Doanh nhân dạy con hướng nghiệp - Gieo ước mơ, khơi sáng tiềm năng cho trẻ (P1)

Dương Nguyễn| 28/06/2020 02:12

Xã hội phát triển nhanh giúp việc tiếp cận thông tin của giới trẻ ngày một dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đối với việc chọn nghề nghiệp trong tương lai, con trẻ vẫn rất cần sự lắng nghe và định hướng của gia đình.

Đối với giới doanh nhân, để con lựa chọn nghề nghiệp theo sở thích hay hướng con nối nghiệp gia đình luôn là vấn đề đáng bàn. Nhân kỷ niệm 19 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2020), báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức Talkshow: “Doanh nhân dạy con hướng nghiệp”. Chương trình diễn ra vào sáng ngày 27/6/2020, tại khách sạn Rex (141 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM), dưới sự dẫn dắt của ông Ngô Thanh Tùng - Phó chủ tịch CLB Doanh Nhân Sài Gòn - đồng sáng lập Trường Mầm non EIJIKO.  

Diễn giả tham gia chương trình gồm: Bà Ngọc Thị Yến - Giám đốc Cty TNHH TM và DV Ý Ngọc, ông Phan Công Chính - Chủ tịch HĐQT Công ty YOOT, bà Lâm Thuý Ái - Phó TGĐ Mebipha và ThS Tâm lý Nguyễn Thị Tâm.

Dành thời gian đồng hành cùng con 

Ông Ngô Thanh Tùng cho rằng, gia đình chính là cái nôi giúp trẻ trưởng thành, giúp con định hướng đúng về nghề nghiệp trong tương lai. Nhưng doanh nhân - những người luôn bận rộn chèo lái con thuyền của doanh nghiệp, ông Tùng đặt vấn đề, họ đóng vai trò thế nào trong việc định hướng nghề nghiệp cho con cái?

Bà Ngọc Thị Yến cho rằng, giúp con có nghề nghiệp tốt khi trưởng thành, có sự nghiệp và cuộc sống thành công, luôn là vấn đề được cha mẹ coi trọng, đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, cuộc sống ngày nay là không gian mở, con cái có cơ hội tìm hiểu tất cả các phương tiện. Đôi khi chúng ta có kinh nghiệm nhưng chưa thật sự bao quát hết được.

Vì vậy theo bà Yến, việc hướng nghiệp cho con cần xác định rõ là hướng nghiệp hay đồng hành. Định hướng không phải không tốt, bởi vì cha mẹ có những kinh nghiệm sống nhất định. Nhưng đồng hành cũng là yếu tố không nên xem nhẹ, vì nó giúp con cái cảm nhận được có sự tự do lựa chọn.

Quan trọng là dạy cho con được kỹ năng sống, kỹ năng tự lập. Bà Yến nói nên coi đây là hai điều song song, thậm chí là tùy theo con cái mà chọn một trong hai.

Với ông Phan Công Chính - Chủ tịch HĐQT Công ty YOOT thì không đặt nặng vấn đề định hướng. Khi con còn nhỏ, ông đã chú ý gieo cho con những hạt giống tích cực như ước mơ, tự chủ bản thân, tập trung, nhân ái, nỗ lực và cả buông bỏ. Như vậy, cho dù các con chọn bất cứ ngành nghề gì thì hạnh phúc và thành công cũng đợi các con ở phía trước.

Ông Phan Công Chính - Chủ tịch HĐQT Công ty YOOT chia sẻ, khi con còn nhỏ, ông đã gieo cho con những hạt giống tích cực như ước mơ, tự chủ bản thân...

Ông Phan Công Chính - Chủ tịch HĐQT Công ty YOOT chia sẻ, khi con còn nhỏ, ông đã gieo cho con những hạt giống tích cực như ước mơ, tự chủ bản thân...

Để định hướng được thì ba mẹ phải thấy hướng. Nhưng ngoài xã hội có cả trăm ngành nghề khác nhau (trên 300 ngành nghề đào tạo trong các trường đại học). Nếu chúng ta chưa biết hướng mà định hướng thì sẽ gặp vấn đề.

Bà Lâm Thuý Ái chia sẻ, bà đã đồng hành với con từ khi con còn nhỏ. Việc đồng hành vô tình góp phần ảnh hưởng lên định hướng của con sau này. Hiện tại, con gái của bà 16 tuổi và con trai 13 tuổi đã có định hướng sau này sẽ làm gì. Tất cả các môn học hiện giờ đều phục vụ cho định hướng đó.

Khái quát thông điệp của mình tới các bậc phụ huynh tại Talkshow, bà Ái nhắn nhủ: “Cha mẹ hãy hiểu con, làm bạn với con, mục đích cuối cùng của cha mẹ là muốn con hạnh phúc, đừng ép con làm những nghề con không thích”.

Thuy-Ai-9272-1593317607.jpg

Bà Lâm Thuý Ái chia sẻ, việc đồng hành sẽ góp phần ảnh hưởng đến định hướng của con sau này

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm đánh giá, cha mẹ là doanh nhân thì luôn có những trải nghiệm đặc biệt trong việc dạy con mình. Mọi người thường nghĩ rằng dạy con, hướng nghiệp là việc của nhà trường và xã hội. Thực tế thì vai trò của cha mẹ là cực kỳ quan trọng.

Bà Tâm đánh giá cao ý tưởng gieo cho con những hạt mầm tích cực mỗi ngày. Do trong giai đoạn đầu đời rất quan trọng để hình thành nhân cách và tài năng thiên bẩm của con. Cha mẹ là những người tuyệt vời nhất để đồng hành và khơi sáng các tiềm năng đó.

Trẻ con ở độ tuổi 9-12 là thời điểm rực rỡ nhất để phát triển tư duy sáng tạo. Nếu cha mẹ đồng hành, cùng chơi với con, giúp con kích thích tư duy sáng tạo thì những đứa trẻ đó sau này sẽ rất phát triển tư duy. Ngày nay, người ta hơn nhau ở sự sáng tạo.

Ở độ tuổi này, trẻ em cũng có nhiều ước mơ, đây là nền tảng hình thành định hướng nghề nghiệp sau này. Bởi vì cái gì người ta thích nhất, đam mê nhất thì họ sẽ dễ thành công nhất. Lúc này cha mẹ nên ngồi xuống lắng nghe và chất vấn con, tại sao con ước mơ điều này? Thần tượng điều gì? Tất cả điều đó sẽ giúp con hiểu bản thân hơn, suy nghĩ chín chắn và trưởng thành hơn, giúp con viết ra ước mơ và mục tiêu cuộc đời của con.

Đồng hành và định hướng giúp con cái không ai khác làm tốt hơn vai trò cha mẹ.  Theo ông Ngô Thanh Tùng, doanh nhân luôn là những người bận rộn. Vì vậy, việc dành thời gian cho con từ lúc nhỏ cho đến khi lớn cũng là vấn đề không hề đơn giản.

Bà Lâm Thuý Ái đồng ý rằng, việc sắp xếp thời gian cho con giữa bộn bề công việc công ty và gia đình là không phải dễ. Để sắp xếp, trước hết, bà Ái xác định rõ việc kinh doanh là dành cho ai và mục đích cuối cùng là gì?

Trong mỗi giai đoạn con trưởng thành, bà Ái dành thời gian khác nhau. Khi con còn nhỏ thì không mất nhiều thời gian. Nhưng khi con lên 4 tuổi, khi con đi nhà trẻ về thì bà cứ loay hoay với con. “Những năm tháng đó hầu như tôi không xuất hiện ngoài xã hội, công ty thì chỉ hỗ trợ từ xa”, bà Thúy Ái chia sẻ.

Khi con đến 7 tuổi, bà ưu tiên hai ngày cuối tuần cho gia đình, còn lại cho công việc. Khi con lớn hơn, công việc nhiều song song với nhu cầu của con cũng lớn hơn. Lúc này, bà lồng ghép thời gian đồng hành với con qua công việc. Một số công việc ở công ty bà cho con đi theo, các buổi đi chơi của con (xem phim, gặp bạn bè), bà Ái cũng cố gắng đi theo con để hiểu con hơn. Theo bà Ái, gần như không ai dạy chúng ta làm cha làm mẹ cả, chúng ta phải sắp xếp ưu tiên cái gì trước cái gì sau. 

Với bà Ngọc Thị Yến, bà luôn đồng hành dạy con về lòng nhân ái, tính trách nhiệm và sự gắn kết trong gia đình từ nhỏ. Khi con lớn và bộc lộ năng khiếu, bà luôn tạo điều kiện để hỗ trợ con chọn ngành con thích. “Khi chúng ta dành thời gian cho con cái, giữa bộn bề công việc, điều quan trọng nhất là lòng yêu thương dành cho con cái. Đôi lúc sau khi làm việc xong, chỉ cần gọi điện hỏi thăm con thôi cũng là nguồn động viên rất lớn với con rồi”, bà Yến tâm sự.

Ở mỗi giai đoạn trưởng thành của con, cha mẹ cần có cách đồng hành với con khác nhau. Theo bà Yến, cha mẹ phải chấp nhận có những lúc con cái không thích mình kề cận nữa. Khi con lớn, mình nên trở thành bạn bè, đồng hành theo cách rủ rê đi chơi chung. Đó là cơ hội để giúp con trưởng thành hơn.

Ông Phan Công Chính cho rằng, nói bận thì lúc nào cũng bận. Nhưng ông có nguyên tắc mỗi ngày phải dành thời gian cho con bao nhiêu, đưa luôn vào lịch làm việc.

Lúc con còn nhỏ thì ông thường xuyên đưa con đi học và dành thời gian nói chuyện với con. Tối chủ nhật thì đưa cả gia đình đi ăn, mỗi năm đi du lịch 2 lần, dịp hè và tết. Thời gian như vậy cũng đủ nói chuyện với con và hiểu con. “Lúc con còn nhỏ thì kể chuyện là cách nói chuyện tốt nhất. Điều này yêu cầu mình học để trở thành người kể chuyện giỏi”, ông Chính kể.

Khi trò chuyện với con nhiều giúp tạo ra mối thân tình với con. Sau đó ông phải dành thời gian ngẫm nghĩ vể con, để định hình khuynh hướng của con. Bên cạnh đó, ông cũng phải tăng kiến thức, để tránh đưa ra nhận định sai, tránh áp đặt con mình.

Hiện tại, con ông sắp đi du lịch, thời gian này ông tranh thủ gieo cho con hạt giống tự chủ. Ông khuyến khích con mình cùng với bạn đến sống 3 ngày tại một mái ấm ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) để giúp con gieo mầm lòng nhân ái và tính tự lập.

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm đánh giá, khi cha mẹ dành thời gian cho con, nên dành trọn vẹn tâm tư cho con, gác lại hết mọi công việc. Khi đó con sẽ biết dù mình rất bận nhưng vẫn dành thời gian cho con, không thấy bị mất mát và mãn nguyện. Nếu không dành thời gian, con sẽ mặc cảm và nghĩ bị bỏ rơi.

ThS-Tam-2415-1593317607.jpg

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm cho rằng, cha mẹ phải xây dựng cho con cảm thức yêu và thuộc về. Có vậy, dù có đi xa, con cái cũng muốn quay về với gia đình.

Ngoài ra, cha mẹ phải xây dựng cho con cảm thức yêu và thuộc về. Chẳng hạn như văn hóa gia đình là những chuyến du lịch chung. Vào dịp gia đình quây quần bên nhau, cha mẹ có cơ hội kể cho con nghe những câu chuyện sâu sắc, cài đặt vào tâm thức con những ký ức đẹp, thì mới làm con cảm thấy thuộc về và yêu thương gia đình này. Dù có đi xa, con cái cũng muốn quay về với gia đình.

Định hướng cho con, cha mẹ trước hết phải có kiến thức

Ông Ngô Thanh Tùng nhận xét, cha mẹ sẽ có nhiều cách riêng để đồng hành với con. Nhưng việc định hướng nghề nghiệp là chuyện đáng bàn. Chẳng hạn khi con không giỏi tính toán nhưng lại muốn theo học trường kiến trúc. Vậy trong trường hợp này, cha mẹ là doanh nhân phải làm thế nào cho hợp lý?

Để giải đáp vấn đề ông Tùng đặt ra, bà Thúy Ái chia sẻ câu chuyện cụ thể về con gái mình. Công ty Mebipha của bà cần chuyên ngành dược, nhưng con gái chỉ giỏi các môn về xã hội như mỹ thuật. Thấy vậy bà cũng không ép con phải theo nghề, mà hỗ trợ con theo ngành con thích.

Hiện tại, con gái bà Ái đang xác định theo nghề thiết kế nội thất và quản trị kinh doanh. Trong một lần đi du lịch, khi hỏi thử con gái xem khách sạn đó thuộc kiến trúc nào, con gái bà liền trình bày đầy đủ lý lịch về kiến trúc đó. Bởi vậy theo bà Ái, định hướng cho con là một chuyện, nhưng cha mẹ cần quan tâm hơn đến sở thích và năng khiếu của con.

Đối với vấn đề con không giỏi tính toán nhưng lại muốn theo học trường kiến trúc, ông Phan Công Chính cho biết sẽ giúp cho bé hiểu thật chính xác kiến trúc sư làm gì, triển vọng tương lai thế nào. Sau đó dẫn bé đến công ty nào đó để thấy rõ công việc đó và tự cảm nhận là tốt hay xấu.

Theo ông Chính, không phải trẻ em nào cũng tiếp thu được cách giáo dục đọc viết. Có những trẻ tiếp thu rất nhanh sau khi thực hành, đây cũng là cách học phổ biến của những trẻ có tính sáng tạo.

Diengia-2387-1593317607.jpg

Theo ông Chính, không phải trẻ em nào cũng tiếp thu được cách giáo dục đọc viết. Có những trẻ tiếp thu rất nhanh sau khi thực hành, đây cũng là cách học phổ biến của những trẻ có tính sáng tạo.

Hiện nay ông Chính đang thực hiện dự án hướng nghiệp theo hướng doanh nghiệp hướng nghiệp. Dự án này ông Chính kết hợp với báo Doanh Nhân Sài Gòn làm những video về hàng trăm công việc thực tế tại doanh nghiệp, ở nhiều vị trí việc làm khác nhau. Kế tiếp ông sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về các trường và ngành học nào có đào tạo nghề đó, cho cả nhu cầu trong nước và du học.

Để định hướng cho con theo ngành nghề nào phù hợp, Thạc sĩ Tâm cho rằng, cha mẹ trước hết phải có kiến thức, hướng nghiệp là một môn khoa học.

Đối với những cơ nghiệp lớn, cha mẹ nào cũng có mơ ước để cho con cái kế thừa. Đó là nhu cầu chính đáng nhưng đôi khi cuộc sống không chiều lòng chúng ta. Theo bà Tâm, con người có tới 8 loại trí thông minh. Mỗi người sinh ra có sở trường và sứ mạng khác nhau. Cha mẹ là bác sĩ thì con không hẳn phải trở thành dược sĩ hay nhà hóa học.

Trước khi hướng nghiệp, cha mẹ cần trang bị cho con những nhận thức cần thiết. Chẳng hạn nhận thức giải quyết vấn đề (không phải là kỹ năng). Thông qua những việc làm hàng ngày, cha mẹ doanh nhân chia sẻ lại với con, sẽ giúp con thông minh và trưởng thành hơn.

Ngoài định hướng của cha mẹ, giới trẻ ngày nay được tiếp cận thông tin nhiều chiều, nên cũng có ý kiến chủ quan trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Do đó, ông Ngô Thanh Tùng nhận xét, không phải khi nào cha mẹ định hướng trẻ cũng sẽ nghe theo. Với doanh nhân là người lãnh đạo ở doanh nghiệp, việc định hướng cho con ắt hẳn sẽ có những “xung đột” nhất định?

Đồng tình với ông Tùng, bà Ngọc Thị Yến cho rằng chuyện “xung đột” là có nhưng cũng không phải là xấu.

Người con lớn đã có công việc ổn định và độc lập, nhưng người con thứ hai khiến bà Yến hay “đau đầu”. Người này hay làm những gì mình thích và có quan điểm hơi khác với mẹ mình. Người con này thích làm những việc kinh doanh có tính xã hội như mở nhà hàng hay đầu tư. Trong khi đó, bà Yến thì lo rằng những việc đó dễ gặp rắc rối về vấn đề an ninh trật tự. Bà kể, khi nghe con giải thích vấn đề bà lo không khó, khó ở chỗ kỹ thuật kinh doanh thôi, thì bà không phản bác nữa mà còn phải lắng nghe lại.

Dù để con thử nghiệm, nhưng bà cũng yêu cầu con lên kế hoạch cụ thể rồi âm thầm hỗ trợ. “Không phải lúc nào cha mẹ nói ra con cái cũng răm rắp nghe theo đâu, đó là thực tế. Nhưng quan trọng con cái được trưởng thành, nó tôn trọng mình là tốt rồi”, bà Yến kết luận.

Dù có những lúc “xung đột” với con cái trong quá trình hướng nghiệp, theo ông Ngô Thanh Tùng, thực tế vẫn có nhiều cha mẹ muốn con kế nghiệp mình. Vậy các bậc cha mẹ sẽ thỏa thuận với con như thế nào?

Theo bà Lâm Thuý Ái, để khẳng định rằng con cái có kế nghiệp mình hay không thì chắc không doanh nhân nào dám nói trước, dù cơ nghiệp lớn hay nhỏ.

Bà kể, có bạn bè đặt để con vào vị trí kế thừa cơ nghiệp sau khi du học về. Nhưng sau vài năm thì vẫn chưa có dấu ấn nào đáng kể. Có trường hợp thì cái bóng người cha quá lớn, cũng có khi vì tài sản quá lớn, cha mẹ không dám giao hết, sợ thất bại.

Với bà Ái, bà sẽ không ép buộc. Nếu con bà muốn theo nghiệp gia đình, bà sẽ giao lại nếu con chịu chấp nhận làm việc từ vị trí số 0. “Con phải làm việc để hiểu rõ từng vị trí để có cơ hội trở thành quản lý giỏi thì tôi sẽ giao”, bà Ái chia sẻ. Nếu con muốn làm mà làm không được thì tốt nhất nên chỉ là cổ đông, còn quản lý doanh nghiệp thì thuê người khác làm.

Ngoc-Thi-Yen-5287-1593317607.jpg

Theo bà Ngọc Thị Yến, dù con cái không đi chung hướng với với mình, nhưng chúng ta vẫn còn là chỗ dựa và được con cái tôn trọng, gia đình vẫn còn niềm vui và hạnh phúc, là đã thành công rồi.

Bà Ngọc Thị Yến cho rằng, tùy theo lĩnh vực mà quy mô của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp lớn và có thương hiệu thì nên để con cái kế nghiệp. Còn doanh nghiệp không có thế mạnh về sản xuất hoặc quy mô thì cha mẹ đừng nên đặt nặng vấn đề kế thừa. Cha mẹ nên là chỗ dựa tinh thần, giúp con cái an yên, tự tin chiến đấu với cuộc sống. “Dù con cái không đi chung hướng với với mình, nhưng chúng ta vẫn còn là chỗ dựa và được con cái tôn trọng, gia đình vẫn còn niềm vui và hạnh phúc, với tôi là đã thành công rồi”, bà Yến tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân dạy con hướng nghiệp - Gieo ước mơ, khơi sáng tiềm năng cho trẻ (P1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO