Đào tạo

Doanh Nhân Sài Gòn thăm và chúc mừng Đại học Kinh tế TP.HCM nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam

Hưng Khánh 19/11/2024 19:00

Chiều ngày 19/11, nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2024), Ban biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã thăm và chúc mừng Ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH).

Trong buổi gặp gỡ, ông Ngô Xuân Lộc - Phó tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã gửi lời chúc mừng đến lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của UEH nhân dấu mốc kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của UEH trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế và khả năng thích nghi với những thay đổi của thị trường.

z6048167309724_79d980881221d2d7a18f999fada3e458.jpg
Ông Ngô Xuân Lộc cũng nhắc lại mối quan hệ hợp tác có ý nghĩa giữa hai bên thông qua sự kiện "Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can". Ảnh: UEH

Ông Ngô Xuân Lộc nhắc lại mối quan hệ hợp tác có ý nghĩa giữa hai bên thông qua sự kiện "Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can". Đây là sân chơi uy tín do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn khởi xướng và tổ chức thường niên, nhằm tìm kiếm và bồi dưỡng những sinh viên có đam mê, có tố chất và có tiềm năng kinh doanh thành những nhà kinh doanh tài năng trong tương lai.

Qua hơn một thập kỷ, Giải thưởng đã trở thành sân chơi đầy cơ hội cho sinh viên cả nước, đặc biệt là các sinh viên từ những trường đại học lớn như UEH. Cụ thể, qua các năm, nhiều sinh viên UEH đã xuất sắc tham gia và đạt thành tích cao tại giải thưởng này. Gần đây nhất, năm 2024, UEH có 4 đại diện sinh viên lọt vào top 20 của vòng chung kết.

Các sinh viên của UEH tham gia Giải thưởng đều được Ban tổ chức và các mentor đánh giá là có sự nhiệt tình, tư duy sáng tạo và tinh thần học hỏi không ngừng. Những ý tưởng, tư duy của các em còn cho thấy sự am hiểu sâu sắc về các xu hướng kinh tế và xã hội hiện đại. Điều này không chỉ góp phần nâng cao uy tín của UEH mà còn là minh chứng rõ ràng cho chất lượng đào tạo của nhà trường.

Nhà báo Ngô Xuân Lộc khẳng định, mối quan hệ giữa Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và UEH không chỉ dừng lại ở các chương trình hiện tại mà còn hướng đến các kế hoạch hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai.

z6048167315823_216f9100bb80588fd5c2a21e630706ef.jpg
Ông Ngô Xuân Lộc (thứ hai từ phải qua) tặng bức cách ngôn Lương Văn Can "Tâm" cho ban giám hiệu, giảng viên, nhân viên UEH. Ảnh: UEH

Đáp lại tình cảm từ Tạp chí, PGS-TS. Bùi Quang Hùng - Phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM gửi lời cảm ơn đến Ban biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn vì đã đồng hành cùng nhà trường trong nhiều hoạt động ý nghĩa suốt thời gian qua.

Ông nhấn mạnh, sự hỗ trợ từ Tạp chí, đặc biệt là thông qua các chương trình như Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, không chỉ giúp sinh viên UEH tiếp cận với các giá trị thực tiễn của môi trường doanh nghiệp mà còn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong các bạn trẻ.

Ông Bùi Quang Hùng cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, UEH và Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn sẽ tiếp tục nghiên cứu, cùng đề xuất để có kế hoạch đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác.

z6048167313397_e5d0b3874042eee75f363769a8efb944.jpg
PGS-TS. Bùi Quang Hùng (bìa trái) gửi lời cảm ơn đến Ban biên tập Tạp chí vì đã đồng hành cùng UEH trong nhiều hoạt động ý nghĩa suốt thời gian qua. Ảnh: UEH

Hai bên sẽ có kế hoạch phối hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển toàn diện của sinh viên và sự kỳ vọng từ cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, UEH và Tạp chí có thể cải tiến các tiêu chí đánh giá và nội dung của Giải thưởng, tập trung nhiều hơn vào việc khuyến khích các sinh viên triển khai dự án mang tính ứng dụng cao, có tính đổi mới sáng tạo, có khả năng triển khai thực tiễn và có thể hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động tích cực cho xã hội.

Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh. Với gần 50 năm phát triển, UEH không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện đại. Trường đã triển khai mô hình "Đại học đa ngành và bền vững," hướng đến mục tiêu trở thành một đại học uy tín trong khu vực châu Á vào năm 2030.

z6048167329778_985633d3e4ef9c492910c9e3e26d523f.jpg

UEH còn là trung tâm kết nối các nhà khoa học, tổ chức, và doanh nghiệp khi đã xây dựng mối quan hệ hợp tác với hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trường thường xuyên tổ chức các chương trình trao đổi tri thức, hội thảo, và sự kiện nhằm lan tỏa những giá trị đa ngành và ứng dụng thực tiễn. Với tinh thần đổi mới sáng tạo và sự đồng lòng của cả tập thể, UEH đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục và phát triển kinh tế của Việt Nam

Bức tranh thư pháp cách ngôn: “Tâm: Trong buôn bán kinh doanh nên có cái tâm. Hàng hoá phải là hàng thật. Nên biết trọng người, quý vật. Đừng tham cầu lãi lớn. Cho dù lẽ trời có ra sao, tuy trước mắt thu lợi ít nhưng không phải lo lắng về sau”.

Câu này là một phần cách ngôn số 129, trang 59, sách Kim cổ cách ngôn (1925) của Lương Văn Can, đã được TS. Lý Tùng Hiếu chú giải và giới thiệu, diễn đạt lại. Nguyên văn của đoạn cách ngôn này: “Đại để chuyển phiến kinh doanh, tu thị tiên tồn tâm địa. Phàm vật hoá tất chân. Hựu tu kinh tích. Hựu tu bất cảm tham cầu hậu lợi. Nhậm thiên lý như hà. Tuy mục hạ sở đắc chi bạc, tất vô hậu hoạn”.

Lương Văn Can thích nghĩa: “Đại khái người ta sửa sang buôn bán hẳn là trước phải giữ lấy tâm địa cho tốt, đồ hàng phải cho chân thật, lại phải kính tiếc của giời đừng có phao phí, lại phải không giám tham cầu lợi nhiều, tuỳ mặc nhẽ giời thế nào, thời trước mắt được lợi dẫu ít mà không có hại về sau”.

tam(1).jpg

TS. Lý Tùng Hiếu chú giải và diễn đạt cách ngôn này như sau: Người kinh doanh nên có cái tâm trung thực, công bằng, nhân hậu. Hàng hoá phải là hàng thật, không pha trộn, tráo đổi, gian dối cân lượng. Lại phải biết kiềm chế lòng tham, đừng tham cầu lãi lớn, cũng không tham lợi nhỏ, để thiệt cho người khác. Như vậy, tuy trước mắt có thể thu lợi không nhiều, nhưng lợi nhuận vững bền, không có gì phải lo lắng về sau.

Ngược lại, những người kinh doanh có cái tâm vụng trộm, chuyên toan tính điều lợi cho mình, lấy xảo trá cầu lợi, cầu giàu, lấy làm đắc sách, nhưng thật ra là tự mình gây tội ác. Họ sẽ không được hưởng lợi lâu dài, vì sự xảo trá tất có lúc lộ ra, của thiên trả địa.

Thông tin về danh nhân Lương Văn Can:

Lương Văn Can, nguyên tên là Lương Ngọc Can, tự Ôn Như, biệt hiệu Sơn Lão, sinh năm 1854 mất năm 1927 tại thôn Hạ, xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Vào buổi giao thời khi chuyển từ chế độ phong kiến sang chế độ thuộc địa bán phong kiến đầu thế kỷ XX, cùng với những chí sĩ cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can đã dành trọn đời của mình cho phong trào Duy Tân với chủ trương khôi phục đất nước bằng con đường nâng cao dân trí, cải tổ xã hội về mọi mặt, trong đó có kinh tế, giáo dục và văn hóa, với các hoạt động thực tiễn như mở mang kinh doanh, mở trường dạy quốc ngữ, bỏ lối học khoa bảng từ chương, thêm khoa học và ngoại ngữ cũng như hướng đến nền chính trị dân chủ.

Cụ Lương Văn Can đã tham gia sáng lập Đông Kinh Nghĩa thục, tiên phong trong công cuộc chấn hưng thực nghiệp để cổ vũ giới công thương người Việt. Rồi cụ Can tự mình thể nghiệm tư tưởng ấy bằng việc tổ chức kinh doanh ngay trong cảnh bị lưu đày ở Nam Vang (Camphuchia).

Cụ đã làm nên một cuộc cách mạng văn hóa - tư tưởng lấy: Giáo dục là nền tảng và kinh doanh, thương mại là con đường đi đến tự cường của một quốc gia; với triết lý kinh doanh “bình tâm công đạo”. Cụ được tôn vinh là “Người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam”.

Ngoài dạy học và tham gia kinh doanh, cụ Lương Văn Can còn viết và biên soạn 19 quyển sách, trong đó nổi bật nhất là hai tác phẩm Kim cổ cách ngônThương học phương châm đúc kết những chiêm nghiệm về đạo đức làm người, đạo đức kinh doanh và tri thức kinh doanh.

Đến nay, những triết lý và lời dạy của cụ về kinh doanh vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, việc xây dựng văn hóa kinh doanh đặc sắc của doanh nhân Việt Nam (những học trò của Lương Văn Can ngày nay) trên tinh thần của “đạo làm người” và “đạo làm giàu” theo tư tưởng của Lương Văn Can là hết sức có ý nghĩa.

Nhằm lan toả triết lý “đạo làm giàu” của Lương Văn Can, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Nghệ nhân Thư pháp Việt tiếp tục thực hiện 10 bức thư pháp “cách ngôn” được trích trong sách Kim cổ cách ngônThương học phương châm của cụ Can như là một lời tri ân, nhắc nhớ các doanh nhân về lời dạy của cụ Lương Văn Can.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh Nhân Sài Gòn thăm và chúc mừng Đại học Kinh tế TP.HCM nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO