Theo dự thảo, Đề án có ba mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng khung khổ lý luận về đổi mới phương thức quản lý nhà nước (QLNN) trong lĩnh vực kinh tế (tập trung vào đối tượng là kinh tế tư nhân); bao gồm: vị trí, vai trò của Nhà nước; mức độ can thiệp và các phương thức, cách thức can thiệp của Nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân, theo thông lệ phổ biến trên thế giới.
- Tổng quan hiện nay về những đổi mới trong phương thức QLNN đối với kinh tế tư nhân; đánh giá thực trạng, những tồn tại, hạn chế hiện nay về QLNN trong lĩnh vực kinh tế tư nhân.
- Đề xuất các kiến nghị về nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện phương thức QLNN đối với phát triển kinh tế tư nhân.
Trong thực tế thời gian qua, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng đổi mới phương thức QLNN đối với khu vực kinh tế tư nhân vẫn tồn tại những bất cập như: Các định hướng lớn chưa mang tính thực tiễn, gắn với số lượng nhiều hơn chất lượng. Trong khi chỉ tiêu về số lượng khó có thể đạt được, thì số lượng doanh nghiệp (DN) cũng không phản ánh được chỉ tiêu chất lượng, bởi sự phân bổ không đều, thiếu các DN cỡ vừa ở Việt Nam. Mối quan hệ của khu vực kinh tế tư nhân với các khu vực kinh tế khác trong việc đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội chưa được làm rõ. Cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành để cải thiện môi trường kinh doanh chưa được thực hiện đồng bộ ở các bộ, ngành và địa phương nên hiệu quả chưa cao. DN thuộc khu vực tư nhân khi tham gia xã hội hóa vẫn bị phân biệt đối xử so với các tổ chức sự nghiệp công lập thuộc Nhà nước...
Nguyên nhân của những hạn chế trên là tư duy bao cấp còn nặng, tư tưởng ban phát chưa được khắc phục trong bộ máy QLNN. Cơ quan hành chính vẫn tự cho mình đứng trên DN, chỉ lo quản lý thay vì phục vụ DN, nhất là DNTN. Cơ quan nhà nước có xu hướng dành việc dễ cho mình, chưa thực sự có ý thức tạo thuận lợi cho DN. Sự phối hợp giữa các cơ quan QLNN trong hoạt động hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân còn thiếu chặt chẽ. Đội ngũ công chức, viên chức còn bất cập cả về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp...
Dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ quan điểm chỉ đạo đổi mới phương thức QLNN đối với khu vực kinh tế tư nhân như sau:
Quan điểm 1: Khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nên Nhà nước cần phải thường xuyên đổi mới mạnh mẽ phương thức QLNN đối với khu vực này.
Quan điểm 2: Nhà nước thực hiện QLNN thông qua luật pháp, do vậy hệ thống luật pháp cần phải luôn hoàn thiện và giữ vị trí trung tâm trong đổi mới.
Quan điểm 3: Thay đổi tư duy QLNN, theo đó Nhà nước coi DN là khách hàng được phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý.
Quan điểm 4: Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số, do vậy, Nhà nước phải tiếp cận một hệ thống thể chế với tư duy hiện đại, theo kịp tình hình mới.
Quan điểm 5: Nâng cao năng lực bộ máy QLNN trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đáp ứng yêu cầu quản lý và khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.