Những người con hiện đại của núi đồi Lang Biang
Đêm Lang Biang hơi lạnh, bóng tối như cô đặc hơn trước ánh lửa trại. Quanh ánh lửa bập bùng người ta nói chuyện bằng thứ tiếng nửa Kinh, nửa Lạch. Tôi cố lắng nghe nhưng không hiểu. Và khi ngọn lửa bùng lên, tiếng chiêng ngân lên, tôi quá ngạc nhiên khi thấy những cô gái người Lạch xinh đẹp hiện ra. Họ hoạt động trong đội cồng chiêng ở thị trấn Lạc Dương nằm dưới chân núi cao nhất tỉnh Lâm Đồng. Các cô gái uyển chuyển trong vũ điệu cồng chiêng âm vang Lang Biang.
Tôi tự hỏi, những đứa con của nàng Biang xa xưa đây ư? Tại sao họ có thể xinh đẹp đến thế - một vẻ đẹp đáng ngạc nhiên với làn da trắng hồng, mũi cao, đi đứng như chưa một ngày mang gùi lên rẫy. Thật kinh ngạc khi thấy nhiều cô gái mang giày cao gót. Quả là cuộc sống mới đã tràn đến đây. Và tôi cố gắng bắt chuyện với một cô gái xinh đẹp nhất, tên Vy.
Nhiều cô gái trong đội cồng chiêng không có vẻ gì là thiếu nữ người Lạch như ta vẫn gặp trên những con đường bụi đỏ của thị trấn Lạc Dương - vùng đất của cà phê, khoai tây và rau củ. Phụ nữ ở đây lầm lũi bịt mặt, đội nón rộng, mang gùi. Cô gái tôi nói chuyện thì khác.
Vy có làn da trắng, mặc đẹp, đi giày cao gót, đi xe máy đời mới, dùng điện thoại di động. Cô đang làm văn thư ở một công sở. Ban đêm cô chạy xe máy 15 km lên thành phố Đà Lạt học đại học tại chức ngành tài chính - kế toán. Mới được một năm, cô còn phải học thêm ba năm nữa mới lấy được bằng. Những đêm không đi học, cô tham gia đội cồng chiêng phục vụ du khách.
Đội múa cồng chiêng do người bà con của Vy tổ chức, là sản phẩm du lịch nổi tiếng ở vùng này. Mỗi tháng họ biểu diễn ít nhất 10 đêm. Đến giờ, MC mặc áo quần người Lạch, đầu đội mũ gắn lông vũ, bước ra dạy khán giả vài câu chào bằng tiếng Lạch.
Sau đó là giới thiệu phong tục, tập quán, truyền thống của người Lạch. Xong tiết mục rượu cần và thịt nướng, các chàng trai cô gái mang cồng chiêng ra nhảy múa. Chủ khách cùng tham gia các điệu nhảy. Các cô gái Lạch nhảy từ điệu cha cha cha cho đến điệu vũ Lạch. Cuộc vui cứ thế diễn ra suốt tối. Chúng tôi vừa nhảy vừa tán chuyện vui. Chút rượu cần, nhan sắc và niềm vui của những cô gái núi rừng đã làm nên một vẻ đẹp tuyệt vời cho đêm Lang Biang.
Mơ hạnh phúc nơi xa
Vy kể, mỗi tháng nhảy múa cồng chiêng trong các sô như vậy cũng kiếm được 2 triệu đồng. Bố mẹ cô là những người làm vườn giỏi và chăm chỉ. Họ có rẫy trồng khoai tây và cà rốt khá xa nhà. Suốt năm họ trồng trọt nuôi ba chị em. Con gái họ không bao giờ phải đi làm rẫy. Vy không chịu được cái ý nghĩ phải mang gùi lội bộ qua suối, làm lụng suốt ngày trên đất đỏ, tối về nhà xem tivi như những cô gái ở xứ này. Vy dự định sau khi lấy được bằng đại học sẽ đi TP.HCM tìm một công việc thích hợp trong một công ty nào đó. Vy muốn thoát khỏi cảnh sống lam lũ nơi quê nhà.
Tôi ngắm cô gái trẻ thật đáng yêu, thật hồn nhiên và dù chuyện sơn nữ kể thế nào, tôi không hề định kiến xấu tốt, bởi tìm kiếm hạnh phúc chưa bao giờ cần đến khuôn mẫu.
Cuộc sống của Vy có biết bao mâu thuẫn. Cô đi làm ở thị trấn, trong một công sở toàn người Kinh. Với cách chưng diện của mình, cô làm đồng nghiệp nữ bực bội, chỉ bởi vì cô sành điệu hơn họ. Vy luôn bị soi mói, ganh ghét, và ở nơi làm việc, cô không có bạn bè. Vy càng cô đơn hơn trong cái xã hội nhỏ bé ở thị trấn này, nơi người Lạch theo chế độ mẫu hệ, con gái đôi mươi đã “bắt chồng”, đầu tắt mặt tối với vườn cà phê hay rẫy khoai tây.
Những chàng trai Lạch làm thợ mộc, thợ nề, làm rẫy. Sáng sáng họ ngồi trong quán cà phê cóc, ngắm Vy đi qua, ánh nhìn nửa thích nửa khó chịu. Vy không muốn “bắt chồng” ở đây, bởi cô không chọn được ai. Vả lại, cô nói, con gái Lạch từng yêu người dân tộc khác như cô là đã mất giá trong mắt gia đình nhà trai, bây giờ muốn lấy chồng người Lạch, gia đình cô phải đền cho nhà trai vài chục triệu đồng, gọi là bồi thường danh dự vì mối tình ngoại tộc trong quá khứ.
Vy không có tiền để đền, cũng không muốn đền. Cô muốn tìm một chàng trai đủ sức đem cô ra thành phố. Nhưng cha mẹ Vy không tin tưởng con trai thành phố, bởi chẳng có luật tục nào của buôn làng ràng buộc được họ. Đã có thanh niên người Kinh đến đây lấy vợ người Lạch, được cha mẹ vợ chia trâu bò, ruộng vườn, nhà cửa, sau đó đem bán và bỏ đi. Cha mẹ Vy muốn Vy lấy chồng người Lạch. Họ cũng chẳng muốn Vy ra thành phố.
Vy nói làm người Lạch khổ lắm. Người Lạch ở thị trấn xem những cô gái như Vy là đua đòi. Vy cũng khó hòa nhập được với xã hội người Kinh, từ đồng nghiệp trong công sở đến gia đình các chàng thanh niên đều khó xử khi con trai họ cặp kè với con gái người thiểu số. Vy nói ở thị trấn này cô không có bạn bè, trừ một cô gái tên Phi đã đính hôn với một thanh niên Việt kiều Mỹ. Phi vừa chia tay anh được vài ngày. Từ khi ấy Phi biếng ăn lười uống, nói rằng nếu không lấy được anh, cô sẽ không bao giờ lấy chồng nữa, sẽ ở vậy với cha mẹ cho đến già.
Một cô gái khác trong đội cồng chiêng cũng sắp lấy chồng. Chú rể cũng là Việt kiều tại Mỹ, hiện đang làm việc tại TP.HCM. Đám cưới sẽ được tổ chức ở đây, theo nghi thức nửa của người Kinh, nửa của người Lạch, với một đoàn khách cả Âu lẫn Á đi cùng chú rể, rồi cô gái sẽ theo chồng về TP.HCM.
Sự kiện nhuốm màu đa văn hóa này sẽ có tác động, hoặc ít nhất, cũng là cái nền để Vy và Phi tiếp tục mong ước một sự thay đổi lớn lao nào đó, và bộc lộ những tính cách, mong ước trong chính bản thân các cô và xã hội nho nhỏ đang chuyển mình này.
Tôi vào thăm căn phòng của các cô gái trong đội cồng chiêng - nơi Vy và Phi thường tâm sự về những mối quan tâm trong cuộc sống, về thời trang, phim ảnh, âm nhạc, những vũ điệu, và những câu chuyện tình. Đôi khi họ trò chuyện qua mạng xã hội với các chàng trai ở nhiều nơi trên thế giới - những người đã đến Lang Biang du lịch, cùng uống rượu cần, ăn thịt nướng, nhảy múa và rồi xin số điện thoại và nick chat của các cô.
Từ cửa sổ căn phòng này nhìn ra là đỉnh núi Lang Biang. Nơi đó theo truyền thuyết, chàng Lang người Chil và nàng Biang người Lạch đã yêu nhau, nhưng mối tình ngoại tộc không được hai bộ tộc chấp nhận, cuối cùng họ đã chết bên nhau trên đỉnh núi.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, sự du nhập các trào lưu văn hóa là xu hướng tất yếu, không gì ngăn nổi. Ở nơi này nơi khác, sự tác động của tiếp biến văn hóa được điều chỉnh bởi các chính phủ, nhưng cũng chỉ là bề nổi. Chiều sâu của nó vẫn âm thầm tác động dữ dội đến số phận của từng con người, từng cộng đồng.
Trong phóng sự này, tôi không có ý định nói đến cái gì tốt cái gì xấu, cái gì đúng cái gì sai, lối sống nào là đáng lên án hay đáng cổ xúy. Hai cô gái tôi gặp là những cô gái lương thiện, khao khát yêu và được yêu, khao khát hạnh phúc như mọi phụ nữ trên đời, và họ hoàn toàn có quyền được lựa chọn lối sống, tương lai, mà với nó, họ thấy hạnh phúc.
Chuyện của hai cô gái đặt trong bối cảnh một xã hội thiểu số đang chuyển mình mạnh mẽ từ gốc rễ, với những giá trị truyền thống đang lung lay, xáo trộn, những quan niệm cũ về hôn nhân, về giá trị của con người phải lùi bước trước làn sóng văn hóa mới, cho thấy sự chuyển động phức tạp và đa chiều của cuộc sống.