Vì sao DN ít giải quyết tranh chấp bằng trọng tài?

27/04/2013 07:01

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài không mới, bởi chỉ tính riêng Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có “tuổi đời” 20 năm. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều DN chưa lựa chọn hình thức này để giải quyết tranh chấp thương mại.

Vì sao DN ít giải quyết tranh chấp bằng trọng tài?

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài không mới, bởi chỉ tính riêng Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có “tuổi đời” 20 năm. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều DN chưa lựa chọn hình thức này để giải quyết tranh chấp thương mại.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định phương thức trọng tài do doanh nhân nghĩ ra và được nhà nước ủng hộ. Phương thức này có nhiều ưu thế, như: Giải quyết một lần; giải quyết bằng hội đồng trọng tài do các bên lựa chọn.

VIAC được thành lập ngày 28/4/1993 theo Quyết định 204 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức Hội đồng Trọng tài Ngoại thương (được thành lập năm 1963) và Hội đồng Trọng tài Hàng hải (thành lập năm 1964). Tuy nhiên, tính đến nay số vụ xét xử của các trung tâm trọng tài thương mại tại Việt Nam vẫn rất hạn chế. Trong khi, toà án thì luôn rơi vào tình trạng “bội thực” hồ sơ.

Nhầm thành... trọng tài bóng đá

Chuyện thật như bịa là nhiều người còn chưa biết đến hình thức xét xử bằng trọng tài hoặc chưa biết rằng có trung tâm trọng tài thương mại. Thậm chí, một số cơ quan báo chí khi nhận giấy mời của VIAC còn chuyển sang ban thể thao vì cho rằng đây là... trọng tài bóng đá. TS Nguyễn Gia Hảo – Trọng tài viên VIAC chia sẻ: “một lần tôi bị cảnh sát giao thông chặn xe, khi kiểm tra giấy tờ, tôi nói làm việc ở Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Vị cảnh sát bảo: “lần nào có vé xem bóng đá cho cháu xin một đôi!”.

Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đã có Luật Trọng tài thương mại (có hiệu lực 01/1/2011) thay thế Pháp lệnh Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ hoặc ưu tiên để hình thức xét xử này phát triển vẫn chưa tốt. Trọng tài viên VIAC Đặng Xuân Hợp đồng thời cũng là trọng tài viên của Trung tâm trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) cho biết, Chính phủ Singapore đã đầu tư (dưới dạng cấp không) cho SIAC một trụ sở rất khang trang và tiện nghi.

Bên cạnh đó, các trọng tài viên của SIAC cũng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó, tại Việt Nam, trọng tài viên như ông vẫn phải nộp tới 20% thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy, SIAC mặc dù được thành lập sau VIAC nhưng vẫn được cộng đồng DN biết đến như một địa chỉ tin cậy. Cụ thể là trong điều khoản trọng tài của nhiều hợp đồng thượng mại quốc tế, các đối tác vẫn ép DN Việt Nam phải lựa chọn SIAC.

Ông Hợp chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, nhiều nhà đầu tư tìm kiếm thị trường không còn quan tâm đến giá nhân công hay thuế ưu đãi mà họ chọn nơi có chính sách minh bạch và quyền lợi được bảo vệ. Trọng tài cũng là một trong những bảo đảm rất đáng lưu tâm của họ.

Xây dựng hình ảnh trong cộng đồng DN

Tuy nhiên, nhiều DN đặc biệt là DN đầu tư nước ngoài vẫn còn băn khoăn khi một số phán quyết của trọng tài bị toà án tuyên huỷ. Theo LS Vũ Ánh Dương – Tổng thư kí VIAC, tính đến nay, số vụ tranh chấp thương mại được xét xử bằng hình thức trọng tài khoảng 1.000 vụ. Trong đó có 9 vụ bị toà án tuyên huỷ. Theo pháp luật Việt Nam các phán quyết trọng tài bị toà án tuyên huỷ chỉ khi vi phạm phần thủ tục xét xử. Tuy nhiên, hiện nay vi phạm về phần thủ tục của các phán quyết chủ yếu là điều kiện trọng tài trong hợp đồng thương mại không ghi rõ tên trung tâm trọng tài xét xử.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Pháp lý Trung tâm VIAC, chia sẻ: “Qua nhiều vụ kiện quốc tế cho thấy, DN Việt Nam còn kém trong việc sử dụng các dịch vụ pháp luật. Không những thế, “nhiều DN Việt Nam thường tìm cách chọn luật nước ngoài làm căn cứ xử lý tranh chấp, mà không tìm cách thuyết phục đối tác chọn luật Việt Nam để xử lý. Điều này rất dễ gây ra rủi ro, thiệt hại”. Ông Hạnh còn chỉ ra một bất lợi lớn nữa trong ứng xử của DN và cơ quan chức năng của Việt Nam trước những tranh chấp có yếu tố nước ngoài là: “Trong xử lý tranh chấp, khi thấy mình bị bất lực, DN đến UBND tỉnh, Bộ Tư pháp.... xin tư vấn. Các cơ quan này cũng hăng hái vào cuộc. Khi đó, đối tác sẽ chuyển hướng tranh chấp thành có yếu tố chính quyền, Như vậy, có thể dẫn đến vi phạm các cam kết quốc tế”.

TS Phạm Chí Hiếu – Trọng tài viên VIAC còn cho biết, nhiều quyết định tuyên huỷ phán quyết trọng tài của toà án đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, chỉ cần một lần toà án tuyên huỷ phán quyết trọng tài sai sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến tâm lí DN, đặc biệt DN nước ngoài. Là người đã tham gia khá nhiều vụ xét xử tại VIAC, ông Hiếu rất tự hào về hình thức xét xử rất công tâm và độc lập của VIAC. Khi hội đồng trọng tài được thành lập thì không có bất kì ai, tổ chức nào có thể can thiệp, đồng thời hội đồng cũng không phải xin ý kiến của bất kì ai, cơ quan nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao DN ít giải quyết tranh chấp bằng trọng tài?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO