Tính đến hết ngày 27/9/2022, tổng số dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 813. Trong số đó, Tổng cục Thuế đã kết nối tích hợp 97 dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục Hải quan 98 dịch vụ công trực tuyến, Kho bạc Nhà nước 9 dịch vụ công trực tuyến, cơ quan Bộ Tài chính 56 dịch vụ công trực tuyến, Ủy ban Chứng khoán là 36 dịch vụ công trực tuyến.
Tổng cục Thuế cho biết, đến nay Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai theo hiệu lực của Luật Quản lý thuế. Tính đến hết tháng 9/2022, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là 1,5 tỷ hóa đơn.
Việc triển khai hóa đơn điện tử góp phần đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội như tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường… Ngoài ra, còn tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc, theo đó 99% doanh nghiệp trong tổng số hơn 870.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử.
Việc ngành thuế đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử nhằm hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi không những tạo thuận lợi cho người dân mà còn góp phần hạn chế tiếp xúc xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Gần đây, Tổng cục Thuế đã chính thức công bố ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile) và Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Cùng với ngành thuế, hải quan số cũng có nhiều phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế.
Theo Tổng cục Hải quan, ngành hải quan thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số trong nghiệp vụ hải quan, hoàn thành tái cấu trúc tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
Hơn nữa, ngành hải quan đảm bảo đồng bộ với chuyển đổi số nghiệp vụ hải quan, doanh nghiệp theo hướng số hóa và xử lý tập trung thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; triển khai mở rộng số lượng các thủ tục hành chính của các bộ, ngành; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng thuộc và trực thuộc các bộ, ngành, các đơn vị quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh, các bên có liên quan.
Đặc biệt, ngành hải quan tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển các hệ thống nền tảng đáp ứng yêu cầu triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ số ngành hải quan phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ thống thông tin nội ngành theo mô hình kết nối chia sẻ tập trung; xây dựng các dịch vụ nền tảng để triển khai Chính phủ điện tử cơ quan hải quan và hoàn thiện nền tảng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu như không làm tốt chuyển đổi số thì sẽ là nút thắt rất lớn, không phải chỉ là gánh nặng cho các ngành, mà sẽ là yếu tố để doanh nghiệp phải tăng chi phí và thời gian chờ đợi. Nhờ triển khai chuyển đổi số sớm, người dân, doanh nghiệp ngồi bất cứ đâu, bất cứ giờ nào cũng có thể thực hiện được nghĩa vụ khai và nộp thuế, không như ngày xưa, phải xếp hàng tại cơ quan thuế và hải quan làm thủ tục. Do vậy, tạo ra sự tiện lợi nhanh chóng, giúp người nộp thuế tuân thủ tốt hơn, hàng hóa lưu thông nhanh hơn.
Việc chuyển đổi số đã làm thay đổi phương thức quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ trạng thái cơ quan quản lý là người quản lý xin - cho sang một cơ chế phải phục vụ, nếu cơ quan thuế làm tốt, phục vụ tốt, hướng dẫn tốt, người nộp thuế kê khai đầy đủ thì cơ quan thuế sẽ không thất thu thuế. Nếu cán bộ thuế không làm tốt, người nộp thuế làm sai, sẽ phải điều chỉnh.