Về quê

TRẦN THANH PHƯƠNG| 02/10/2009 00:14

Mỗi lần về quê ở Đường Cày, tận mũi Cà Mau, gợi lại trong tôi bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu: Bến nước, tiếng sóng óc ách vỗ vào bờ, con đường mòn...

Về quê

Mỗi lần về quê ở Đường Cày, tận mũi Cà Mau, gợi lại trong tôi bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu: Bến nước, tiếng sóng óc ách vỗ vào bờ, con đường mòn, khoảng sân trước nhà, một gốc cây ăn trái, cho đến phía mặt trời mọc, phía mặt trời lặn...

Tiếng gà gáy thì ở đâu cũng thế, có khác bao nhiêu, nhưng không hiểu sao mỗi lần về quê, hừng đông nằm nghe tiếng gà gáy, buổi trưa nằm nghe tiếng gà gáy, nhớ chi nhớ lạ những gì xa xôi...

Tiếng giã gạo cũng là một âm thanh gợi bao chuyện xa xưa mà ở thành phố tuyệt nhiên không có. Vài chục năm gần đây, do sự phát triển quá nhiều máy xay xát nên thôn xóm châu thổ sông Cửu Long đã vắng đi tiếng giã gạo. Giã gạo là công việc nặng nhọc, vậy mà thường mấy cô, mấy chị đảm nhiệm. Đêm đêm, nhất là những đêm trăng, nhiều cô gái trong làng rủ nhau giã gạo vần công. Trước ngày đám cưới, đám gả, đám cúng cơm, nhiều chị em bạn tự nguyện đến giã gạo, giã nếp, quết bánh phồng giúp gia đình bạn mình. Ngày hôm sau, lại đến nấu nướng, người nào việc ấy... Những buổi như thế thật đông vui, ấm áp thôn xóm.

Con gái ở quê tôi ngày trước khéo lắm, nhất là việc kim chỉ, bếp núc. Mấy bà có con trai đi coi dâu, trước tiên xin phép nhà gái xuống bếp xem có sạch sẽ, tươm tất không: nồi niêu, xoong chảo, chén đũa có ngăn nắp không? Tro, than, củi lửa có gọn ghẽ không... Trong mái, trong khạp nước có gánh đầy không... Sau đó mới coi mặt và tính tình nàng dâu tương lai.

Mỗi lần tôi về tới quê hôm trước thì hôm sau cả xóm biết tin. Tôi chưa kịp đến thăm ai thì đã có người đến mừng từ ngoài sân mừng vào nhà. Chẳng phải là ông gì, cũng chẳng phải một người tên tuổi gì cả, mà chỉ vì tôi là con của má tôi, tôi sinh ra từ mảnh đất này. Gặp nhau, dì Năm, cô Bảy, chú Mười, dượng Sáu, chị Hai... hỏi han đủ chuyện: Tàu xe bây giờ đi lại dễ dàng không, giá cả ở thành phố có đắt lắm không? Chừng nào xây xong cầu Cần Thơ... Có người còn hỏi han cả tình hình thế giới, mặc dù trong xóm, nhiều nhà có tivi.
Mấy ngày tiếp theo, nhiều người đến cho con cá, con cua, con khô... “để ăn lấy thảo”. Có người còn mang đến rổ rau đắng, hoặc bó bông súng, dĩa dưa bồn bồn, hoặc vài con mắm “để mày đừng quên món đồng quê xứ mình...”.

Ở quê tôi nước ngọt rất quý, nhất là mùa hạn. Khách quý mới mời tô nước mưa. Uống một nửa, đổ một nửa là điều cấm kỵ, coi như xúc phạm đến gia chủ. Khách thường thì uống nước Hòn. Ở ngoài khơi mũi Cà Mau, cách đất liền chỗ gần nhất khoảng 20 cây số có một hòn đảo mang tên Hòn Khoai. Không hiểu vì đâu, từ mạch đá, suốt ngày đêm chảy ra dòng nước trong mát lạ lùng và ngọt như nước mưa. Trước đây, bà con ven bờ đất mũi đưa ghe thuyền ra Hòn Khoai lấy nước về dùng. Giọt nước ngọt, giọt nước mưa ở xứ này quý gần ngang hạt gạo; có những lúc còn quý hơn thế. Trong chiến tranh, đồng bào và cán bộ ta ở rừng đước dùng nước mặn cất lấy từng giọt nước ngọt để đỡ khát.

Một lần, tôi dẫn hai anh bạn nhà báo miền Bắc lang thang sông rạch Cà Mau suốt ba ngày trời. Chuyến đi bằng đò máy một nửa, bằng chèo, bằng dầm một nửa và chỉ đi được vài ba kinh rạch thôi chớ làm sao đi giáp hết được. Sông ở Cà Mau là những dòng sông hội tụ trên mình nó bao nhiêu kinh rạch lớn, nhỏ chằng chịt, với một ngày hai con nước lớn, nước ròng. Cho nên đi hướng nào cũng có thể xuôi dòng. Ngồi trên xuồng, gặp cái gì hai anh bạn tôi cũng ngạc nhiên, cũng thắc mắc. Thế là tôi giải thích. Tỷ như, tại sao Nam bộ gọi xe đò, Bắc bộ gọi là xe khách. Nam bộ nói lội bộ, Bắc bộ nói đi bộ. Có phải Nam bộ là vùng sông nước nên mới có từ đò, từ lội kèm theo chăng? Sự chuyển động của dòng nước cũng lắm tên gọi. Nào là nước ròng, nước kém, nước trôi, nước dềnh, nước sụt, nước giựt, nước bò, nước đứng, nước nằm, nước chửng, nước nhửng, nước ương, nước sình, nước chết, nước sát, nước rặc...

Ở vùng Châu Đốc, Long Xuyên, mùa nước lên gọi là nước nổi, nước dâng, hoặc nước về. Mùng năm tháng Năm âm lịch thì “nước quay”. Tháng Bảy thì “nước nhảy lên bờ”. Kể ra coi phức tạp vậy mà chỉ cần nói lên một cái là người dân địa phương biết liền, hình dung được hết. Còn nước ròng thì ai cũng dễ thấy. Đêm đêm, con sông đầy tràn, bỗng dưng sáng lại rút đi đâu gần hết, phơi đôi bãi bùn mịn màng, thoai thoải. Mặt trời lên, chiếu sáng lấp lánh trên nền bãi, mới đẹp làm sao!

Từ cây ô rô, cóc kèn, cây mái dầm, đến cây dừa nước, cây bần sẽ, cây bần ổi... cũng phải giới thiệu cho hai anh bạn đồng nghiệp nghe. Cây đước khác cây vẹt chỗ nào, con cá thòi lòi khác con cá bống kèo chỗ nào, đìa, bàu và lung, ba thứ đó khác nhau ra sao... Tam bản khác xuồng chỗ nào cũng phải “phân tích” để hai ảnh biết...

Một buổi, đang chèo trên con rạch thì thấy người ta dỡ chà. Tôi rà xuồng lại, cốt để cho hai anh nhà báo Bắc Hà thâm nhập thực tế. Hai anh em mải mê nhìn người ta gỡ tôm, cá từ những chiếc mắt lưới mà mắt hai ảnh như sáng ra, muốn thu tóm tất cả hình ảnh đặc biệt này. Nhất là những con tôm càng xanh bằng cổ tay búng chong chóc trong khoang xuồng chủ chà thì hấp dẫn hai ảnh đến là “cực kỳ”.

Một người đàn ông lớn tuổi, hình như chủ chà, đang đứng dưới nước sâu tới ngực, vui vẻ hỏi chúng tôi:

- Các chú từ đâu tới đó?

- Dạ thưa, các cháu ở Sài Gòn tới. Các cháu làm nghề viết văn, viết báo, đi thực tế - Tôi thay mặt anh em trả lời thiệt thà.

- Đi thực tế mà đứng ở sông rồi dòm lên bờ thì nằm ở nhà cũng có chuyện mần văn mần thơ được chớ đi đây đi đó làm gì!

Rồi ông cười khà khà, nói tiếp:

- Hôm nay nhà dở chà, các chú ghé lên chơi, nghen?

Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Trời cũng đã trưa. Hơn nữa, nhìn đôi mắt ông già, chúng tôi đoán đây là “ông già gân” chớ chẳng phải chơi. Chắc có lắm điều hay. Vả lại, ông mời là mời thiệt tình. Chúng tôi nhận lời, ghé lại xin bữa cơm.

Bữa cơm thiệt ngon. Tất nhiên ăn cơm với tôm càng nướng thì nhứt hạng rồi. Nhưng ngon hơn cả vẫn là món nước mắm. Mới kỳ chớ! Dĩa nước mắm vừa ngọt vừa mặn, lại chua chua, cay cay, phảng phất chút tỏi... Trời ơi, chấm một chút đầu đũa đưa vô miệng ngậm lại mới “thấy” hết cái thi vị của nó. Ngon kỳ cục là ngon. Nước mắm này theo ông già chủ chà là do “mấy đứa nhỏ” pha chế. “Mấy đứa nhỏ” là ai mà tài ghê quá vậy? Có ai trồng khoai đất này. Con gái út của ông đó! Mới 16, 17 tuổi mà cô đẹp mặn mà, tóc mượt dài, răng bắp sữa đều tắm tắp.

Cuối cùng tôi không định viết, nhưng không viết thấy thiếu thiếu cái gì khi nói về xứ sở miền Tây Nam bộ. Ai cũng biết tác hại của rượu nếu uống quá nhiều, nhưng khi bạn bè tri kỷ đủ mặt, mồi ngon dọn lên, rượu rót vào ly, tất cả như chỉ còn niềm vui. Nhưng đừng tưởng ở miệt quê này uống sao thì uống. Nó có ước lệ khá nghiêm ngặt, ai không tuân thủ coi như không phải dân nhậu tử tế. Theo đó, nếu bàn có bốn, năm người, người nhỏ tuổi nhất cầm chai rót rượu, mời người lớn tuổi nhất uống trước. Sau đó, tuần tự “kẻ trên người dưới” uống tiếp.

Ở miệt vườn, trong bàn nhậu thường dùng một ly nhỏ uống chung. Người lớn uống nửa ly trước, người nhỏ uống nửa ly sau. Cứ như thế chiếc ly “chạy” vòng theo bàn nhậu. Về món ăn, bộ lòng cá lóc nướng trui chẳng hạn, người trẻ gắp mời người cao tuổi. Nếu là cá dứa, cá ba sa thì gắp nguyên cái bụng cá mời các “cụ” trước. Nhưng các cụ không bao giờ ăn một mình mà chia ra mỗi người trong bàn một miếng. Sau đó ai muốn ăn món nào thì ăn, không ai trách...

Chuyện uống rượu xưa nay ở trên núi, hay miệt đồng bằng, nói chung là vui vẻ. Còn chuyện buồn thường làm ta ngậm ngùi thì nói làm gì nữa. Đó không phải là bữa rượu tri âm, tri kỷ, bữa rượu điệu nghệ của người dân vùng đất phương Nam cuối đất cùng trời này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Về quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO