Doanh nhân xưa

Doanh nhân Lê Cơ: Người thực hành duy tân xuất sắc

Thanh An (Tổng hợp) 15/12/2023 10:00

Vùng đất Quảng Nam được xem là cái nôi của Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX với nhiều tấm gương tiêu biểu trong cải cách kinh tế, mở mang thương cuộc cho nước nhà, trong đó có doanh nhân Lê Cơ.

tuong-doanh-nhan-le-co-tai-khu-di-tich-truong-tan-hoc-phu-lam-nguon-dong-huong-tien-phuoc-.jpg
Tượng doanh nhân Lê Cơ tại Khu di tích Trường Tân học Phú Lâm (Nguồn: Đồng hương Tiên Phước)

Lê Cơ sinh năm 1859 tại làng Phú Lâm, phủ Thăng Bình (nay là xã Tiên Sơn, tỉnh Quảng Nam). Lê Cơ là anh em cô cậu với chí sĩ Phan Chu Trinh.

Xuất thân trong một gia đình khá giả, Lê Cơ đã có điều kiện ăn học chu đáo, có thời gian học chung với Phan Chu Trinh.

Giống như Phan Chu Trinh, dù là người học rộng tài cao nhưng nhận thấy con đường khoa cử Nho học không còn phù hợp và đất nước đang chịu cảnh thuộc địa của thực dân Pháp, nên sau khi thi đỗ tam trường khoa Canh tý 1900, Lê Cơ trở về quê làm nông và mưu đường cứu nước.

Đầu thế kỷ XX, thông qua tư tưởng duy tân và chịu ảnh hưởng từ lời kêu gọi “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” do Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khởi xướng, Lê Cơ đã sớm nhận thức được việc mở mang dân trí, cải cách xã hội, phát triển thương cuộc là cấp thiết đối với nước nhà.

Năm 1903, khi tri phủ Thăng Bình biết được danh tiếng của Lê Cơ đã giao cho ông làm lý trưởng làng Phú Lâm. Lúc đầu ông từ chối, nhưng sau một thời gian suy nghĩ “dẫu không làm cho thiên hạ cũng thí nghiệm trong một làng”, ông nhận lời. Cũng từ đây, Lê Cơ bắt đầu thực hành duy tân, gây dựng niềm tin trong dân chúng về công cuộc “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” mà Phan Chu Trinh đang hô hào nhân dân cả nước.

Khi nhận chức lý trưởng, việc đầu tiên Lê Cơ làm là cải cách từ việc xâu thuế cho đến việc tế tự, canh phòng, trăm điều chấn chỉnh, khiến cho bọn cường hào không thể áp bức dân chúng như trước, vì thế mà dân trong làng đều thán phục ông.

Sau khi bài trừ nạn áp bức dân chúng, Lê Cơ mới thực hiện chí nguyện của bản thân. Công việc đầu tiên mà ông chọn là “khai dân trí” cho người dân bằng việc đệ đơn lên tri phủ Thăng Bình xin lập trường tân học Phú Lâm vào ngày 25/1/1904.

Trường tân học Phú Lâm nằm ở giữa làng Phú Lâm. Trường do Lê Cơ hô hào nhân dân trong xã đóng góp tiền của xây dựng trên một lô đất chưa đầy 50m2, mái lợp tranh, kè móng bằng đá tảng, tường được dựng bằng phên tre trát đất sét.

bia-tuong-nho-truong-tan-hoc-phu-lam-do-le-co-xay-dung-nguon-dong-huong-tien-phuoc-.jpg
Bia tưởng nhớ Trường tân học Phú Lâm do Lê Cơ xây dựng (Nguồn: Đồng hương Tiên Phước)

Trường khai giảng vào ngày 30/4/1904, chủ yếu dạy nam giới học, ban ngày dạy thanh niên, tối dạy trung niên, chủ nhật mọi người đến nghe diễn thuyết, nghe thơ, nói vè, đánh cờ. Từ trường ban đầu này, nhân dân Phú Lâm lập thêm bốn trường ở bốn phái, dạy nam giới học chữ Quốc ngữ, trường phái giữa chuyển sang dạy nữ thanh thiếu niên. Chương trình học gồm môn lịch sử, địa lý, toán đố, vẽ. Dần dần có một số thanh niên chuyển sang học chữ Pháp và chữ Nhật. Đặc biệt trường còn đưa cả chương trình quân sự học đường vào giảng dạy cho học sinh dưới hình thức thể dục thể thao. Số học sinh của trường, cả trai lẫn gái hơn 100 người. Giáo viên của trường đều là những người có học vấn cao, được học tại trường Pháp - Việt ở Hội An, dạy học không nhận lương, nhà trường chỉ lo tiền cơm và đi lại.

Quan điểm giảng dạy của trường làng Phú Lâm là không phải học cho giỏi để thi đỗ làm quan mà là nâng cao sự hiểu biết để lập thân, lập nghiệp nhằm phục vụ quê hương. Đến năm 1908, trong khoảng 1.200 người dân của xã từ 14 tuổi trở lên có đến 650 người đọc, viết thông thạo chữ Quốc ngữ.

Sau khi có kết quả đầu tiên từ việc “khai dân trí”, Lê Cơ tiếp tục “hậu dân sinh” bằng cách vận động nhân dân góp cổ phần thành lập Hội Buôn Phú Lâm, còn gọi là Thương hội Bình dân, ngụy trang dưới cái tên trong đơn xin thành lập là “Tiệm buôn tập hóa”, là thương hội duy tân thành lập sớm nhất ở Quảng Nam.

Hội Buôn Phú Lâm bắt đầu hoạt động vào tháng 5/1904 với cơ cấu tổ chức gồm ban trị sự và một số người chuyên đi mua mắm, muối, dầu, vải, nông cụ… ở Tam Kỳ, Hội An về bán cho dân, riêng giấy mực chỉ bán một số ít, phần lớn cấp không cho học sinh nghèo. Người buôn thúng bán bưng buổi sáng đến đây nhận hàng, buổi tối trở lại thương cuộc trả tiền vốn.

Hội Buôn Phú Lâm còn cho nông dân vay vốn để khỏi phải bị thương lái người Hoa ép “bán non” quế, hồ tiêu. Hội còn mở thêm tiệm tạp hóa trong làng để tiện cho người dân mua sắm vật dụng cần thiết.

Nhưng quan trọng hơn, Hội Buôn Phú Lâm còn là nơi để các nhà yêu nước gặp gỡ, tiếp xúc với sĩ phu các tỉnh khác để tuyên truyền vận động duy tân.

Tài chính của Hội Buôn Phú Lâm được hỗ trợ từ các “nông đoàn”, “hợp xã” do Lê Cơ thành lập với một ban điều hành sản xuất.

Trước đây, phần lớn ruộng đất ở Phú Lâm nằm trong tay nhà giàu nên nông dân phải làm thuê cho địa chủ. Để giúp họ đổi đời, Lê Cơ vận động những người khá giả trong làng có nhiệt tình với công cuộc cải cách tự nguyện hiến đất vườn để những nhà nghèo trồng thơm, chuối, quế, chè, tiêu. Ông cho tập trung những đám ruộng hiến, ruộng công, ruộng vỡ hoang, ruộng đổi, ruộng chùa để dân cày cấy chung, tính chất như hợp tác xã để thoát kiếp cày thuê cuốc mướn bị địa chủ bóc lột. Thu nhập từ sản phẩm do nông đoàn làm ra, một phần chi để nộp thuế, một phần ủng hộ người xuất dương, nuôi thầy dạy học, phát sách vở cho học sinh nghèo. Hai phần ba còn lại chia cho nông dân, trả tiền thuê trâu, giúp đỡ những người tàn tật, già cả neo đơn.

Lê Cơ còn cho lập lò rèn, xưởng mộc để vừa phục vụ nhu cầu khai hoang lập vườn trồng quế, vừa giúp thương hội bán ra bên ngoài. Để giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực, Lê Cơ cho lập cuộc bảo hiểm, canh phòng kẻ trộm cướp. Nhà có ruộng, có vườn quế phải nộp lúa để phát cho dân tuần. Ông còn cho lập một đội tuần đinh lấy tên là “Đoàn kết”, mỗi tổ gồm 10 người để canh phòng làng xóm vào buổi tối.

Về “chấn dân khí”, Lê Cơ là một trong những người đi đầu và vận động bà con từ bỏ nếp sống lạc hậu, hướng đến nếp sống văn minh, tiến bộ. Ông vận động mặc áo ngắn, cắt tóc ngắn. Ông còn chỉ rõ tác hại khi tổ chức những nghi lễ rườm rà và không ngần ngại nói cho mọi người biết những nghi lễ đó là cơ hội để cường hào, lý hương thể hiện quyền uy, chia lợi lộc. Ông cũng khuyên mọi người không cờ bạc, rượu chè quá đà và vợ chồng không được gây gỗ đánh nhau. Quan trọng nữa là qua những lần nói chuyện hay lẽ phải, những cái mới nên theo, ông đều đề cập tới dân quyền, dân chủ cho mọi người cùng biết.

Những năm làm lý trưởng, Lê Cơ đã làm cho làng Phú Lâm thay đổi hẳn về mọi mặt, từ kinh tế, văn hoá, giáo dục đến xã hội.

di-tich-nha-tu-lao-bao-noi-le-co-hy-sinh-nguon-ban-quan-ly-di-tich-nha-tu-lao-bao-.jpg
Di tích nhà tù Lao Bảo, nơi Lê Cơ hy sinh (Nguồn: Ban Quản lý di tích Nhà tù Lao Bảo)

Danh tiếng và ảnh hưởng của Lê Cơ và Hội Buôn Phú Lâm ngày càng lớn đã khiến chính quyền thực dân lo ngại. Trong giai đoạn 1907-1908, khi phong trào Duy Tân ngày một lan rộng khắp Quảng Nam, Lê Cơ trở thành một trong những cái tên khiến thực dân Pháp phải chú ý đề phòng. Đầu năm 1908, phong trào biểu tình chống thuế nổ ra ở Trung kỳ đã lan đến Quảng Nam thu hút rất nhiều nhân sĩ yêu nước. Sáng ngày 30/3/1908, Lê Cơ lãnh đạo hàng nghìn nông dân tập trung tại đình làng hô hào chống sưu thuế, bắt cường hào, rồi kéo xuống bao vây phủ Tam Kỳ ba ngày đêm. Sáng ngày 4/4/1908, thực dân Pháp giải vây thành công, bắt được Lê Cơ, chúng xử phạt 100 trượng và 5 năm tù khổ sai.

Năm 1913, Lê Cơ ra tù và trở về Phú Lâm tiếp tục hoạt động chống thực dân Pháp, chuẩn bị tham gia Việt Nam Quang phục Hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Lê Cơ: Người thực hành duy tân xuất sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO