Dĩ nhiên tôi biết anh rành truyện Tàu, am hiểu lịch sử, văn học Trung Quốc. Nhưng văn hóa, lịch sử Việt Nam dường như cũng đã trở thành một phần máu thịt của anh. Anh yêu đất nước Việt Nam. Tôi cũng vừa biết thêm một chi tiết là vào năm 1983, giữa lúc Việt Nam đang trong khủng hoảng kinh tế và gặp muôn vàn khó khăn khác, một người thân đã bảo đảm để gia đình anh đi định cư ở Mỹ nhưng anh quyết định ở lại, quyết gắn bó với quê hương mà anh sinh ra và lớn lên. Và đóng góp của anh sau đó vào việc phát triển TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung thật là to lớn.
Phan Chánh Dưỡng là mẫu mực của một người hàn vi từ nhỏ nhưng nhờ thông minh, ham học và ý chí vượt khó mà đã thành tài, trở thành bậc trí thức hữu ích cho xã hội. Thật ra, trong xã hội Việt Nam không thiếu những người như vậy. Nhưng đọc những trang anh viết về quá trình vượt qua khó khăn thời trẻ, tôi thật sự thán phục óc sáng tạo, khả năng phân tích tình huống và con mắt nhìn thấu bản chất sự vật của anh.
Từ công việc đi buôn ở quê Cà Mau thuở thiếu thời đến việc làm bồi bàn nhà hàng ở Sài Gòn lúc học trung học, hay trong công việc giúp chỉnh lý giấy tờ, hồ sơ cho Mặt trận Tổ quốc một quận ở TP.HCM để chuẩn bị bầu cử dân biểu Quốc hội năm 1976, anh đều phát huy tính sáng tạo nên việc nào cũng thành công.
Ấn tượng nhất là anh áp dụng phương châm để mọi người xung quanh đánh giá mình, thấy giá trị sự hiện hữu của mình, mình phải làm mọi việc có ích đối với họ. Và với óc sáng tạo, phân tích tình huống và nỗ lực thực hiện, anh đã thành công. Ngay từ nhỏ anh đã thấm nhuần đạo lý, thái độ sống của người quân tử Đông phương, nhất là trọng chữ tín. Tác phong, thái độ này phản ảnh trong mọi hành động từ việc nhỏ đến việc lớn.
Hồi học đại học, anh Dưỡng chuyên về vật lý, nhưng đóng góp lớn nhất của anh cho xã hội là lĩnh vực kinh tế. Trong hồi ký, anh kể mình học kinh tế từ Nhóm Thứ Sáu - gồm những chuyên viên về ngân hàng, quản lý, luật... thời trước 1975 đến với nhau, tự nguyện tham gia một số đề tài tư vấn cho lãnh đạo TP.HCM và sau đó là cho Chính phủ. Cụ thể là việc thảo luận, bàn cãi trong nhóm về 4 chuyên đề phát triển thành phố, mà đối với anh tương đương với 4 năm học đại học khoa kinh tế. Ít có ai dùng kiến thức kinh tế tích lũy trong thời gian ngắn mà biến cải được xã hội như anh.
Về với Cholimex - công ty cổ phần đầu tiên của Việt Nam, anh kết nối với thương nhân bên ngoài trong thời kỳ Việt Nam còn bị cấm vận; anh có vai trò chủ yếu trong việc xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu công nghiệp Hiệp Phước... đều là những công trình chưa có tiền lệ ở Việt Nam.
Nguyên nghĩa của kinh tế học theo triết lý phương Đông là kinh bang tế thế. Anh Dưỡng học kinh tế vừa đủ để làm việc lớn và đã thực hiện đúng như lý tưởng của ngành học này. Tầm nhìn đại cục của Phan Chánh Dưỡng làm tôi liên tưởng đến Nguyễn Công Trứ - một kẻ sĩ lý tưởng với “Chí những toan xẻ núi lấp sông/Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ”, “ra tài lương đống”, mở mang bờ cõi trong đó có sự nghiệp khai khẩn đất hoang ở miền duyên hải, lập nên các huyện Tiền Hải, Kim Sơn ở Ninh Bình đầu thế kỷ XIX.
Kỷ niệm cá nhân của tôi với anh Dưỡng thì rất nhiều. Chỉ kể một chuyện. Trong một buổi họp của Tổ Tư vấn cải cách kinh tế và hành chánh thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, anh Dưỡng có một phát biểu mà tôi vẫn còn nhớ. Anh bảo (đại khái): “Đảng Cộng sản đang độc quyền lãnh đạo đất nước, nhưng phải có cạnh tranh mới tiến bộ. Chẳng hạn, khi chọn thủ tướng nên đưa ra 2-3 ứng cử viên để dân bầu, mỗi người công bố chiến lược, chính sách phát triển đất nước và đưa ra danh sách nội các nếu được thắng cử”. Ý tưởng này rất hay, đã gần 30 năm nhưng vẫn còn giá trị, tôi nghĩ sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa.
Người xưa có nói, ở đâu có minh quân ở đó có hiền thần. Người tài gặp minh quân như cá gặp nước. Phan Chánh Dưỡng gặp được ông Võ Trần Chí (Bí thư quận 5 rồi Bí thư TP.HCM) và sau đó gặp ông Võ Văn Kiệt nên đã thi thố được tài năng. Dù biết việc so sánh chỉ có tính cách tượng trưng, tự nhiên tôi nghĩ đến những hiền thần, những người tài hay quân sư trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam, thấy là ít ai có được niềm hạnh phúc cuối cùng như trường hợp Phan Chánh Dưỡng. Anh thường nói với bạn bè là anh ngưỡng mộ hai người trong lịch sử. Một là Trương Lương - người chọn cuộc sống ẩn dật sau khi giúp Lưu Bang làm nên nghiệp lớn và một người nữa là Nguyễn Công Trứ với chí làm trai, tinh thần kẻ sĩ và thực hiện được những công trình hữu ích cho đời.
Anh Phan Chánh Dưỡng ở tuổi cổ lai hy mà vẫn chưa toại nguyện. Như Nguyễn Công Trứ sau khi đã “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”, anh đã có thể “thảnh thơi thơ túi rượu bầu”. Nhưng không, anh vẫn còn vui với công việc dạy học và hăng say với các hoạt động cộng đồng, giúp những người yếu thế trong xã hội, những việc mà từ nhỏ anh từng ấp ủ.
Chúc anh Dưỡng tiếp tục những ngày vui khỏe, hữu ích cho xã hội và hạnh phúc trong quý mến, kính trọng của bạn bè.
Tokyo, tháng 6 trời mưa 2021