Kinh doanh

Doanh nghiệp “chạy đua” với Tết

Ka Mi - Thanh Ngân 07/12/2024 15:44

Bất chấp những thách thức lớn về nguồn cung, vận chuyển và cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp (DN) Việt đang nỗ lực duy trì và phát triển sản xuất trong mùa cuối năm 2024.

Nỗ lực duy trì nguồn cung

Cuối năm là thời điểm quan trọng đối với các DN sản xuất tại Việt Nam, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên các DN phải đối mặt với với nhiều thách thức như nguồn cung, vận chuyển và cạnh tranh gay gắt trong ngành. Trong bối cảnh này, các công ty Việt đang nỗ lực duy trì sản xuất và phát triển, đồng thời tìm kiếm các giải pháp để vượt qua khó khăn.

Bà Đặng Lan Hương, nhà sáng lập của Landfood, chia sẻ rằng yếu tố quan trọng nhất đối với công ty là nguồn cung nguyên liệu thảo dược, chủ yếu là các sản phẩm từ các cây trồng như gấc, tía tô, tỏi, nghệ. Tuy nhiên, mùa vụ có thể bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão, gây thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn cung và làm tăng giá thành nguyên liệu.

vissan-2.jpg
Các doanh nghiệp đang chạy nước rút để đảm bảo hàng hoá trong dịp Tết

“Mặc dù nguồn nguyên liệu của chúng tôi tại Hải Dương bị thiệt hại nặng nề bởi bão Yagi, chúng tôi vẫn lên kế hoạch mở rộng sản lượng gấp ba lần so với năm ngoái để đáp ứng nhu cầu vào dịp Tết Nguyên Đán", bà Hương cho biết. Để đối phó với khó khăn này, Landfood không chỉ tự trồng thảo dược mà còn đầu tư vào công nghệ cao để giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Người Việt rất mở lòng và yêu hàng Việt chất lượng cao. Tôi tin rằng cùng với sự cải tiến không ngừng của công nghệ trong nước, chẳng mấy chốc Việt Nam chúng ta sẽ có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa phát triển mạnh mẽ”.

Bà Đặng Lan Hương - Nhà sáng lập Landfood

Khác với Landfood, Trường Foods lại đối mặt với một thách thức khác khi phải giải quyết vấn đề bảo quản và vận chuyển, đặc biệt trong dịp Tết khi nhu cầu tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, nhà sáng lập của Trường Foods, cho biết khoảng 20 - 30% sản phẩm của công ty bị hư hỏng trong quá trình giao hàng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh doanh online. Công ty đã mở chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển và cải thiện chất lượng dịch vụ.

“Chúng tôi cũng đang hợp tác với các trường đại học để nghiên cứu giải pháp bảo quản mới và giảm thiểu tổn thất trong quá trình vận chuyển", bà Hoa chia sẻ. Tuy nhiên, Trường Foods cũng phải đối mặt với hàng nhái và hàng giả, đặc biệt vào dịp cận Tết. Những sản phẩm này không chỉ sao chép tên gọi mà bắt chước mẫu mã của công ty, ảnh hưởng lớn nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu.

Trong khi đó, Vissan cũng đang đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Tết. Dự kiến, công ty cung ứng ra thị trường gần 930 tấn thực phẩm tươi sống (tăng 5% so với Tết Giáp Thìn 2024) và 3.700 tấn thực phẩm chế biến (tăng 8% so với cùng kỳ). Công ty còn dự trữ thêm 10 - 20% lượng hàng để ứng phó với các tình huống khan hiếm đột biến. Đại diện Vissan cho biết, với hơn 120.000 điểm bán hàng trên toàn quốc, công ty cam kết cung cấp thực phẩm tươi ngon và an toàn đến tay người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực bánh kẹo, năm nay Công ty Bibica đặt kế hoạch doanh số mùa Tết cao hơn năm ngoái từ 15 - 20%. Cụ thể, công ty dự kiến đưa ra thị trường hơn 5.000 tấn bánh kẹo các loại, riêng dòng sản phẩm quà biếu là khoảng 6 triệu hộp.

“Hiện tình hình khá khả quan. Thị trường tăng đều ở cả ba miền. Để đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, công ty tuyển thêm từ 300 - 400 lao động thời vụ để sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán”, ông Nguyễn Quốc Hoàng - Tổng giám đốc Công ty Bibica cho biết.

Cùng với việc phục vụ thị trường nội, Công ty Bibica còn đẩy mạnh xuất khẩu bánh kẹo sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản. Bibica cũng ghi nhận doanh số xuất khẩu tích cực khi gắn sản phẩm bánh kẹo với nông sản đặc trưng của Việt Nam như dừa, sầu riêng, cà phê...

ibica1.jpg
Lượng hàng dự trữ cũng đã được chuẩn bị tăng 20 - 30%

Tối ưu hoá cơ hội

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, các DN Việt như Landfood, Trường Foods, Vissan, và Bibica đều nhận thấy sự thay đổi tích cực trong thói quen tiêu dùng của người Việt. Người tiêu dùng hiện nay chú trọng nhiều hơn vào chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, điều này mở ra cơ hội lớn cho các DN nội địa phát triển. Chính vì vậy, các DN không ngừng đầu tư vào đổi mới công nghệ và cải thiện chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

DN Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép lớn khi vừa phải giảm giá, vừa phải đầu tư mạnh vào các dịch vụ miễn phí vận chuyển để giữ chân người tiêu dùng.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao

Bà Lan Hương nhận định, trong bối cảnh hiện nay, việc tận dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu bền vững và không ngừng đổi mới là chìa khóa để các DN Việt Nam vượt qua thách thức, khẳng định vị thế trong lòng người tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2025, các DN Việt có thể đối mặt với thách thức lớn từ sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Với lợi thế giá thành thấp, hàng Trung Quốc sẽ tiếp tục “đổ bộ” mạnh mẽ vào thị trường nội địa. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất trong nước phải có chiến lược ứng phó kịp thời để bảo vệ thị trường và duy trì lợi thế cạnh tranh.

Công ty chúng tôi vẫn phải đối mặt với vấn nạn hàng nhái và hàng giả vào dịp cận Tết. Những sản phẩm này không chỉ sử dụng tên gọi mà còn mô phỏng mẫu mã của công ty, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín thương hiệu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoa - Nhà sáng lập Trường Foods

Chia sẻ về vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng cùng với sự thay đổi xu hướng tiêu dùng, DN Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép lớn khi vừa phải giảm giá, vừa phải đầu tư mạnh vào các dịch vụ miễn phí vận chuyển để giữ chân người tiêu dùng.

“Thêm vào đó, phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc giá rẻ. Việc phân biệt hàng Việt Nam và hàng nhập khẩu (đặc biệt từ Trung Quốc) không dễ dàng. Các mặt hàng Trung Quốc thâm nhập rất sâu vào thị trường Việt Nam, từ đó chiếm lĩnh người tiêu dùng”, bà Hạnh chia sẻ.

Cũng theo bà Hạnh, trước những biến động khó lường của thị trường Tết năm nay, DN Việt cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, chú trọng dịch vụ khách hàng, bổ sung sự khác biệt trong các sản phẩm địa phương, thực hiện hoạt động xúc tiến tiêu dùng và khuyến mãi để người tiêu dùng không còn quá quan tâm đến hàng giá rẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp “chạy đua” với Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO