Vị thế

Doanh nghiệp dân tộc: Làm rạng danh đất nước

TS. Nguyễn Ngọc Hòa (*) 11/02/2024 19:00

Phẩm chất nổi trội nhất của doanh nghiệp dân tộc là luôn gắn liền với sứ mệnh lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt, luôn đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh để phụng sự xã hội.

dsc02243.jpg

Những doanh nhân mà tôi có cơ hội tiếp xúc, dù là doanh nghiệp (DN) quy mô lớn hay nhỏ, hầu hết đều có chung một đặc điểm là khát vọng tạo ra sản phẩm - dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhiều doanh nhân xây dựng DN theo định hướng phát triển bền vững, từng bước vươn tầm trở thành doanh nghiệp dẫn đầu.

Điều này cho thấy, doanh nhân Việt Nam luôn năng động, đổi mới sáng tạo để tìm ra cơ hội trong khó khăn, sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức của thị trường và sẵn sàng chung tay góp sức cùng các chương trình xã hội - từ thiện. Một ví dụ sinh động nhất, trong năm 2023, Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng đã nhận được sự ủng hộ lên tới hơn 14 tỷ đồng.

Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới đã xác định “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế”.

Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp và thủy hải sản. Trong khó khăn chung về xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất khẩu nông sản đã trở thành điểm sáng với giá trị kim ngạch năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp năm 2023 đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Tuy nhiên, dù nông sản Việt đã có mặt tại hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: khối EU, Mỹ, Nhật Bản nhưng có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu dẫn tới giá trị nông sản Việt xuất khẩu chưa cao. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Company, kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2023 là 19%, dự báo tổng giá trị hàng hóa tăng từ 30 tỷ USD năm 2023 lên 45 tỷ USD vào năm 2025, tăng nhanh nhất Đông Nam Á. Một số ngành như công nghiệp xây dựng cũng có tiềm năng ra thế giới. Nói như vậy để thấy, DN Việt Nam rất giàu tiềm năng. Tuy nhiên, làm thế nào để có được những DN dẫn đầu?

Để phát triển DN dân tộc có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu mà Nghị quyết số 41 đã đề ra, cần có những chính sách, những giải pháp phù hợp. Trước tiên, doanh nghiệp phải nỗ lực là chính. Cùng với đó là vai trò quan trọng về mặt chính sách của Nhà nước. Theo tôi, Chính phủ nên phân công một bộ chuyên trách là đầu mối đủ mạnh để tham mưu xây dựng chiến lược, triển khai và các chương trình hành động với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn để hỗ trợ và giải quyết các vấn đề của DN. Bộ này sẽ đề xuất chính sách cụ thể về việc hỗ trợ tín dụng, đất đai, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính đối với DN, đồng thời xây dựng quy tắc ứng xử để gìn giữ và lan toả những nét đẹp văn hoá Việt tại quốc gia mà DN Việt kinh doanh.

DN dân tộc chính là “chim đầu đàn” trong một lĩnh vực cụ thể, có khả năng dẫn dắt, kéo theo sự phát triển của DN phụ trợ để cùng phát triển.

TS. Nguyễn Ngọc Hòa

Việc gầy dựng DN dân tộc là không dễ dàng. Nhiều quốc gia đã có những DN dân tộc lớn vươn ra thị trường toàn cầu, nhưng chỉ vì một sai lầm, hoặc lỡ nhịp xu hướng đổi mới sáng tạo đã bị đối thủ vượt lên, thậm chí lâm vào phá sản. Motorola, Nokia đã có những giai đoạn là DN số 1 thế giới nhưng hiện nay sản phẩm của họ gần như biến mất. Nhiều thương hiệu lớn khác cũng ngậm ngùi rút khỏi thị trường. Điều đó cho thấy sự khốc liệt trong cạnh tranh kinh tế. Ở góc độ quản lý Nhà nước, cần có chính sách bảo tồn và phát triển để giữ được sự trường tồn của DN dân tộc. Có thể có những phần thưởng về mặt tinh thần để ghi nhận và khích lệ DN dân tộc theo từng giai đoạn: 30 năm, 50 năm, 80 năm và 100 năm. Đặc biệt, khi DN đã có thương hiệu 50 năm, được chứng nhận là Thương hiệu Quốc gia, thì sẽ có quy chế bảo tồn và phát triển những DN này. Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ khi nhóm DN này gặp khó khăn trong kinh doanh, nhất là về vốn và kết nối thị trường. DN dân tộc sẽ là đại diện cho lực lượng DN đồng hành cùng Chính phủ khi Việt Nam ký kết hợp tác kinh tế với các nước.

Ở khía cạnh nào đó, một số DN dù không thật lớn nhưng có sản phẩm độc đáo, khi ra thế giới sẽ trở thành lực lượng góp phần ghi danh nước Việt trên bản đồ kinh doanh toàn cầu. Như vậy, phẩm chất nổi trội nhất của DN dân tộc sẽ luôn gắn liền với sứ mệnh lan toả nét đẹp văn hoá Việt.

Với vai trò lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), tôi đặt mục tiêu phải hỗ trợ, kết nối và đồng hành với cộng đồng DN để cùng phát triển DN dân tộc, doanh nghiệp lớn.

Doanh nhân phải xác định: “Văn hóa là giá trị cốt lõi để gây dựng thành công một DN dân tộc”. Văn hóa kinh doanh sẽ giúp DN vượt qua mọi thách thức, trở thành những doanh nghiệp lớn, DN dân tộc có sứ mệnh làm rạng danh đất nước.

HUBA có vai trò là “cầu nối” giữa lãnh đạo, chính quyền và ban ngành các cấp của TP.HCM với lực lượng DN, nên đã tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận và nắm bắt định hướng phát triển của Thành phố, từ đó chung tay cùng Thành phố vượt qua các giai đoạn khó khăn và đạt được mục tiêu phát triển chung. HUBA luôn sâu sát thành viên để nắm bắt tình hình DN, từ đó đề xuất chính sách giải quyết kịp thời vướng mắc, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. HUBA cũng tổ chức kết nối, xúc tiến cơ hội đầu tư, hợp tác cùng phát triển giữa DN thành viên và với đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt, HUBA đã tổ chức nhiều chương trình xã hội - từ thiện với sự đóng góp vật chất khá lớn của nhiều doanh nhân, DN.

HFIC là Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước, thực hiện chức năng quỹ đầu tư phát triển địa phương. Theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Thành phố sẽ tập trung nguồn lực cho HFIC để làm đầu mối cho vay theo chương trình kích cầu. HFIC thực hiện nhiệm vụ là một định chế tài chính tham mưu, đề xuất cơ chế tạo nguồn vốn cho các chương trình, dự án lớn, trọng điểm của Thành phố, như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đường sắt đô thị... Đồng thời, HFIC sẽ phối hợp cùng các cơ quan hữu quan tham mưu cho lãnh đạo trong quá trình triển khai thực hiện đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Thực hiện tốt những nhiệm vụ ấy, HFIC góp phần phát triển DN dân tộc cho đất nước.

“Chúng ta đã bước sang năm mới Giáp Thìn 2024. Một năm dự báo còn nhiều khó khăn, tôi mong rằng đội ngũ doanh nhân chúng ta, dù thách thức nào cũng vẫn vững chí, bền lòng, đoàn kết cùng nhau đồng hành để vượt qua khó khăn. Mỗi doanh nhân, mỗi gia đình doanh nhân sẽ là những cánh chim dẫn dắt nền kinh tế, mang khát vọng xây dựng doanh nghiệp của mình trở thành doanh nghiệp dân tộc, làm rạng danh Việt Nam.

(*) Chủ tịch HUBA, Tổng giám đốc HFIC

(Ngọc Lý - ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp dân tộc: Làm rạng danh đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO