Doanh nhân và sách dạy con: Phải từ thấu cảm...
Việc nuôi dạy con đòi hỏi sự kiên nhẫn, thấu cảm của phụ huynh. Muốn vậy, họ đã tìm đến sách như những người bạn đồng hành…
Vốn là người yêu thích sách, doanh nhân Nguyễn Hữu Long - Giám đốc Điều hành Công ty CP Ngân hàng tóc Việt Nam cho biết, việc áp dụng kiến thức từ sách vào việc nuôi dạy con bắt nguồn từ chính con đường lập thân, lập nghiệp của ông. Nhận thấy bản thân thiếu quá nhiều kiến thức, kỹ năng nên ông đã tìm đến sách với niềm tin rằng có những người đã trải qua kinh nghiệm nuôi dạy con và họ đã đúc kết, để lại giá trị ấy trong những cuốn sách.
Khi lập gia đình, vợ chồng ông Long đã ý thức việc trang bị kiến thức trong việc nuôi dạy con. Quan niệm mỗi người có thể kiếm tiền với chiếc túi rỗng chứ không thể nuôi dạy con với cái đầu rỗng đã thôi thúc ông tìm phương pháp nuôi dạy con, để sẵn sàng đi cùng con trên những chặng đường dài.
“Từ lúc các con còn trong bụng mẹ, vợ chồng tôi đã áp dụng thai giáo, bắt đầu với sách, chứ không phải đến khi các con biết nhận thức. Lúc ấy tôi đọc cho con những truyện như Ba kể con nghe, Mẹ kể con nghe. Khi con một tuổi trở lên thì tôi đọc cuốn Nuôi dạy bé trai và Nuôi con theo phương pháp của người Do Thái”, ông Long kể.
Chia sẻ thêm về những điều ấn tượng với sách nuôi dạy con, doanh nhân Nguyễn Hữu Long cho biết, bản thân tâm đắc với nội dung về việc rèn tính tự lập cho trẻ, đồng thời lựa chọn áp dụng những điều phù hợp nhất với các con mình. Mỗi đứa trẻ đều có những nét riêng biệt và duy nhất.
Áp dụng phương pháp dạy con không thể máy móc mà cần dựa trên đặc điểm, sở thích, tính cách của các bé. Vì vậy, không thể áp đặt khuôn mẫu cho con mà phải tạo điều kiện để con được là chính mình, để con tự chọn sách mỗi khi đi mua sách. Khi đọc sách, hóa thân vào nhân vật trong sách và tạo trải nghiệm vui vẻ khi đọc sách cùng con cũng là cách vợ chồng doanh nhân trẻ này áp dụng để các con có những trải nghiệm tuổi thơ quý giá.
“Mỗi khi chơi cùng các con, tôi xem mình có làm điều gì áp đặt hay là tạo ra khuôn mẫu cho con hay không. Mỗi tối tôi thường hỏi con xem con có muốn đọc sách hay không và để cho con tự chọn cuốn sách mà nó thích ở trên kệ. Nhưng để con cảm thấy thích thú khi đọc sách, đôi khi cũng cần hóa thân vào một nhân vật nào đó trong sách. Ví dụ một chú ếch con chẳng hạn”, ông Long bày tỏ.
Không chỉ đọc sách và dành nhiều thời gian cho con, nhiều doanh nhân còn chia sẻ kinh nghiệm qua việc viết sách, lan tỏa những giá trị về cách nuôi dạy con trong xã hội hiện đại. Đơn cử như doanh nhân Hoàng Anh Tú, người sáng lập Hệ thống giặt là Giỏ tinh tươm và rèm thiết kế Love is you. Không chỉ được biết đến là “Anh Chánh Văn” trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010 và kinh doanh khá thành công, ông còn cho ra mắt hơn 30 cuốn sách về hôn nhân, gia đình và nuôi dạy con.
Tác phẩm gần nhất của Hoàng Anh Tú là Trồng một người cha, gieo lên người mẹ và đổ đầy hạnh phúc vào những đứa trẻ được viết trong 4 năm. Theo ông Tú, khi đại dịch Covid-19 xảy ra là giai đoạn đáng nhớ trong mối quan hệ gia đình, khi ai cũng có điều kiện, cơ hội để nhìn sâu vào chính cuộc hôn nhân, gia đình của mình.
“Viết cuốn Trồng một người cha, gieo lên người mẹ và đổ đầy hạnh phúc vào những đứa trẻ, tôi chọn một góc khác là hôn nhân dạy con cái chúng ta điều gì, vì thế nó trở thành cuốn sách học làm cha mẹ với thông điệp “Nhìn cây sửa đất - Nhìn con sửa mình”. Vừa là đắp bồi lại giá trị hôn nhân vừa là học cách sử dụng hôn nhân để đổ đầy hạnh phúc vào con cái”, doanh nhân Hoàng Anh Tú nói.
Cũng theo Hoàng Anh Tú, mỗi cuốn sách ông viết ra đều bắt đầu từ chính nhu cầu của người cha, người mẹ và những đứa trẻ. “Vợ và ba con của tôi là người gợi ý cho tôi viết. Giống như ngày trước, lúc mở hai chuỗi nhà hàng, chính ba con của tôi đã khiến những nhà hàng ấy thành công vượt ngoài mong đợi. Ở Hà Nội, rất nhiều gia đình đã đến ăn ở 6 nhà hàng của tôi. Không phải vì tôi là “Anh Chánh Văn” đâu, mà bởi ở đó có nhà bóng mini - nơi các con có thể chơi trong lúc cha mẹ ăn uống, mỗi đứa trẻ sau khi ăn xong đều có quà tặng là đồ chơi mang về. Ý tưởng đó đã khiến nhiều đứa trẻ đòi cha mẹ đến Hải sản 3 Yêu tinh và Thai Deli ăn. Ba đứa con của tôi chính là “đạo diễn” của trò này, chính chúng đi mua đồ chơi nên 100% trẻ con đều mê những món đồ chơi được tặng ấy. Những cuốn sách của tôi cũng do chính vợ và ba con tôi kiểm duyệt”, Hoàng Anh Tú chia sẻ.
Ông Tú cũng cho rằng, dù là ai cũng cần dành thời gian cho gia đình, con cái, vợ, chồng. Ông viện dẫn về việc có một bạn gái gần ba năm đi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan nhưng các con của chị ở Việt Nam dù không có mẹ bên cạnh vẫn trưởng thành như mong đợi. Bởi các con chị tự hào về mẹ, thấu hiểu những gì mẹ đang làm, học theo mẹ, muốn giống mẹ. Vậy nên doanh nhân hãy cho con thấy công việc của mình, sự chính trực của mình, sự lương thiện của mình.
“Cha mẹ là doanh nhân càng cần con cái như nguồn “sạc sạch” sau những áp lực kinh doanh, tiếp thêm năng lượng cho cha mẹ, trở thành động lực lao động cho cha mẹ, là chiếc neo chắc chắn giữ sự liêm chính, trung thực trong kinh doanh của cha mẹ. Nói không ngoa nhưng tôi tin doanh nhân nào coi trọng gia đình, nuôi dạy con tốt thì doanh nghiệp đó sẽ thành công, ít nhất cũng là doanh nghiệp tử tế”, nhà sáng lập Hệ thống giặt là Giỏ tinh tươm nhận định.
Không có công thức chuẩn để nuôi dạy con thành công, với gia đình doanh nhân cũng vậy. Bởi mỗi gia đình, mỗi đứa trẻ đều có những điểm riêng biệt, việc áp dụng sách vào cuộc sống cần sự linh hoạt và thấu hiểu. Thế nhưng việc doanh nhân đọc sách và chia sẻ những trải nghiệm qua từng trang sách không chỉ giúp bản thân trở thành những bậc cha mẹ tốt hơn mà còn lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng.