Đào tạo

Doanh Nhân Sài Gòn thăm và chúc mừng Đại học Bách khoa TP.HCM nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngọc Quyên - Ảnh: Quỳnh Lâm 20/11/2024 11:09

Chiều ngày 19/11, nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2024), Ban biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã thăm và chúc mừng Ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM (HCMUT).

Tại buổi gặp gỡ, ông Ngô Xuân Lộc - Phó tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã gửi lời chúc mừng và tri ân sâu sắc đến ban giám hiệu cùng toàn thể đội ngũ giảng viên nhà trường vì những đóng góp không ngừng nghỉ trong sự nghiệp “trồng người”.

Đồng thời, ông cũng chia sẻ thông tin về Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, một sân chơi ý nghĩa do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn khởi xướng nhằm phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ có tố chất kinh doanh, góp phần đào tạo thế hệ doanh nhân tương lai. Nhà báo Xuân Lộc cũng cảm ơn đến Đại học Bách Khoa vì sự đồng hành xuyên suốt trong các hoạt động ý nghĩa của giải thưởng.

z6049293896787_176e02c541e2632194b66f3b5abeec98.jpg
Ban biên tập Tạp chí đã gửi lời chúc mừng và tri ân sâu sắc đến ban giám hiệu cùng toàn thể đội ngũ giảng viên nhà trường vì những đóng góp không ngừng nghỉ trong sự nghiệp “trồng người”

Dịp này, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cũng đã chia sẻ về các hoạt động nổi bật liên quan đến tủ sách doanh nhân, tiêu biểu là chương trình thường niên “Tuần lễ Doanh nhân và Sách”, được khởi xướng nhằm tôn vinh văn hóa đọc và truyền cảm hứng kinh doanh trong cộng đồng. Mỗi cuốn sách do doanh nhân viết trong tủ sách này như một kho tàng "tri thức sống", vô cùng ý nghĩa về bài học trong thương trường.

Với ý nghĩa đó, Đại học Bách khoa TP.HCM có thể hợp tác cùng Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn để mở rộng và đẩy mạnh hoạt động, giới thiệu các cuốn sách hữu ích cho sinh viên, giảng viên. Bên cạnh việc học hỏi từ những tấm gương doanh nhân quốc tế, nhà trường có thể sử dụng các cuốn sách trong "tủ sách doanh nhân" để truyền tải những câu chuyện thành công và bài học quý giá từ các doanh nhân Việt.

z6049291879674_02f2d94e0057072e10b29d80429a519b.jpg
Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa đã đón tiếp đoàn và gửi lời cảm ơn chân thành đến Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn

Thay mặt nhà trường, PGS-TS. Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa đã đón tiếp đoàn và gửi lời cảm ơn chân thành đến Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn vì sự quan tâm và tình cảm đặc biệt dành cho nhà trường trong ngày ý nghĩa của ngành giáo dục.

PGS-TS. Phạm Trần Vũ nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác lâu dài, thân thiết thông qua chương trình Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, nơi đã ươm mầm nhiều tài năng kinh doanh từ môi trường giáo dục Bách Khoa.

Ngoài ra, ông Vũ cũng đã trao đổi với đại diện ban biên tập Tạp chí về Giải thưởng Bách Khoa Innovation, một sân chơi khuyến khích đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên và giảng viên. Đại diện nhà trường bày tỏ mong muốn Tạp chí sẽ có thể đồng hành trong vai trò bảo trợ truyền thông, nhằm lan tỏa những giá trị đổi mới sáng tạo và kết nối cộng đồng.

z6049293896734_9af29eac12b464012d43fbe8f624a08f.jpg
Ông Ngô Xuân Lộc (thứ hai từ phải qua) tặng bức cách ngôn Lương Văn Can "Thẳng ngay" cho ban giám hiệu, giảng viên, nhân viên HCMUT

Buổi gặp gỡ đã diễn ra trong không khí ấm áp và trang trọng, khẳng định mối quan hệ hợp tác gắn bó giữa Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và Đại học Bách Khoa, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác bền vững trong tương lai.

Bức tranh thư pháp cách ngôn: “Cái lợi ích do thẳng ngay mà có, là lợi ích chân chính vậy”.

Câu này là cách ngôn số 93, trang 33, sách Kim cổ cách ngôn (1925) của Lương Văn Can, đã được TS. Lý Tùng Hiếu chú giải và giới thiệu diễn đạt lại.

Nguyên văn của cách ngôn này: “Do chính trực nhi đắc chi lợi ích, chân chính chi ích lợi dã”.

Lương Văn Can thích nghĩa: “Cái sự lợi ích bởi ngay thẳng mà làm được, thế mới là lợi ích chính đáng, nếu gian dối mà được thời chỉ là bất nghĩa mà thôi”.

thang-ngay.jpg

TS. Lý Tùng Hiếu chú giải và diễn đạt cách ngôn này như sau: Chính trực là ngay thẳng, cũng tức là chân thực, theo lẽ phải, không gian dối, không thiên vị. Người ngay thẳng là người thành thực, công bình. Người ngay thẳng đôi khi có thể bị đánh lừa, bị lợi dụng. Nhưng nói chung sự ngay thẳng thường hữu ích, vì nó tạo ra lòng tin và uy tín. Và cái lợi ích do ngay thẳng đó là một lợi ích chân chính, xứng đáng.

Ngược lại, có những người thu được lợi ích do gian dối nên đắc chí, ngỡ rằng gian dối, lừa đảo là thượng sách kinh doanh. Biết đâu rằng, của bất nghĩa là của phù vân, không thể bền lâu, tốt đẹp. Như tục ngữ Việt Nam: “Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ”. Trong Kim cổ cách ngôn, Lương Văn Can cũng viết: “Đời có người mang lòng dối trá mà lại muốn điều tốt đẹp. Thật không thuận lý. Có bỏ hết dối trá, trung hậu thuần nhất thì mới có điều tốt được” (cách ngôn 99).

Nhằm lan toả triết lý “đạo làm giàu” của Lương Văn Can, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Nghệ nhân Thư pháp Việt tiếp tục thực hiện 10 bức thư pháp “cách ngôn” được trích trong sách Kim cổ cách ngônThương học phương châm của cụ Can như là một lời tri ân, nhắc nhớ các doanh nhân về lời dạy của cụ Lương Văn Can.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh Nhân Sài Gòn thăm và chúc mừng Đại học Bách khoa TP.HCM nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO