Với quan điểm mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn khách quan, lấy dân làm gốc, làm trung tâm và mục tiêu phát triển, và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh: “Việc lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”, Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng chủ trì chỉ đạo và tổ chức Cuộc vận động “Doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”. Báo Doanh Nhân Sài Gòn ghi nhận ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về cuộc vận động này.
Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động
Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta luôn xác định và thực hiện quan điểm nhất quán phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, đồng thời đã ban hành nhiều đường lối, chủ trương quan trọng về đổi mới và phát triển kinh tế, đem lại thành tựu phát triển kinh tế to lớn và làm nên cơ đồ chưa từng có của đất nước ta ngày nay. Thực tiễn chứng minh đường lối chủ trương của Đảng về đổi mới và phát triển kinh tế trong thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn, mang tính sáng tạo và phù hợp với quy luật phát triển khách quan, thể chế cơ chế chính sách ngày càng được hoàn thiện.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành ba Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 11-NQ/TW); tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (Nghị quyết số 12-NQ/TW); phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 10-NQ/TW). Đây là những vấn đề then chốt và mang tính nền tảng đối với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp, doanh nhân vẫn gặp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền kinh tế, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.
Với quan điểm mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn khách quan, lấy dân làm gốc, làm trung tâm, Ban Kinh tế Trung ương và các đơn vị liên quan đồng chủ trì tổ chức Cuộc vận động “Doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.
Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng tiên phong nòng cốt trong phát triển kinh tế, trong việc thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước. Doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trên thị trường sẽ biết rõ hơn ai hết cần gì, cơ chế chính sách nào để có thể hoạt động tốt nhất hiệu quả nhất, đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước. Cuộc vận động này khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Trên tinh thần doanh nghiệp, doanh nhân hết lòng vì đất nước, phụng sự Tổ quốc và nhân dân, Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe các ý kiến đóng góp, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến xác đáng của doanh nghiệp, doanh nhân để đổi mới cơ chế chính sách điều hành đất nước. Đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hãy phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm với quốc gia, dân tộc nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia Cuộc vận động “Doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.
Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động
Lễ phát động Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” hôm nay là một việc làm cụ thể, thiết thực để thực hiện ngày càng hiệu quả hơn Nghị quyết Trung ương 5. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao và nhiệt liệt hoan nghênh việc phát động Cuộc vận động. Doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là đối tượng được điều chỉnh bởi cơ chế, chính sách mà chính họ phải có tiếng nói và tham gia vào quá trình hoàn thiện và xây dựng các cơ chế, chính sách. Chỉ có như vậy thì các cơ chế, chính sách mới phản ánh kịp thời, sát nhất với thực tiễn cuộc sống, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Trong thời gian tới, tôi mong rằng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên mọi miền Tổ quốc, thuộc mọi thành phần kinh tế sẽ tích cực hưởng ứng cuộc vận động để cuộc vận động lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động
Suốt hành trình cải cách hơn ba thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay với Đảng, Nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” được phát động lần này là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước ta tổ chức cuộc vận động quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách trong thời gian tới. Cuộc vận động này diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, đúng vào dịp chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, và chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII - một đại hội được kỳ vọng sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ hai trong nền kinh tế Việt Nam. Hy vọng cuộc vận động này sẽ có ý nghĩa như một Hội nghị Diên hồng về kinh tế để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, như Bác Hồ hằng mong mỏi.
Hơn 30 năm đổi mới với “làn sóng cải cách đầu tiên”, chúng ta đã tạo nên kỳ tích, ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới như một mẫu hình chuyển đổi thành công từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường và cũng là mẫu hình thành công đưa một đất nước đói nghèo, bị chiến tranh tàn phá, trở thành một nước có thu nhập trung bình (dù còn ở trình độ thấp). Bây giờ, công cuộc đổi mới đang lan tỏa “làn sóng cải cách lần thứ hai” nhằm xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, để bước vào hàng ngũ các quốc gia phát triển hùng cường, trong tầm nhìn năm 2045, đúng vào dịp chúng ta kỷ niệm 100 năm thành ngày thành lập nước.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo các chuẩn mực phổ biến của các nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước cũng nhấn mạnh yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, quyết đưa Việt Nam lọt vào nhóm 4 nền kinh tế dẫn đầu ở ASEAN trước năm 2021, và nhóm 3 trước năm 2030. Chúng ta hiểu sâu sắc rằng: Đất nước sẽ không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu không vượt khỏi tình trạng chất lượng thể chế (kinh tế) ở mức trung bình.
Tuy vậy, trong tương quan so sánh khu vực và quốc tế, thủ tục hành chính ở Việt Nam còn phiền hà, thời gian và chi phí cho thủ tục hành chính vẫn còn cao, chi phí không chính thức còn lớn. Hệ thống pháp luật kinh doanh vẫn còn những điểm thiếu minh bạch, thiếu nhất quán, chưa bình đẳng… đang cản trở và trói buộc những nỗ lực phát triển của các địa phương và doanh nghiệp. Vì vậy, thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là dư địa và động lực quan trọng bậc nhất cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng và chân thành cảm ơn các cơ quan tổ chức có liên quan đã phát động cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” lần này. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với sự phát triển của Đất nước, cộng đồng doanh nghiệp, thông qua tổ chức đầu mối là VCCI sẽ triển khai nghiêm túc cuộc vận động thông qua mạng lưới gần hơn 500 các hiệp hội doanh nghiệp, ở tất cả các ngành nghề, các địa phương và đơn vị.
Quá trình góp ý chính sách với Đảng và Nhà nước cũng sẽ là quá trình cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam định vị lại chính mình, thực hiện tái cấu trúc, tăng cường liên kết, nâng cấp quản trị và công nghệ, thực hiện chuyển đổi số và quốc tế hoá, nâng cao đạo đức và văn hoá kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh hướng tới các chuẩn mực phát triển bền vững và đề cao trách nhiệm xã hội.
Chúng tôi hy vọng những góp ý, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, trong thời gian tới, sẽ được các cơ quan Đảng, Nhà nước nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng thể chế chính sách để tạo ra hệ sinh thái đóng vai trò bà đỡ và bệ phóng cho sự phát triển bứt phá của doanh nghiệp, doanh nhân và nền kinh tế nước nhà. Để chúng ta lại một lần nữa, có thể ghi danh trên bản đồ thế giới câu chuyện hoá rồng của Việt Nam khi nền cộng hoà dân chủ của chúng ta tròn tuổi 100.