Doanh nhân Trương Văn Bền: Xà bông Cô Ba vang bóng một thời (Kỳ 1)
Nhắc đến “Xà bông Cô Ba” là nhớ đến doanh nhân Trương Văn Bền bởi ông là người đã tạo ra một thương hiệu hoàn toàn Việt Nam, cạnh tranh sòng phẳng với các hãng xà phòng của người Pháp ở Đông Dương.
Kỳ 1: Nhà kỹ nghệ tài giỏi người Việt
Trương Văn Bền sinh năm 1883 tại Chợ Lớn. Thủy tổ của Trương Văn Bền là Trương Thuận Tri đã theo đoàn quân Dương Ngạn Địch - một viên tướng nhà Minh từ Quảng Đông đến Việt Nam lánh nạn nhà Thanh vào thế kỷ XVII. Ban đầu, Trương Thuận Tri ở Mỹ Tho, sau đó dời về vùng Chợ Lớn ngày nay.
Xuất thân trong gia đình khá giả, từ nhỏ, Trương Văn Bền đã lần lượt theo học các trường của Pháp ở Sài Gòn, như Ecole Municipale de Cholon, Lycée Chasseloup-Laubat. Sau khi có bằng tú tài, Trương Văn Bền đậu một kỳ thi tuyển công chức và được bổ nhiệm làm ký lục - một nhân viên hành chính thực hiện công việc sổ sách ở các cơ quan thuộc địa.
Là người học giỏi, am hiểu cả tiếng Hoa và tiếng Pháp, lại có điều kiện làm công chức trong bộ máy chính quyền thuộc địa nhưng Trương Văn Bền quyết trở về với công việc kinh doanh của gia đình bởi niềm đam mê của ông là nghề buôn.
Năm 1901, Trương Văn Bền bắt đầu sự nghiệp kinh doanh khi mở một tiệm tạp hóa chuyên bán các loại đậu và đường ăn ở số 40 đường Rue de Cambodge (nay là khu chợ Kim Biên, quận 5, TP.HCM). Theo thời gian, công việc kinh doanh ngày càng phát đạt và mở rộng, Trương Văn Bền bắt đầu thu mua hàng sỉ từ thương nhân người Hoa rồi bán lại cho các tiệm bán lẻ ở Sài Gòn, Chợ Lớn.
Tích lũy được một khoản vốn, năm 25 tuổi, ông lập nhà máy ép và tinh luyện dầu dừa ở Thủ Đức, sử dụng máy ép bằng hơi sản xuất ở Mỹ ông mua từ Pháp về. Gặt hái được nhiều thành công trên thương trường do Trương Văn Bền luôn cầu tiến, không ngừng học hỏi, không bằng lòng với những gì mình đang có. Về sau, ông còn lập nhà máy xay lúa, cộng tác với Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Đông Dương khai thác và tái tạo rừng thông ở Đồng Nai Thượng. Năm 31 tuổi, ông lập một đồn điền cao su ở Thủ Đức, sau đó mở rộng kinh doanh bằng cách lập công ty khai khẩn đất nhiễm phèn ở Đồng Tháp Mười để làm ruộng, mở thêm nhà máy xay gạo ở Chợ Lớn và Rạch Các. Xưởng tinh dầu dừa và hai nhà máy xay gạo làm ăn rất phát đạt nên ông có vốn để xây một khách sạn.
Năm 1918, Trương Văn Bền mở thêm một xưởng sản xuất và tinh luyện dầu mang tên “Huilerie de Cholon”. Xưởng Huilerie de Cholon sản xuất đa dạng các loại dầu, từ dầu ăn đến dầu dừa, dầu thầu dầu và các loại dầu dùng trong kỹ nghệ. Để gia tăng chất lượng sản phẩm, ông đã nhập máy móc tiên tiến từ Pháp và Mỹ làm sạch nguyên liệu, tách vỏ đến nghiền, ép và lọc dầu.
Vào năm 1920, xưởng sản xuất dầu của Trương Văn Bền đã sản xuất khoảng 10 tấn dầu thầu dầu mỗi ngày, chủ yếu phân phối cho bệnh viện, hiệu thuốc và xuất khẩu qua Pháp và Mỹ. Để có đủ nguồn cung nguyên liệu, ông mua đất lập nông trại trồng thầu dầu, trồng dừa ở Mỹ Tho và Đồng Tháp Mười. Cũng trong thập niên 1920, Trương Văn Bền thành lập đồn điền cao su 70 hécta ở khu làng Linh Chiểu Trung và Phong Phú (nay thuộc quận 9 và TP. Thủ Đức).
Thời gian ấy, trong khi các hãng dầu của Pháp ở Sài Gòn bắt đầu suy yếu thì hãng dầu của Trương Văn Bền lại phát triển mạnh mẽ hơn trước. Với danh tiếng và sự thành công trên thương trường, Trương Văn Bền đã đại diện doanh nghiệp Nam kỳ mang sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế Hà Nội năm 1920. Trong thời gian diễn ra hội chợ ấy, Báo L’Echo Annamite viết về Trương Văn Bền (ra ngày 21/12/1920) như sau: “Sự thành công của doanh nghiệp này đánh dấu mốc trong lịch sử của sự phát triển kinh tế ở thuộc địa. Ông Trương Văn Bền là người An Nam đầu tiên đã thành lập và phát huy một cơ sở kinh doanh cơ khí hiện đại ở Nam kỳ. Cho đến năm 1912 tất cả các ngành công nghiệp lớn ở Nam kỳ đều được điều hành bởi những người Âu hay người Tàu, người An Nam chỉ làm công cụ ngoan ngoãn của hai nền văn minh cổ xưa dẫn dắt họ về phương diện kinh tế trong xứ sở của họ. Nhờ có ông Trương Văn Bền, thị trường cùi dừa ở An Hóa, xứ sở sản xuất cùi dừa Nam kỳ, một lần nữa nằm trong tay độc quyền của người Âu và người An Nam, trong khi người Tàu là các bậc thầy xưa, bị đẩy ra rìa”. Với tiếng tăm vang dội về tài kinh doanh, cũng năm ấy, Trương Văn Bền được bầu làm thành viên Hội đồng Quản hạt Nam kỳ. Năm 1924, ông được chọn làm thành viên của Phòng Thương mại Nam kỳ. Năm 1932, Trương Văn Bền trở thành người Việt Nam đầu tiên giữ chức Phó chủ tịch Phòng Thương mại Nam kỳ và đương nhiệm trong 9 năm liên tiếp.
Nhà báo Phạm Quỳnh trong khi tham dự một hội chợ đấu xảo ở Pháp năm 1922, khi ghé về Sài Gòn đã viết về Trương Văn Bền và nhà máy dầu, nhà máy gạo của ông: “Ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc kỳ về xem nhà máy dầu và nhà máy gạo của ông ở Chợ Lớn. Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên, đã to tát như thế mà chúng tôi thấy hứng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông, ngõ hầu chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát ly được cái ách người Tàu về đường công nghệ thương nghiệp”.
Cũng trong thập niên 1920, Trương Văn Bền trở thành người đi đầu chống lại nạn độc quyền buôn bán của tư sản người Pháp và Hoa kiều. Năm 1926, ông tham gia thành lập Parti Travailliste Indochinois (Phái Đông Dương Lao động) với tôn chỉ “Tập hợp các nhà kỹ nghệ, công chức, địa chủ, thương nhân và người lao động nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chính họ”. Phái Đông Dương Lao động đã phát hành hai tuần một lần báo L’Ère nouvelle và Nhựt Tân Báo.
Năm 1929, khi còn là thành viên thường trực của Grand Conseil des intérêts économiques et financiers de l’Indochine (Đại hội đồng Kinh tế - Tài chính Đông Dương), Trương Văn Bền đã đấu tranh quyết liệt để bảo vệ quyền lợi kinh tế cho người dân Việt Nam bằng việc tích cực phản đối quyết định của chính quyền thuộc địa trong việc ngăn cấm sử dụng các bài thuốc cổ truyền của dân tộc với lý do thiếu dẫn chứng thuyết phục. Ông cương quyết rằng, đạo luật sẽ tạm hoãn việc đưa ra quyết định cho vấn đề này cho đến khi Hội đồng Thuốc y học cổ truyền đã xem xét và đưa ra khuyến nghị.