Doanh nhân xưa

Doanh nhân Ngô Đức Kế: Giỏi kinh tài, thạo nghề báo (Kỳ 1)

Thanh An (Tổng hợp) 15/09/2023 17:00

Là người hưởng ứng nhiệt liệt phong trào Duy Tân ở miền Trung đầu thế kỷ XX, doanh nhân Ngô Đức Kế không chỉ ghi dấu ấn trong kinh doanh, kinh tài cho phong trào Đông Du mà cụ còn là chủ bút của Tạp chí Hữu Thanh do Hội Bắc Kỳ Công Thương tương tế sáng lập.

Kỳ 1: Triêu Dương Thương quán: Cơ sở kinh tài của phong trào Đông Du

Ngô Đức Kế tên thật là Ngô Bình Viên, hiệu là Tập Xuyên, sinh năm 1878 trong một gia đình có truyền thống Nho học lâu đời tại làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (nay là tổ dân phố 2, Nam Sơn, thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh). Ông là con trai của Tả tham tri bộ Lễ Ngô Huệ Liên và là cháu nội của Toản tu Quốc sử quán Ngô Phùng, thuộc dòng họ Ngô Trảo Nha được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng kỷ lục “Dòng họ 18 đời Quận công”.

doanh-nhan-ngo-duc-ke.jpg
Chân dung Ngô Đức Kế

Thừa hưởng truyền thống hiếu học của dòng tộc, lại là người thông minh từ nhỏ, Ngô Đức Kế đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu năm Thành Thái thứ 9 (1897) khi vừa 19 tuổi, rồi lại đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1901). Tuy nhiên, dù đạt được những học vị rất cao của triều đình Huế, Ngô Đức Kế lại chọn không ra làm quan mà trở về nhà nghiên cứu tân thư và dành phần lớn thời gian để đọc sách phương Tây do Trung Quốc dịch ra chữ Hán với mục đích tìm tri thức để chống thực dân Pháp xâm lược, dành lại tự do, độc lập cho đất nước.

Năm 1903, Ngô Đức Kế bắt đầu liên hệ với nhiều trí thức lớn của Nghệ An như Bùi Xuân Phong, Hoàng Xuân Hành, Đặng Nguyên Cẩn… Rồi cụ cùng họ ra Bắc gặp các chí sĩ đồng tâm, đồng chí là Lương Văn Can, Võ Hoành, Hoàng Đạo Phương, Ngô Quang Đoan, Bùi Văn Thức, Đặng Xuân Bảng, Hoàng Tăng Bí, Lương Trúc Đàm, Lương Ngọc Quyến… để truyền bá tư tưởng canh tân cho dân chúng và mưu đường cứu nước. Cụ còn bí mật kết giao với các sĩ phu Trung Nam Bắc, liên kết thống nhất chí hướng, kêu gọi mở trường dạy học để tạo điều kiện làm nơi cho các nhà yêu nước gặp nhau mưu bàn việc lớn. Đồng thời, cụ là người hăng hái vận động bài trừ mê tín dị đoan và tự tay viết kiến nghị lên triều đình đòi cải cách thi cử.

Danh tiếng và ảnh hưởng của Ngô Đức Kế ở xứ Nghệ - Tĩnh rất lớn, cho nên năm 1905, trước khi sang Nhật Bản, Phan Bội Châu thông qua lời giới thiệu của Đặng Nguyên Cẩn đã gặp Ngô Đức Kế và đề nghị cụ mở mang tri thức, bồi dưỡng nhân tài cho phong trào Đông Du. Đây là sự khẳng định, đánh giá cao vai trò của Ngô Đức Kế trong phong trào Duy Tân và phong trào Đông Du.

Năm 1906, hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Bội Châu - người mà chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương mệnh danh là “linh hồn của các cuộc nổi loạn”, Ngô Đức Kế đã cùng Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn và Giải nguyên Lê Văn Huân lập Triêu Dương Thương quán nhằm mục đích chấn hưng công thương nghiệp cho nền kinh tế Việt Nam, là cơ sở kinh tài cho phong trào Đông Du của Phan Bội Châu.

Triêu Dương Thương quán do các cụ Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn và Lê Văn Huân hùn vốn thành lập năm 1906, có trụ sở tại thành phố Vinh (Nghệ An). Đây là hiệp hội buôn bán đồ nội hóa và tân thư của Đông Kinh Nghĩa Thục với mục đích góp phần nâng cao ý thức độc lập dân tộc theo chủ trương dùng hàng nội hóa, tẩy chay hàng hóa của Pháp. Phần lãi của số hàng hóa mà Triêu Dương Thương quán bán được trích ra để ủng hộ phong trào cách mạng lúc bấy giờ, đặc biệt là phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng.

cho-vinh-dau-the-ky-xx-nguon-vinh-xua-.jpg
Chợ Vinh đầu thế kỷ XX - Nguồn: Vinh xưa

Theo lời kể của Phan Bội Châu trong tác phẩm Phan Bội Châu tự phán thì kế hoạch lập Triêu Dương Thương quán diễn ra sau chuyến đi Nhật Bản lần thứ hai (1906) của cụ Sào Nam: “Thượng tuần tháng giêng năm Đinh Vị (1907) tôi về tận Hà Nội, chỉ ở lại một ngày một đêm, vừa đụng cụ Tập Xuyên (Ngô Đức Kế) từ tỉnh Nghệ lại hội với tôi. Lúc đó Triêu Dương Thương điếm đã thành lập, nhưng nghe nói người trong điếm ham bàn cách mạng lắm, tôi rất lấy làm lo, vì ngôn luận thực hành, không thể nào đồng một chốn, một thời giờ mà thu hoạch được hiệu quả cả hai bên. Tôi có nói với cụ Tập Xuyên, nhưng cũng muộn rồi”.

Cũng theo lời Sào Nam, đã có một cuộc họp giữa cụ với các nhà sáng lập Triêu Dương Thương quán trên một con thuyền trên sông Lam, trước khi thương hội này chính thức đi vào hoạt động. Mục đích của lần hội họp này là để xác lập tôn chỉ kinh doanh cho Triêu Dương Thương quán: “Tôi đem các giấy tờ thủ bút ông Lương cho cụ Thai Sơn xem. Cụ đọc các giấy xong, trong giấy có nói cách trù hoạch, định tổ chức Hoa kiều Viện Việt hội. Cụ nhân nói với tôi rằng, chúng ta nên ở trong nước, nhân phong triều này, tổ chức ra các hội nông, thương, học, khiến cho người ta biết có đoàn thể, đặng sau dễ cổ động tấn hành. Việc này để tôi với anh em Tập Xuyên, mấy ông xem tính với nhau. Tôi (Phan Bội Châu) cực lực tán thành. Đến ngày sau, Triêu Dương Thương quán và nông hội, học hội ở mọi nơi lần lượt sáng lập, thảy là nơi tôn chỉ đó”.

Việc kinh doanh của Triêu Dương Thương quán rất phát đạt, đặc biệt là tại thành phố Vinh, nơi là đầu mối giao thương quan trọng giữa tỉnh Nghệ An với các tỉnh miền Trung Việt Nam, cả đường bộ lẫn đường biển. Học tập theo gương kinh doanh của Triêu Dương Thương quán, nhiều cá nhân hoặc các hội nhóm đã hợp lực hùn vốn để kinh doanh với các cửa hiệu buôn tạp hóa, vải vóc, hương liệu, thuốc Bắc, thuốc Nam được mở trên khắp vùng Nghệ - Tĩnh. Điển hình như hiệu Mộng Hanh buôn tơ lụa (ở Chợ Trổ - Can Lộc) của chí sĩ Lê Văn Huân, cửa hàng Đông Thái (Đức Thọ), các cửa hàng tại chợ Cồn, chợ Huyện (Can Lộc), chợ Ngạn (Thạch Hà), chợ Đình (Nghi Xuân), chợ Voi (Kỳ Anh), chợ Vực (Cẩm Xuyên)… Nhiều trí giả giỏi Đông y còn mở hiệu thuốc Bắc, thuốc Nam ở các huyện lỵ Thạch Hà, Hương Sơn, Nghi Xuân… Ông Lê Võ mạnh dạn lập trang trại ở Cộng Khánh, Nghi Xuân. Các hội tương tế còn mở các lớp dạy chữ quốc ngữ phạm vi nhỏ, đặt ở những gia đình có uy tín để khai dân trí, vận động xuất dương du học.

Nhìn chung, những cá nhân hoặc hội nhóm này đều kinh doanh với mục tiêu ngầm tích trữ tiền bạc, khí giới, tuyển mộ những người quật cường để sẵn sàng đi theo cụ Phan Bội Châu.

Trước những ảnh hưởng ngày càng tăng của Triêu Dương Thương quán, Nha Mật thám Phủ Toàn quyền Đông Dương khẳng định: “Ngô Đức Kế hợp tác với Đặng Nguyên Cẩn, giả danh buôn bán nhưng kỳ thực là để gửi ngân quỹ cho Phan Bội Châu”, nên vào mùa Thu năm 1907, chính quyền thuộc địa bắt đầu đàn áp, buộc Triêu Dương Thương quán phải đóng cửa, toàn bộ tài sản tích lũy được đều bị tịch thu sau một năm kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Ngô Đức Kế: Giỏi kinh tài, thạo nghề báo (Kỳ 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO