Doanh nhân

Doanh nhân với sách và tri thức: Sách và doanh nhân: Chìa khóa thành công và di sản tri thức (Bài 10)

Cao Minh Tèo 20/04/2025 07:15

Đọc và viết sách giúp doanh nhân lĩnh hội tri thức, rèn tư duy, truyền cảm hứng và đóng góp cho cộng đồng.

10-2.jpg
Viết sách và ra sách mới giúp doanh nhân truyền cảm hứng và đóng góp cho cộng động

Học hỏi và phát triển bản thân

Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn hóa sách Sài Gòn (Saigon Books) từng nhấn mạnh rằng, với ông, việc đọc sách là một khoản đầu tư cho sự phát triển bản thân không ngừng. Còn đối với bà Phan Yến Ly - Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam, sách là “người bạn đồng hành” vô giá, nguồn tri thức giúp bà luôn đổi mới và thích ứng với công việc. Đối với bà Phạm Kim Nhung - CEO Công ty CP Dịch vụ Star International (Startravel), sách không chỉ là công cụ nâng cao hiệu quả công việc và tạo giá trị cho khách hàng, mà còn là cầu nối nhân văn, tăng tính gắn kết giữa các đồng nghiệp và xây dựng môi trường làm việc hợp tác.

Tuy nhiên, với ông Đoàn Hữu Hiển - Chủ tịch HĐQT Công ty Savaco Tourist, một doanh nhân trong ngành du lịch chia sẻ sự tiếc nuối khi không có đủ thời gian đọc sách thường xuyên, dù luôn tìm thấy những bài học quý giá từ sách.

Trước đây, sách giấy là lựa chọn duy nhất, nay, sách điện tử và sách nói trên nền tảng số đã trở thành xu hướng phổ biến. Trước bối cảnh này, bà Trần Vĩnh Thụy Diễm Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty May H&K Vietnam, Chủ thương hiệu thời trang DQ Fashion, nhận định sự thay đổi trong cách tiếp cận tri thức đang diễn ra mạnh mẽ. “Việc nghe và đọc sách qua nền tảng số không chỉ tiện lợi mà còn trở thành một thói quen tích cực, được nhiều người lựa chọn để phù hợp với quỹ thời gian, tính chất công việc và sở thích cá nhân. Đây là cách tiếp nhận tri thức hiệu quả, tiết kiệm thời gian đối với người bận rộn như tôi”, bà Diễm Quỳnh nhấn mạnh. Bà cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng, mở ra nhiều cơ hội lan tỏa tri thức trong thời đại số.

10.jpg
Viết sách và ra sách mới giúp doanh nhân truyền cảm hứng và đóng góp cho cộng động

Chia sẻ di sản tri thức

Theo ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng sách doanh nhân, việc doanh nhân viết sách không chỉ góp phần phát triển văn hóa doanh nghiệp mà còn lan tỏa tư duy lãnh đạo, kinh nghiệm quản trị và tinh thần kinh doanh đến thế hệ kế tiếp. Những cuốn sách này là nguồn tư liệu quý báu, giúp doanh nhân trẻ học hỏi, ứng dụng vào thực tiễn và nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường đầy biến động.

Doanh nhân Mã Thanh Danh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Quốc tế CIB, tác giả các cuốn “Cuộc khủng hoảng kế tiếp” và “Chinh phục cơn hoảng loạn”, cho biết: viết sách không chỉ là khát khao cá nhân mà còn là một chiến lược dài hạn để xây dựng thương hiệu cá nhân, hệ thống hóa tư duy và tạo giá trị bền vững cho cộng đồng.

Cũng theo ông Danh, các tác phẩm của doanh nhân Việt, dựa trên kinh nghiệm thực chiến, không chỉ có tính ứng dụng cao mà còn giúp giải quyết những vấn đề cụ thể của thị trường nội địa, đồng thời thích ứng với biến động nhanh chóng của khoa học, công nghệ và xu hướng toàn cầu. “Sứ mạng của tôi là góp phần làm giàu nguồn tri thức doanh nhân Việt”, ông nhấn mạnh.

ThS. Nguyễn Hồng Ly - Founder & CEO Mạnh Tường Media, tác giả “Digital Marketing - Trên thông Marketing; Dưới tường công cụ số” chia sẻ: bài học lớn nhất mà bà muốn gửi gắm là sự kiên trì, tinh thần học hỏi và sự trung thực trong nghề. “Tôi muốn chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm đúc kết từ hành trình khởi nghiệp của mình, giúp người trẻ tiết kiệm thời gian, tránh được những sai lầm không đáng có khi chọn nghề”, bà Hồng Ly nói.

Ông Lê Châu Báu - Phó chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM (FBA), cho rằng viết sách là cách gửi gắm những giá trị sống tích cực đến cộng đồng. Với ông, sách là nơi ghi lại trải nghiệm mỗi ngày, chia sẻ góc nhìn chân thực và lắng nghe cuộc sống bằng tất cả sự đồng cảm.

10-1(1).jpeg
Viết sách và ra sách mới giúp doanh nhân truyền cảm hứng và đóng góp cho cộng động

Viết sách từ trải nghiệm khởi nghiệp

Văn hóa đọc và viết sách trong giới doanh nhân, như ông Mã Thanh Danh nhận định, là cách “giúp thế hệ sau đi nhanh hơn, tránh những sai lầm không đáng có”. Nhưng nếu đọc sách đã khó với người bận rộn, thì viết sách còn đòi hỏi cao hơn về tư duy hệ thống, tính kiên trì và khả năng truyền tải mạch lạc, hấp dẫn.

Khi được hỏi về dự định viết sách, CEO Startravel chia sẻ: đây là một ý tưởng đang ấp ủ. Chị kỳ vọng cuốn sách sẽ lan tỏa tinh thần Việt Nam hùng cường, giới thiệu thế mạnh của du lịch đường sông, đặc biệt là sông Sài Gòn, ra thế giới.

Với bà Hồng Ly, thách thức lớn nhất là cân bằng giữa guồng quay công việc và thời gian viết sách. “Hãy viết điều bạn thực sự hiểu và đam mê. Sự chân thành và dấu ấn cá nhân sẽ là điều chạm tới độc giả. Kiến thức kết hợp thực tiễn chính là giá trị cốt lõi của một cuốn sách”, bà chia sẻ. Bà khuyến khích các doanh nhân nên bắt đầu từ chính những trải nghiệm ý nghĩa trong hành trình khởi nghiệp của mình.

Để “đứa con tinh thần” ra đời, ông Mã Thanh Danh đã phải cân bằng giữa điều hành doanh nghiệp và viết sách. “Viết không chỉ là ghi chép kinh nghiệm, mà còn là kể chuyện sao cho hấp dẫn, súc tích nhưng đủ chiều sâu. Tôi phải học cách hệ thống hóa tư duy và xây dựng đội ngũ hỗ trợ từ biên tập đến xuất bản để sách đến đúng độc giả mục tiêu”, ông chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Châu Linh - Phó chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Hành trình Kim Cương (DJC): “Viết sách là một việc không thể vội. Đó là hành trình cần sự nghiêm túc và thấu đáo”.

Với ông Danh, điều quan trọng khi viết sách là xác định rõ mục tiêu, bắt đầu từ câu hỏi: “Viết sách để làm gì?”. Ông gợi ý, doanh nhân nên bắt đầu từ việc ghi chép lại ý tưởng, bài học quý, đồng thời tận dụng sự hỗ trợ từ biên tập viên, nhà xuất bản chuyên nghiệp, và xây dựng chiến lược marketing - phân phối như một sản phẩm kinh doanh thực thụ.

Khi được hỏi về việc doanh nhân chấp bút và để người khác viết lại, bà Châu Linh cho rằng điều quan trọng nhất là nội dung và thông điệp mang dấu ấn cá nhân của tác giả. “Nhiều doanh nhân thành công trên thế giới cũng làm như vậy. Miễn là nội dung trung thực, thể hiện rõ tư duy và trải nghiệm cá nhân, thì hình thức thể hiện chỉ là công cụ để truyền tải hiệu quả hơn”, bà chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân với sách và tri thức: Sách và doanh nhân: Chìa khóa thành công và di sản tri thức (Bài 10)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO