Không chỉ là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM đặt mục tiêu sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Tại phiên khai mạc Đại hội Đảng bộ lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 diễn ra vào tháng 10/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vai trò đầu tàu kinh tế của TP.HCM đối với cả nước.
Theo đó, giai đoạn 2010 - 2015, tổng sản phẩm nội địa của TP.HCM tăng bình quân 9,6%/năm, chiếm 21,5% GDP quốc gia, thu nhập bình quân đầu người trên 5.500 USD, gấp hơn 2,5 lần so với bình quân cả nước, đóng góp hơn 30% thu ngân sách nhà nước, tăng gấp 2 lần giai đoạn 2006 - 2010.
Cơ cấu kinh tế của Thành phố chuyển dịch tích cực, đúng định hướng với dịch vụ chiếm 59,9%, công nghiệp - xây dựng chiếm 39,2%, nông nghiệp chiếm 0,9%. Hiện trên địa bàn TP.HCM có 18 khu công nghiệp (KCN) với tỷ lệ lấp đầy trên 90%.
Động lực phát triển kinh tế
Bên cạnh các ngành sản xuất công nghiệp, TP.HCM đã xây dựng Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao để thu hút các tập đoàn công nghệ đa quốc gia từ Mỹ, Nhật, Đức..., một mặt để cải thiện giá trị sản xuất công nghiệp, mặt khác giúp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Mục tiêu phát triển TP.HCM là trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á đã được Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh tại buổi làm việc với Công ty SemCorp Development (Singapore) mới đây.
Cụ thể là Thành phố khuyến khích doanh nghiệp (DN) trong nước lẫn nước ngoài đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, mô hình đô thị thông minh với vai trò là nhà đầu tư cấp 1 để thu hút DN khác cùng tham gia.
Song song với phát triển kinh tế, trong những năm qua, TP.HCM đã tích cực đầu tư cho hệ thống hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển, đồng thời từng bước hình thành một đô thị văn minh, hiện đại, với không gian đô thị dần mở rộng, tạo điều kiện cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM viện dẫn, chỉ sau 20 năm thực hiện chương trình cải tạo hệ thống kênh rạch trên địa bàn, dù gặp không ít khó khăn, trở ngại, trong đó có hơn 36.000 hộ bị ảnh hưởng do giải tỏa nhưng Thành phố đã kịp thời ổn định cuộc sống của người dân thông qua các chương trình tái định cư và hỗ trợ việc làm.
Việc di dời nhà trên kênh rạch đã mang đến những kết quả tích cực. Điển hình như đối với công trình cải thiện vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sau hơn 10 năm triển khai (từ năm 1993), giai đoạn 1 đã bước đầu xử lý được tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, đồng thời trả lại cảnh quan thông thoáng cho khu vực trung tâm.
Doanh nhân đi đầu
Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM hiện có khoảng 140.000 DN, chiếm khoảng 1/3 DN của cả nước. Nhìn nhận về vai trò của đội ngũ doanh nhân, lực lượng DN trong quá trình phát triển của Thành phố, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định: doanh nhân chính là người quyết định năng lực cạnh tranh của TP.HCM, là người trực tiếp đưa Thành phố trở thành đầu tàu kinh tế.
Do đó, cần thay đổi nhận thức về vai trò của doanh nhân, DN. Đảng bộ và chính quyền Thành phố luôn tạo điều kiện tối đa để DN sản xuất, kinh doanh.
Sự hỗ trợ DN của chính quyền, các cơ quan hữu quan nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có thể kể đến như chương trình kết nối ngân hàng - DN (đã cho vay được 71.461,8 tỷ đồng, với 3.293 khách hàng), chương trình kích cầu được triển khai có hiệu quả bằng nhiều hình thức, số lượng dự án tham gia. Đến nay, Thành phố đã phê duyệt 146 dự án với tổng mức đầu tư trên 14.937 tỷ đồng. Thành phố còn có chương trình tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN.
Theo đó, việc kết nối tín dụng với ngân hàng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Dư nợ cho vay ngắn hạn đối với những nhóm ngành ưu tiên đạt 153.840 tỷ đồng, trong đó cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 91.204 tỷ đồng, chiếm 59,3% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn đối với các nhóm lĩnh vực ưu tiên.
Song, để xây dựng đội ngũ doanh nhân, lực lượng DN vững mạnh, theo ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), các cơ quan quản lý của Thành phố phải đặc biệt chú ý giải quyết ba vấn đề cơ bản, gồm cơ chế, vốn và con người.
Đây là thế kiềng ba chân để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của DN TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung trong việc tạo dựng thế và lực trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới. Theo đó, việc cải cách thủ tục hành chính phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, từ rút ngắn quy trình, thủ tục cho đến thái độ phục vụ của công chức vì đây là căn cứ tiên quyết tạo niềm tin cho DN.
Thành phố cần nghiên cứu thành lập trường đại học, học viện đào tạo chuyên cho DN, doanh nhân. Đồng thời có cơ chế, chính sách tài chính phù hợp để DN tiếp cận được với lãi suất hợp lý.
"Ba vấn đề này nói thì đơn giản nhưng khi bắt tay thực hiện cần có sự phối hợp đồng bộ và quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Nếu được giải quyết, DN trên địa bàn TP.HCM chắc chắn sẽ tạo thêm được lợi thế cạnh tranh cả trên sân nhà lẫn thị trường thế giới", ông Huỳnh Văn Minh nhấn mạnh.
>Nâng cao năng lực cạnh tranh qua đào tạo kỹ năng trực tuyến
>Việt Nam xếp thứ 5 Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh nhân tài
>Top 10 nước năng lực cạnh tranh tốt nhất thế giới