Bổ sung 3 di sản văn hóa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Minh Huy| 16/05/2023 09:21

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định đưa thêm 3 di sản văn hóa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Bổ sung 3 di sản văn hóa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Mo Mường là những nghi lễ dân gian có tính thiêng của người Mường

Các di sản vừa được bổ sung đó là Mo Mường của các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, Phù Yên (Sơn La); nghề dệt choàng (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) và nghề làm bánh chưng bánh dày tại huyện Tam Nông, huyện Cẩm Khê, thành phố Việt Trì, Phú Thọ.

Mo Mường là những nghi lễ dân gian có tính thiêng được sử dụng trong tang lễ hay nghi lễ cầu mạnh khỏe của người Mường. Đây là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, giàu giá trị nhân văn gắn liền đời sống tinh thần người dân xứ Mường bao đời nay.

Hiện nay, Mo Mường đang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Ninh Bình, Đắk Lắk xây dựng hồ sơ quốc gia di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tiếp theo là làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp). Làng nghề đến nay đã gần 100 năm tuổi, nổi tiếng với các sản phẩm áo bà ba, khăn rằn. Ngày nay, làng nghề có gần 60 hộ theo nghề dệt khăn choàng truyền thống, sản xuất thêm nhiều loại sản phẩm mới như áo dài, túi đựng đồ... đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài địa phương.

-4821-1684203665.jpg

Sản phẩm của làng nghề dệt choàng Long Khánh A

Làng nghề dệt choàng hoạt động quanh năm, nhưng vào khoảng từ giáp Tết Nguyên đán đến tháng 4 âm lịch là mùa làm ăn nhộn nhịp nhất của các hộ dân nơi đây. Đặt chân đến làng nghề dệt choàng Long Khánh A âm thanh những máy dệt choàng, se chỉ vang lên liên hồi. Trung bình, một khung dệt máy, người lao động có thể dệt được khoảng 50 -60 sản phẩm khăn choàng/ngày.

Bằng việc cơ giới hóa, sản phẩm làm ra tăng hơn trước gấp ba lần so với phương pháp dệt thủ công. Với gần gần 60 hộ sản xuất, trung bình mỗi năm, làng nghề cung ứng ra thị trường các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và Campuchia… hàng triệu chiếc khăn các loại.

Ngày nay, làng nghề dệt choàng Long Khánh A không chỉ phát triển nghề dệt mà còn phát triển du lịch. Đây là điểm tham quan trải nghiệm du lịch làng nghề truyền thống độc đáo cho du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, tại các điểm tham quan còn trưng bày những chiếc máy dệt thủ công trước đây để giới thiệu cho du khách. Thú vị nhất là trải nghiệm trở thành người thợ dệt khăn, tự mình làm ra những chiếc khăn rằn với chiếc máy dệt thủ công dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của người dân địa phương. Bên trong cơ sở còn có những kệ hàng trưng bày những chiếc khăn choàng sau khi dệt xong để cho du khách có thể mua làm quà lưu niệm hay quà tặng cho chuyến tham quan của mình.

Nghề làm bánh chưng bánh dày gắn liền với truyền thuyết Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ. Bánh chưng, bánh dày là loại bánh tượng trưng cho “trời tròn - đất vuông” gắn với tục thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt.

-5271-1684203665.jpg

Bánh chưng bánh dày gắn liền với truyền thuyết Hùng Vương và lễ hội đền Hùng ở Phú Thọ

Hai loại bánh này được gắn với câu chuyện huyền sử về lòng hiếu thảo của hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương dựng nước. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh chưng, bánh dày vẫn được dân tộc Việt Nam gìn giữ vẹn nguyên về hình dáng, hương vị và được dâng lên thờ cúng tổ tiên.

Không gian văn hóa của tục làm bánh chưng, bánh dày ở Phú Thọ trải dài từ nơi bánh chưng, bánh dày được sinh ra là Dữu Lâu đến Hùng Lô, làng Mộ Chu Hạ (nay thuộc thành phố Việt Trì), làng Trúc Phê (nay thuộc thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, Phú Thọ) và các vùng khác. Bánh chưng, bánh dày được người Việt ở muôn phương làm nhưng ở Phú Thọ tục làm bánh chưng, bánh dày trở thành truyền thống văn hóa, phong tục tập quán không thể thiếu trong các ngày lễ tết, trở thành lễ hội truyền thống, nghi thức riêng biệt mà không nơi nào có được.

Từ các cuộc thi trong lễ hội làm lễ vật dâng các vị vua Hùng, dâng Mẫu, dâng các vị thần…bánh chưng, bánh dày được cộng đồng người dân ở Phú Thọ nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung gìn giữ bảo tồn và lan tỏa, phát triển thành nghề truyền thống.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp, con cháu Lạc Hồng tuyển chọn những đội tranh tài trong hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày tại Lễ hội Đền Hùng hằng năm. Đội giành giải nhất sẽ được vinh dự thay mặt nhân dân cả nước dâng những chiếc bánh thảo thơm lên các vua Hùng vào giỗ Tổ Hùng Vương. Hằng năm, tại Lễ hội Đền Hùng, hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày luôn được tổ chức, vừa để lưu truyền lại những giá trị lịch sử, vừa để bảo tồn và giữ gìn nghề truyền thống về một món ăn gắn liền với đặc trưng văn hóa Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bổ sung 3 di sản văn hóa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO