Hỗ trợ nông dân: Phải có đi có lại

Ý LỮ| 12/08/2009 07:17

Thời gian qua, Nhà nước và một số DN có hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nhưng chưa thật hiệu quả. Nguyên nhân của vấn đề này cần nhìn từ hai phía.

Hỗ trợ nông dân: Phải có đi có lại

Thời gian qua, Nhà nước và một số DN có hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nhưng chưa thật hiệu quả. Nguyên nhân của vấn đề này cần nhìn từ hai phía.

Trong khi thị trường cá tra VN được mở rộng sang 107 quốc gia và vùng lãnh thổ thì diện tích ao nuôi đang bị thu hẹp, ước tính khoảng 30%, do người nuôi cá không còn khả năng tái đầu tư.

Ông Lê Hữu Phước, ở số 2 Bạch Đằng, P. Mỹ Lâm, TP. Long Xuyên cho biết: “Khó khăn lớn nhất của các hộ nông dân nuôi cá hiện nay là lãi suất vay tiền ngân hàng cao. Mặc dù Nhà nước đã có chủ trương hỗ trợ người nuôi cá với mức lãi vay 4%/năm, nhưng thực tế chúng tôi không tiếp cận được sự hỗ trợ này do ngân hàng đòi hỏi các khoản đầu vào phải có hóa đơn, mà đa phần các trại nuôi cá đều nhỏ lẻ, chi phí mua thức ăn, con giống... hầu như không có hóa đơn. Những đơn hàng muốn có hóa đơn thì phải mua trôi nổi và phải cộng thêm 2% phí chênh lệch, cộng với 10% thuế GTGT. Tính ra, để được vay 4% lãi suất/năm, thì chúng tôi phải bỏ ra 12% cho một hóa đơn đầu vào, lỗ 8%”.

Theo ông Lê Văn Liệp, người cùng xóm với ông Phước thì “Nhiều DN vẫn khuyến khích nông dân nuôi cá và hứa hỗ trợ đầu ra, nhưng khi mùa thu hoạch cá đến, họ làm khó dễ để bắt hạ giá. Chẳng hạn, tôi bán cá tra cho Công ty Nam Việt với giá hợp đồng bao tiêu đã ký kết là 14.500 đồng/kg, nhưng cá gầy, cá lớn quá kích cỡ thì họ buộc bán rẻ. Cụ thể, Công ty này chỉ mua cá từ 800g đến 900g, nếu quá trọng lượng ấy chỉ trả 13.000 đồng/kg. Tôi năn nỉ mãi, họ mới tăng thêm 500 đồng. Tính ra, bán 300 tấn cá, tôi lỗ 300 triệu đồng”.

Cũng theo ông Phước và ông Liệp, muốn có một kg cá thịt cần 1,5kg thức ăn, giá thức ăn hiện nay tăng cao, từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, cộng với 2.500 đồng tiền cá giống và chi phí khác, giá thành một kg cá đã là 14.500 đồng, nếu bán 14.500 đồng/kg thì lỗ vì còn phải trả lãi tiền vay ngân hàng. Mặc dù biết người nuôi cá gặp khó khăn, nhưng khi mua cá, các DN thường không trả tiền liền, thông thường sau 45 ngày hoặc vài tháng mới trả, mà tiền trả cũng lắt nhắt, khi nhiều, khi ít.

Ở lĩnh vực trồng trọt, ông Nguyễn Văn Thiết - nhà vườn trồng hoa ở 1/5 Nguyễn Đình Chiểu, Đà Lạt cho biết: “Công ty Hasfarm liên kết với các nhà vườn trồng hoa như đưa giống, hướng dẫn kỹ thuật, nhưng hoa tốt thì lấy, hoa không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì chủ vườn chịu. Khó khăn hiện nay của người trồng hoa là Nhà nước chưa có chính sách kích cầu xuất khẩu hoa ra nước ngoài, trong khi đó, những người trồng hoa vẫn thường xuyên phải cạnh tranh với hoa Trung Quốc nhập lậu, dù hoa trong nước có lúc dội chợ và chất lượng không thua kém hoa ngoại”.

"Với kiểu canh tác nhỏ lẻ, đa canh, nông dân sẽ không bao giờ hiểu được nhu cầu thị trường và cũng không tiếp cận được với tiến bộ khoa học để trở thành những ông chủ trang trại đúng nghĩa"

Ông Nguyễn Đức Thuận xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương kể: “Gia đình tôi trồng khoảng 100 cây mít, sản lượng ổn định nhưng gần đây bán rất chậm, thu nhập kém nên đang muốn bỏ cây mít trồng một loại cây khác”. Theo ông Thuận, Công ty Vinamit đã hỗ trợ người nông dân trồng mít về cây giống, có người chỉ cách chọn chọn giống thế nào và bón phân gì cho trái to đều, múi mít đẹp. Nói chung, năng suất và chất lượng mít có cao hơn nhưng việc bao tiêu sản phẩm DN vẫn chưa tạo điều kiện cho người trồng mít nhỏ lẻ. Khó khăn hơn là công ty không có người thu mua nên mỗi lần bán cho nhà máy, nhà vườn phải mang mít đi rất xa. Do đó, nguồn doanh thu sau thu hoạch bị giảm đáng kể, chưa kể một số hàng dạt bị công ty trả về phải mất thêm một lần phí vận chuyển.

Giải thích về hiện tượng này, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Vinamit nói: “Do người nông dân trồng trọt theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún nên Vinamit khó mà đủ người thu mua tận vườn. Cũng vì sản xuất nhỏ nên người nông dân khó đáp ứng những số lượng lớn cho DN, nhất là phía DN yêu cầu sản phẩm sạch, sau thu hoạch phải phân loại sản phẩm... trong khi nông dân lại chẳng quan tâm điều này, họ chỉ chăm chăm bón phân, phun thuốc làm sao cho năng suất cao, bán được hàng, bất kể dư lượng hóa chất trong nông sản, thực phẩm gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì hợp đồng quy định tuyển chọn gắt gao, như khi giao sản phẩm cho nhà máy phải qua sơ chế và công ty chỉ mua những trái mít đạt tiêu chuẩn, nên dù được hỗ trợ kỹ thuật, cây giống và nhiều dịch vụ khác, người nông dân vẫn ngại bán sản phẩm cho DN, chỉ thích bán xô, bán mão cho tiện.

Một thực tế cũng được ông Viên nêu rõ, đó là trong khi thị trường đòi hỏi sản phẩm chuyên canh thì nhiều nông dân lại thích trồng tạp. Trong những lần tiếp cận với nhà vườn, công ty đều tư vấn, lý giải điều này nhưng nông dân vẫn làm theo ý họ, chỉ thích nhìn theo cái lợi trước mắt. Với kiểu canh tác nhỏ lẻ, đa canh, nông dân sẽ không bao giờ hiểu được nhu cầu thị trường và cũng không tiếp cận được với tiến bộ khoa học để trở thành những ông chủ trang trại đúng nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hỗ trợ nông dân: Phải có đi có lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO