Khó khăn tìm lao động
Hiện nay, cộng đồng DN rất mong được hoạt động trở lại để không mất thị trường vào đối thủ nước ngoài, nhất là ngành dệt may, thủy sản, điện tử. Thế nhưng, ngay khi mở cửa lại, DN đều vấp phải vấn đề là lấy lao động từ đâu để sản xuất.
Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, nhờ xây dựng 4 nhà máy ở 4 địa phương (Hải Dương, Quảng Ngãi, Hậu Giang và TP.HCM) nên khi công nhân nhà máy ở TP.HCM dính F0, gần như đóng cửa thì nhờ ba nhà máy còn lại công ty mới có dòng tiền hoạt động.
Hiện nhà máy tại TP.HCM chỉ hoạt động với chưa đầy 30% lao động. Nhưng để thu hút thêm công nhân, chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa, với Nam Thái Sơn lúc này là không dễ. Hiện nay, việc tìm được nguồn lao động cho nhà máy ở TP.HCM là cực kỳ khó khăn. Công ty đã vận động bằng nhiều cách nhưng mỗi ngày cũng chỉ có thêm vài lao động.
Trong nhà máy hơn 600 lao động của Công ty Nam Thái Sơn tại TP.HCM có 500 người đến từ nhiều địa phương. Hiện nay, một số đã về quê, số chưa về quê thì tìm cách ở nhà. "Họ rất sợ phải vào nhà máy, làm việc ở những khu có F0. Lúc nào họ cũng yêu cầu phải phun khử trùng những khu vực đã có F0. Phải nói là người lao động đang trong tâm trạng hoang mang và sợ hãi. Họ chấp nhận thiếu thốn chứ không chấp nhận làm việc theo cách"ba tại chỗ”, ông Việt Anh chia sẻ.
Tương tự, ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Công ty May Vietthang Jean cho biết, hiện ngành dệt may có hơn 2 triệu lao động phải nghỉ việc vì dịch bệnh, tương đương 70% lao động của ngành. Vì vậy, để phục hồi sản xuất là điều rất khó khăn với DN may. Hầu hết người lao động đã về quê, chưa được tiêm vaccine và lo ngại dịch bệnh nên chưa muốn quay lại làm việc. Với nguồn lao động hiện có, chỉ 30-40% DN đủ năng lực phục hồi nếu mở cửa sau ngày 30/9/2021. Trong khi đó, để phục hồi 50% lực lượng lao động phải cần đến 6 tháng và phục hồi 100% lao động phải mất 1,5-2 năm.
Theo ông Phạm Văn Việt, hiện tại nhà máy Vietthang Jean đang thiếu người và sắp tới đây sẽ còn thiếu lao động hơn nữa vì số công nhân nữ phải nghỉ ở nhà để giúp con học online. Công ty đã có những đơn hàng đến cuối năm nhưng vì thiếu lao động nên đành phải để đối tác tìm đến các đơn vị khác.
Đưa công nhân trở lại nhà máy
Cũng theo ông Phạm Văn Việt, để nhà máy có đủ công nhân sản xuất, DN có đủ lao động làm việc, lãnh đạo TP.HCM nên nhanh chóng đón người lao động từ các tỉnh về và tổ chức tiêm vaccine cho họ.
"Kéo người lao động trở lại Thành phố thì phải bố trí chỗ ở cho họ trong thời gian cách ly 14 ngày. Sau đó xét nghiệm an toàn thì tiêm vaccine cho họ rồi mới đưa vào nhà máy. Với hình thức này, Thành phố nên phối hợp với các DN để thực hiện. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với chính quyền đón người lao động và phải có chính sách thì mới thu hút họ trở lại lúc này được", ông Phạm Văn Việt nói.
Ông Phạm Văn Việt cũng đề nghị TP.HCM thành lập tổ hỗ trợ công nhân, phối hợp với DN rà soát lại các chính sách an sinh, nơi lưu trú, an ninh trật tự...
Cùng quan điểm ấy, ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, hiện Khu công nghệ cao đang thực hiện thí điểm phương án "bốn xanh" ở một số DN. Khi mô hình "bốn xanh" được mở rộng cộng với việc phối hợp với nhiều phương án khác, các DN tại đây mới mở rộng quy mô sản xuất.
Bên cạnh đó, do lượng lao động của các DN trong Khu công nghệ cao đến từ Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An nên để đưa họ trở về nhà máy là rất khó khăn. "Vì vậy, để có đủ lao động cho DN sản xuất, phục hồi quy mô sản xuất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa TP.HCM và các tỉnh. TP.HCM và các tỉnh cần nới lỏng một số điều kiện phòng, chống dịch để DN có thể tiếp cận lao động ở những địa phương khác, đưa công nhân trở lại nhà máy", ông Nguyễn Anh Thi đề xuất.
Trong khi đó, ông Trần Việt Anh cho rằng, DN nên có trạm y tế đúng tiêu chuẩn phòng, chống dịch Covid-19 (có nhân viên y tế chuyên nghiệp và những trang thiết bị, thuốc men cần thiết) để tạo tâm lý an tâm cho người lao động. Các khu công nghiệp cần có bệnh viện dã chiến để chữa trị cho F0.
"DN không thể chỉ dùng lương, thưởng, phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động như lâu nay. Trong thời điểm này rất cần chính sách chăm sóc người lao động, đảm bảo sự an toàn cho họ để tạo tâm lý ổn định là rất quan trọng", ông Trần Việt Anh chia sẻ.
Ông Trần Việt Anh còn đề xuất vấn đề tái cấu trúc lại thị trường lao động. Bên cạnh sự đồng hành của chính quyền cần thu hút lao động cho tái sản xuất nhưng không tập trung, dàn trải ở các tỉnh phía Nam như lâu nay. Làm sao để lực lượng lao động đã trở về địa phương được làm việc tại nơi họ vừa trở về. Nhà nước tăng cường đầu tư công, tăng cường phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp để lực lượng đó về địa phương không quay trở lại miền Nam mà vẫn có việc làm, vẫn có thu nhập. Đây là việc cần thiết và phải làm ngay.
Ở góc độ của một chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, đảm bảo đời sống, cả vật chất, cả tinh thần cho người lao động là vấn đề rất quan trọng, tạo động lực để họ làm việc. Hiện Chính phủ có gói tài chính 26.000 tỷ đồng nên cần hỗ trợ ngay cho DN với hạn mức cụ thể để DN có nguồn tiền hỗ trợ người lao động để họ yên tâm trở lại làm việc.