“Khối ỳ”

PHẠM THANH TUYỀN - Phó Tổng giám đốc Công ty Bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam| 24/07/2013 09:42

Chuyện kể rằng, vào năm 2035, NASA đầu tư vào một công trình khoa học nghiên cứu về gen. Họ mày mò tốn bao tâm sức, cuối cùng ghép được gen của con người vào cơ thể một chú chó đực, đặt tên là Hudo (ghép của 2 từ Human và dog).

“Khối ỳ”

Chuyện kể rằng, vào năm 2035, NASA đầu tư vào một công trình khoa học nghiên cứu về gen. Họ mày mò tốn bao tâm sức, cuối cùng ghép được gen của con người vào cơ thể một chú chó đực, đặt tên là Hudo (ghép của 2 từ Human và dog).

Đây là một chú chó berger khỏe mạnh, cường tráng; nhờ được ghép gen của loài người nên có trí khôn tương đương với con người.

Vì là dự án đặc biệt của quốc gia mang tính tuyệt mật, khu vực nuôi dưỡng Hudo nằm trong một sa mạc rộng lớn ở miền Tây Hoa Kỳ. Ngày ngày, Hudo được học văn hóa, học ngoại ngữ, học kỹ năng sống, học… đủ mọi thứ mà con người có thể học.

Đến một ngày, Hudo bỗng dưng trở nên tư lự, nó tự nghĩ: “Ta đã được học về biển cả mênh mông mát rượi, đầy ắp những nước là nước. Nếu ta cứ ở mãi nơi sa mạc hẻo lánh nóng cháy này, biết đến khi nào mới thấy được biển cả bao la, sóng vỗ chập chùng. Chi bằng, ta hãy phiêu lưu một chuyến đi tìm biển cả xem sao”.

Với tư duy và kỹ năng như một con người, Hudo bắt đầu chuẩn bị lương thực, nước uống và vật dụng cho chuyến đi. Nó nghiên cứu kỹ lưỡng bản đồ, đối chiếu với la bàn và tính toán được thời gian đi đường chỉ khoảng 7 ngày.

Cuối cùng, ngày khởi hành đã định cũng đến, Hudo ra đi, không quên cẩn thận mang theo cả đôi kính râm chống bức xạ mặt trời gay gắt trong sa mạc.

NASA biết rõ mọi dự tính và động tĩnh của Hudo, bởi họ đã cài chip vào trong cơ thể nó. Họ quyết định cứ để nó ra đi và theo dõi xem gen loài người ghép vào cơ thể Hudo có tác dụng đến mức độ nào. Mọi diễn biến với Hudo đều được NASA ghi nhận lại đầy đủ.

Hudo trải qua ngày thứ nhất trong sa mạc khá dễ dàng, nó vượt hơn 100km với 3 lần dừng lại để ăn và uống nước. Đêm đầu tiên, Hudo ngủ trong túi ngủ và thức dậy sớm vào lúc 3g30 sáng, tận dụng thời tiết còn mát để đi cho nhanh.

Sau ngày thứ hai vượt sa mạc, NASA ngạc nhiên khi nhận ra Hudo chỉ đi được có 50km, với 2 lần dừng lại ăn uống. Đêm thứ hai, NASA quan sát thấy Hudo gần như không ngủ, nó cứ trằn trọc mãi cả đêm, để rồi nó quyết định khởi hành sớm hơn vào lúc 2 giờ sáng. NASA nhận định có lẽ Hudo đang rất háo hức muốn nhìn thấy biển nên mới khởi hành sớm như vậy.

Tuy nhiên, quan sát qua vệ tinh, NASA lại càng bất ngờ vì tốc độ của Hudo chậm đi rất nhiều. Đến trưa ngày thứ ba, Hudo chỉ mới đi được 7km, nó cũng chẳng thèm dừng lại ăn uống, và đến 16g chiều hôm ấy, nó nằm bẹp dí, co giật rồi tắt thở 30 phút sau đó.

Điều gì xảy ra với Hudo? Vì sao nó chết? Dữ liệu truyền về cho thấy sức khỏe Hudo vẫn tốt, các thông số về tim mạch vẫn bình thường, chỉ có hệ thống thần kinh của nó hơi có vấn đề, có vẻ như nó đã bị kích xúc, hoảng loạn…

Quá kinh ngạc và hết sức tò mò muốn biết điều gì đã xảy ra với Hudo, một chiếc trực thăng đã được phái đi khẩn cấp đến nơi Hudo chết để mang xác nó về trung tâm.

Các chuyên gia làm việc cật lực để tìm ra nguyên nhân cái chết của Hudo, cuối cùng vị bác sĩ trưởng gửi báo cáo cho chỉ huy trưởng trung tâm: “Hudo chết vì vỡ bàng quang”!

Một hội đồng khoa học nghiêm túc được lập ra khẩn cấp để tìm nguyên nhân, rồi người ta cũng tìm ra nguyên nhân khiến bàng quang Hudo bị vỡ: nó không tìm ra được bất kỳ một vách nhà hay gốc cây nào trên sa mạc mênh mông.

Dù được ghép gen của loài người, nhưng bản năng và suy nghĩ của một chú chó đực không cho phép nó làm khác đi, vẫn phải có một vật gì đó để nó có chỗ… giơ chân lên khi "hành sự". Không có vật gì như vậy trên sa mạc, Hudo đành nín nhịn và cuối cùng chết vì nín quá lâu, chết chỉ vì một cái... “khối ỳ” trong bộ não tinh khôn của nó. Than ôi!

Tôi đã kể câu chuyện trên cho anh em cán bộ chủ chốt khi khởi động việc phát triển phần mềm quản trị nguồn lực - ERP cho công ty sử dụng, với ý đồ đánh tan cái... “khối ỳ" trong suy nghĩ của rất nhiều người.

Thật lạ, khá nhiều người còn rất trẻ, thế nhưng cũng rất ư là bảo thủ! Họ không dễ gì tiếp thu cái mới và bỏ đi thói quen cũ trong quá trình làm việc. Thậm chí, đừng nói là thói quen, mà ngay cả đến suy nghĩ họ cũng không muốn thay đổi.

Thói quen làm việc qua trao đổi văn bản in trên giấy, thói quen suy nghĩ phải làm việc theo trình tự ban bệ, thậm chí cả thói quen nhìn một giao diện máy tính quen thuộc v.v… đều là những rào cản khiến họ không muốn thay đổi, không muốn cải tiến. Họ viện dẫn cả lô cả lốc lý do để bảo vệ cho cái cũ bất tiện, lạc hậu và chậm lụt; mà thật sự chỉ là nhằm vào mục đích giữ nguyên hiện trạng!

Nhờ Trời thương, cuối cùng thì bằng vào sự quyết tâm của ban lãnh đạo công ty, bằng vào sự kiên trì và khéo léo của anh em phát triển phần mềm, công việc xem ra cũng đang tiến triển tốt, ERP có thể sẽ được đưa vào vận hành êm xuôi trong một ngày gần đây.

Xem ra, chúng tôi đã cắt được hơn 2/3 “khối ỳ” trong công ty tính đến thời điểm này. Hãy chờ xem chúng tôi sẽ cắt nốt 1/3 còn lại như thế nào khi chính thức vận hành hệ thống mới này…

Từ khi “thấm thía” câu chuyện của “thằng” Hudo, tôi bắt đầu lẩn thẩn ngấm nghía những dấu hiệu của “khối ỳ” xung quanh mình. Ôi trời ơi, quả là không sao kể hết ! Nhưng cũng phải kể ra vài “khối” để có cái mà chiêm nghiệm:

Đi ngoài đường, tôi thấy đầy những dấu vết “khối ỳ" của “ông” giao thông: đường rộng mênh mông, đang ngon trớn 80km/h, bỗng nhiên xuất hiện cái biển giới hạn 40km/h mà trước đó không hề thấy bất kỳ biển báo giảm tốc độ nào, ông cảnh sát giao thông thì lăm lăm cây “súng” bắn tốc độ cách 100m sau cái biển 40km/h để bắn cho… chắc trúng!

Tôi dám cá Schumacher mà qua VN du lịch cũng sẽ “ăn” biên bản phạt lia chia vì làm sao đang chạy nhanh 80km/h mà ngay tức khắc giảm được tốc độ xuống còn 40 km/h, nếu không muốn u đầu vì đập trán ra phía trước do thắng gấp!

Tốc độ phát triển của nền kinh tế có thể đánh giá thông qua tốc độ di chuyển của xe cộ lưu thông trên đường, “khối ỳ” của ông giao thông nhà mình có lẽ đang di chuyển trong khoảng 40km/h khiến kinh tế nước nhà cũng đang phát triển… ăn nhịp với tốc độ này!

Bảng cấm toàn chữ thế này sao đọc được khi xe đang lưu thông?

Rồi nữa, biển báo hướng dẫn tốc độ và làn đường cho các loại xe cắm bên lề đường chi chít chữ nghĩa dài dòng nhỏ xíu. Tôi vẫn tự hỏi đang tập trung chạy xe thì làm sao mà đọc cho hết cái bảng ấy được ta?

Tuy nhiên, mấy “ông“ giao thông chắc chắn đọc được, vì “khối ỳ" luôn kéo ông ấy chạy chậm, chắc chắn “ổng” đọc được, đương nhiên đọc được. Phần tôi, và có lẽ rất nhiều trong số các bạn nữa, thì xin chịu thua, do không muốn vì mải miết thưởng thức cái bảng đầy chữ ấy mà gây ra tai nạn giao thông.

Còn nhiều “khối ỳ” của ông giao thông lắm, nhưng thôi mình xoay qua "ông" cảnh sát giao thông. Lâu nay thấy lực lượng cảnh sát giao thông phát triển mạnh về số lượng, đi trên đường thấy mấy “ông” đứng đầy, bắt ham. Nhưng thấy mấy “ổng” bắt và “xử” người đi xe 2 bánh chạy lấn tuyền, nhiều lúc thấy quá bất mãn.

Giờ cao điểm, xe 2 bánh thì đông nghẹt, làn dành cho xe hơi thì trống, vậy mà ai léng phéng mon men ra làn xe hơi vượt lên để kịp giờ đi làm thì chắc chắn sẽ bị “dính đòn”, mất tiền phạt còn bị sếp “dzũa” vì tội đi làm trễ, oan mạng!

Xe cộ đi trên đường cũng giống như dòng nước chảy, chỗ nào trống thì nước sẽ lan ra. Đường sá làm ra để giao thông được thuận tiện và nhanh chóng, chứ đâu phải để dành riêng cho một loại xe nào đó, khiến công suất khai thác mặt đường bị bỏ trống, thật lãng phí.

Trong khi đó, người di chuyển bằng xe 2 bánh thì cứ phải tuân thủ quy định để chen chúc nhau trong phần đường nhỏ tí teo, dòng xe đông đúc sẽ có nguy cơ ùn ứ lớn, chưa kể chen chúc như vậy thì xác suất cọ quẹt gây tai nạn lại còn tăng thêm chứ có kéo giảm được tai nạn giao thông như mấy “ổng” nói đâu.

Lẽ ra, những lúc như vậy mấy ổng phải chủ động hướng dẫn người đi xe 2 bánh chạy ra làn đường ngoài để giải tỏa áp lực ùn tắc, đằng này cứ để vậy và lo chăm chắm mỗi việc… phạt!

Trở về nhà, cũng có một “khối ỳ” chình ình mà xem ra tôi không thể nào gỡ bỏ được. Má tôi có tính tiết kiệm, mấy cái nồi nhôm cũ xì cũ xịt từ thời ông Tám Hoánh, méo mó, sút quai, mà bà cứ nhất định vẫn giữ để sử dụng; mấy cái chén cũ xài lâu mẻ miệng cũng không chịu bỏ.

Tôi và bà xã đi theo lải nhải: nồi nhôm nấu thức ăn có chất mặn sẽ bị ra “teng”, không tốt cho sức khỏe; cái quai bị sút ra, coi chừng không an toàn; chén mẻ coi chừng ăn bị rách mép, vân vân và vân vân. Thế nhưng, lần nào cũng chỉ một câu trả lời duy nhất: Còn xài được!

Chúng tôi bèn làm “cách mạng”, chạy đi mua về mấy cái nồi mới, chén mới; hôm sau về thấy đâu mất tiêu, hỏi ra mới biết má tôi đem cất, để dành hết rồi!

Chưa hết, má tôi suy nghĩ hễ chỗ nào có đèn sáng, bất kể đèn lớn hay nhỏ thì đều tốn điện, do vậy phải tắt nó đi. Tôi mua cái chuông cửa di động điều khiển bằng remote, có ánh đèn led nhỏ xíu màu đỏ để cho biết đang trong tình trạng hoạt động; được sử dụng để ba tôi gọi khi cần (ông bị bệnh đi lại không tiện), má tôi thấy ánh đèn đỏ đỏ, bèn tắt nó luôn vì cho rằng hễ có đèn là tốn điện.

Báo hại hôm đó đi làm về, tôi nghe kể lại ba nổi trận lôi đình vì bấm chuông gọi người mãi mà không ai đến giúp, phải kêu om sòm! Cuối cùng tôi cũng nghĩ ra được cách giải quyết “sự vụ” này: lấy băng keo màu đen dán lên chỗ cái đèn nhỏ như đầu cây tăm, không còn ánh đèn nữa thì má tôi OK liền!

Nhưng nói gì thì nói, đối với chúng tôi trong gia đình, những câu chuyện này sẽ mãi mãi được lưu giữ trong ký ức như là kỷ niệm vui về má, cái “khối ỳ" của má đáng yêu và thân thiện hơn nhiều lần so với những “cục ì" đã kể ở phần trên.

Ít ra, “khối ỳ” trong suy nghĩ của má cũng xuất phát từ bản tính tiết kiệm, thương con thương cháu, sợ tụi nó hao tốn. Còn mấy cái “khối ỳ” trên kia chẳng biết xuất phát từ mục đích gì nữa?

Nói “túm” lại, ngay từ bản thân mỗi người, trong đó có cả tôi, luôn tồn tại mấy “khối ỳ”. Hay-dở, khôn-dại, hơn-thua là ở chỗ tự bản thân mình có nhìn ra những “khối ỳ” đó hay không; có tiến hành phân tích, mổ xẻ lợi-hại xem mấy cái “khối ỳ" này nên giữ hay nên bỏ, nếu giữ thì sao và nếu bỏ thì sao, v.v…

Sự tồn tại và phát triển cá nhân, hay suy rộng ra là sự tồn tại và phát triển của xã hội, nói cho cùng theo một khía cạnh nào đó, chính là sự cộng hưởng từ vô số hành động thiết thực của mỗi cá nhân nhằm chấp nhận hay loại bỏ mấy “khối ỳ”.

Có những “khối ỳ" thấy thương (như của má tôi), có những “khối ỳ” thấy... ghét (như ở 2 dẫn chứng về ngành giao thông ở trên), và cũng có cả những “khối ỳ" quá… ngu (như của “thằng” Hudo).

Những “khối ỳ" dễ thương, mình chấp nhận và lưu giữ như kỷ niệm vui. Những “khối ỳ" thấy ghét thì mình tìm cách từ từ sửa cho nó hết… thấy ghét. Còn loại “khối ỳ" quá ngu, thì cho tôi khuyên nên ngay tức khắc loại bỏ nó đi, giữ lại chỉ có nước… hỏng bét!

Tốt nhất, tôi nên stop ngay đây và lo mau mau đi tìm những “khối ỳ” của tôi, các bạn ơi….

Tháng 7/2013

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Khối ỳ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO