Diễn đàn

Đôi điều về tượng đài doanh nhân

Phan Thế Hải (*) 17/03/2024 18:11

Doanh nhân Việt có lịch sử lâu đời nhưng chỉ mới được thừa nhận cách đây chưa lâu. Qua mấy ngàn năm lịch sử của xã hội phong kiến, doanh nhân là thành phần xếp thứ hạng cuối cùng trong bốn thành phần cơ bản của xã hội: Sĩ; Nông; Công; Thương.

Thực ra thì từ doanh nhân là cách gọi hiện đại còn xưa kia, những người Á Đông vẫn quen gọi là “Thương nhân” (商人) vì nền văn minh thương mại ở Trung Quốc cổ đại bắt đầu từ thời nhà Thương (商朝; 1847 TCN - 1760 TCN). Thương mại nảy sinh dựa trên sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp, kéo theo đó là nền văn minh hàng hóa, thúc đẩy phân công lao động xã hội, thoát khỏi nền kinh tế tự cấp tự túc, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của nền văn minh nhân loại.

Qua hơn ba ngàn năm của xã hội phong kiến, thương nhân vẫn là nghề bị phân biệt đối xử, thậm chí có lúc bị đàn áp, ấy cũng là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế phong kiến không phát triển được.

Với Việt Nam, ngày 13/10/1945, sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam. Trong thư, Người viết: "Hiện nay, Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng.”

Tư tưởng của người lập quốc là vậy nhưng rồi trong những năm tháng chiến tranh, tiếp theo đó là thời kỳ thống trị của kinh tế kế hoạch hóa tập trung, doanh nhân vẫn là tầng lớp bị miệt thị. Thế nên mới có câu: “Đi buôn nói ngay không bằng đi cày nói dối”. Để rồi khi đất nước mở cửa, thừa nhận nền kinh tế thị trường, vai trò của doanh nhân ngày càng được sáng tỏ để rồi, đến năm 2004 Thủ tướng Chính phủ hồi đó là ông Phan Văn Khải mới ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm trở thành Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Hơn 20 năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, càng ngày doanh nhân càng khẳng định được vị trí tiên phong của mình trên mặt trận xóa đói giảm nghèo. Doanh nhân là người đầu tư tổ chức sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, làm ra sản phẩm cho xã hội. Doanh nhân cũng là tầng lớp tạo ra các kênh phân phối hàng hóa, đưa hàng hóa từ VN bán ra nước ngoài và ngược lại. Cũng nhờ thế doanh nhân là tầng lớp đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhiều nhất, làm công tác từ thiện nhiều nhất…

Đây là lúc mà chúng ta cần phải có hình thức tôn vinh doanh nhân một cách đặc sắc và văn hóa hơn. Tượng đài doanh nhân là biểu trưng đánh dấu các sự kiện văn hóa, lịch sử, tôn vinh một tầng lớp có công với quê hương đất nước. Tượng đài doanh nhân không phải là tượng một cá nhân nào đó mà là tượng đài của một nghề nghiệp, của một tầng lớp đang hoạt động trên thương trường, tượng đài chính là công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng có thể truyền cảm hứng cho công chúng, đặc biệt là các lớp trẻ đang loay hoay xác định đâu là tương lai của mình.

Thương nhân, doanh nhân là nghề có lịch sử phức tạp, có thân phận bi hùng và phải thường xuyên đối mặt với sóng gió. Trong công cuộc “đốt lò” có không ít doanh nhân bị gọi tên, âu cũng là lẽ thường tình với một quốc gia có lịch sử doanh nhân non trẻ. Sự vấp váp của họ trên thương trường để rồi vướng vào lao lý cũng là một phần của đời sống doanh nhân.

Tượng đài doanh nhân cần phải thể hiện được vai trò tiên phong của doanh nhân nhưng đồng thời cũng phải cho thấy những lam lũ và cạm bẫy mà họ thường xuyên phải đối mặt trên thương trường.

(*) Chuyên gia kinh tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đôi điều về tượng đài doanh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO