Hàn Quốc).

Trái ngược với các đạo diễn gốc Á chịu nhiều thua thiệt, nhà làm phim châu Âu luôn "ăn may". Ken Loach, người đang giữ kỷ lục đoạt 13 giải thưởng ở Cannes, vẫn có hy vọng năm nay mang về Cành cọ vàng thứ hai với I, Daniel Blake, bất chấp phim của ông từ công chúng đến giới bình phim đa số đều đánh giá chỉ ở mức trung bình! Tương tự là Pedro Almodovar của Tây Ban Nha sau một loạt phim đuối sức lại được mời tranh giải trở lại với Julieta vẫn xoay quanh chuyện gia đình, phụ nữ.

Các nhà làm phim nói tiếng Anh (dù theo hướng độc lập) khá được ưu ái bất kể phim trước của họ (cũng thi Cannes) bị chê thậm tệ. Ví dụ, Nicolas Winding Refn sẽ quay trở lại với The Neon Demon, nhờ hai diễn viên Hollywood nổi tiếng là Elle Fanning và Keanu Reeves; hay nữ đạo diễn người Anh Andrea Arnold tiếp tục tranh giải với American Honey ngập tràn cảnh nóng sau một Wuthering Heights chán ngắt mấy năm trước.

Như đã nói, Thierry Frémaux sẵn sàng lôi kéo các sao Hollywood hội tụ ở Cannes để làm vừa lòng những nhãn hàng thời trang cao cấp. Hãy nhìn vào bộ phim Personal Shopper của đạo diễn Pháp Olivier Assayas. Nếu không phải là ngôi sao Kristen Stewart - gương mặt quảng cáo Chanel, thì dễ gì phim của ông được chọn năm nay. Không ai biết The Last Face của tài tử gạo cội Sean Penn thế nào, Charlize Theron đang phủ độ nóng với loạt "bom tấn" và là người mẫu đại diện nước hoa Dior, Cannes không thể bỏ qua con mồi hút truyền thông mạnh như thế.

Sau cùng, dù Cannes lần thứ 69 - một con số đẹp, một cột mốc đáng nhớ trước thềm kỷ niệm lần thứ 70, có bình ổn chất lượng các phim tham gia hay không, thì nó vẫn sẽ tiếp tục áp đảo những Berlin, Venice về độ lộng lẫy và... tai tiếng. Tuy thị trường hóa theo cấp độ tăng dần, LHP Cannes sẽ mãi là tấm thảm nhung đỏ dài hàng chục mét ở Đại lộ Croisette mà bất kỳ tín đồ điện ảnh nào cũng mong một lần đặt chân đến.

>Đạo diễn Đức Thịnh: Áp lực làm phim "không được lỗ"

>Steven Spielberg làm phim lịch sử về Chiến tranh lạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cannes 69: Người cười nụ, kẻ khóc thầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO