Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục gặp khó

Duy Khánh| 13/07/2019 06:00

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có báo cáo về một số khó khăn của doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) trong 6 tháng đầu năm

Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục gặp khó

Vướng thủ tục hành chính

Theo đó, HoREA cho biết rất lo ngại trước tình hình sụt giảm quy mô thị trường BĐS, sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa phải và nhà ở xã hội. 

HoREA cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có ba dự án nhà ở thương mại được Sở Xây dựng đề xuất UBND Thành phố công nhận chủ đầu tư với diện tích 2,233ha, 924 căn hộ, giảm 16 dự án (tương đương mức giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Cũng trong 6 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án (tương đương 29,4%), giảm 2.336 căn hộ (tương đương 24,2%) so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường BĐS, dẫn đến khó khăn về vốn cho DN BĐS. 

Nói về tình hình kinh doanh hiện nay, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long cho rằng, chính sách về BĐS chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thực tiễn dẫn đến nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài vài ba năm khiến nhiều DN BĐS bất an. Trong đó phải nói đến cách tính tiền sử dụng đất dự án rất chậm trễ. Nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm vẫn chưa giải quyết xong, bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng, không trình được lên Hội đồng Thẩm định giá đất và UBND TP.HCM. Ngược lại có DN bị buộc thanh toán tiền đất ngay khi khởi công dự án.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết, rất nóng ruột và bức xúc vì Công ty có 8 dự án thì hết 7 phải “trùm mền” do vướng pháp lý. Chẳng hạn dự án Sông Đà (quận Thủ Đức) 2,8ha, Phú Hữu (quận 9) 7ha đều do DN tự đền bù, trong đó phần lớn là đất nông nghiệp nên đều dính một ít đất sông rạch. Mặc dù công ty đã rất nỗ lực làm việc với các cấp có thẩm quyền nhưng hồ sơ pháp lý bị ngâm quá lâu, chưa có hồi kết.

Theo nhiều chủ đầu tư BĐS, thời gian thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất kéo dài của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ hoàn thành dự án, DN vuột mất cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng uy tín đối với khách hàng.

Cần sửa Luật Xây dựng

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, HoREA từng kiến nghị UBND TP.HCM và Thanh tra Chính phủ xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với hơn 100 dự án đang bị “đóng băng” chờ rà soát, thanh tra. Vì quá trình thanh tra càng kéo dài càng bất lợi cho DN về chi phí vốn, lãi vay ngân hàng và mất cơ hội kinh doanh. Điều này dẫn đến số lượng dự án đưa ra thị trường bị sụt giảm, bất lợi cho người mua nhà về việc lựa chọn sản phẩm, nguồn thu ngân sách nhà nước cũng giảm đáng kể.

Ông Châu đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài chính sớm xây dựng các nguyên tắc về tiêu chí thẩm định giá đất, nhà ở thương mại, đảm bảo tính tiền sử dụng đất hợp lý và không làm thất thoát ngân sách nhà nước.

HoREA cho rằng, sau 5 năm thực hiện Luật Xây dựng đã bộc lộ những mặt khiếm khuyết, một số quy định không còn phù hợp. Chẳng hạn, lẽ ra quy trình cấp giấy phép xây dựng phải bao gồm cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở và thẩm định thiết kế kỹ thuật. Song các quy trình này lại được tách ra làm ba bước (thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật rồi mới cấp giấy phép xây dựng). Hay pháp luật hiện nay quy định tất cả công trình cấp I (từ 25 tầng hoặc trên 75m) đều phải được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật (hai lượt thẩm định). Tuy nhiên, sau khi đã thực hiện xong bước này, các chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng để xin cấp giấy phép một lần nữa là bất hợp lý. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO